Bí ẩn về 4 con rồng mạnh nhất thần thoại châu Á
Thần thoại phương Đông tồn tại một số con rồng sở hữu sức mạnh sánh ngang với thần linh, thậm chí có thể hủy diệt thế giới.
Rồng thần Ryujin trong thần thoại Nhật Bản (tranh: Worldhistory)
1. Rồng thần Ryujin
Rồng thần Ryujin thường xuyên xuất hiện trong thần thoại Nhật Bản. Rồng Ryujin cai quản biển cả, là cha của những con rồng nhỏ hơn và được con người tôn trọng, theo World History.
Trong thần thoại Nhật Bản, rồng Ryujin đại diện cho sức mạnh đại dương. Ông sống trong thủy cung dưới đáy biển, cai quản binh tôm, tướng cá và các loài sinh vật biển. Rồng Ryujin sở hữu 2 viên ngọc quý, gọi là “Kanju”, có thể điều khiển nước biển dâng hay rút theo ý muốn.
Trong các bức tranh cổ, Ryujin được mô tả là một con rồng khổng lồ, có màu xanh hoặc đen. Rùa biển, cá và sứa là những nô bộc trung thành của rồng Ryujin. Về điểm này, rồng Ryujin khá giống với Long vương trong thần thoại Trung Quốc. Nhưng rồng Ryujin không tạo ra mưa, điều khiển sấm sét và khí hậu như Long vương.
Theo Japan Guide, rồng Ryujin có trí tuệ và hiểu biết sâu sắc về đại dương, nhưng tính nết ông rất thất thường, khi thì hào phóng, tốt bụng, có lúc lại trở nên tham lam và giận dữ vô cớ. Rồng Ryujin tượng trưng cho sức mạnh của đại dương mà người dân Nhật Bản thời cổ đại không thể chế ngự.
Theo truyền thuyết, Hoàng hậu Jingu của Nhật Bản (201 – 269) từng được rồng Ryujin giúp đỡ để đánh bại quân đội Triều Tiên trên biển. Hoàng hậu Jingu ném một viên ngọc xuống biển khiến nước rút đi và hạm đội của Triều Tiên bị mắc cạn. Khi quân lính Triều Tiên trèo ra khỏi thuyền, Jingu ném một viên ngọc khác khiến nước đổ ập đến và dìm chết quân địch.
Trong một câu chuyện khác, rồng Ryujin đã triệu tập tất cả loài cá dưới đại dương để tìm giúp chàng Hoori chiếc lưỡi câu thần kỳ. Khi Hoori xuống thăm thủy cung, rồng Ryujin còn gả con gái cho chàng và tặng cho rất nhiều châu báu. Số châu báu này nhiều đến nỗi phải đặt trên 100 chiếc bàn mới hết.
Bằng phép điều khiển nước, rồng Ryujin cũng giúp chàng Hoori đánh bại người anh trai có tên Hoderi, khi Hoderi muốn giết em trai và chiếm đoạt số châu báu.
Tuy nhiên, rồng Ryujin thần cũng có lúc nổi lòng tham.
Theo thần thoại Nhật Bản, rồng Ryujin từng dùng phép lạ để đánh cắp viên ngọc quý của ngài Kamatari (614 – 669), trưởng gia tộc quyền lực Fujiwara. Vợ của Kamatari đã lặn xuống đáy biển để lấy lại viên ngọc nhưng bị rồng Ryujin phát hiện và truy đuổi.
Viên ngọc quý được đưa lên bờ, nhưng vợ của Kamatari phải bỏ mạng dưới đáy biển.
Tại Nhật Bản, rồng Ryujin được thờ ở nhiều nơi. Các nghi lễ tôn thờ Ryujin, cầu mưa thuận gió hòa, cầu cho ngư dân được nhiều tôm cá gọi là Ryujin Shinko (Long thần tín ngưỡng).
Thần Indra giao chiến với rồng Vritra (tranh: Aminoapps)
2. Rồng Vritra
Trong thần thoại Ấn Độ, Vritra là một con rồng khổng lồ, có khả năng hấp thụ tinh hoa trong vũ trụ và cai quản tất cả những ngọn núi vĩ đại. Vritra lớn đến nỗi thân nó quấn quanh các ngọn núi và đầu thì chạm tới bầu trời, theo History.
Theo các câu chuyện được kể trong kinh Vệ Đà, rồng Vritra vô cùng hùng mạnh nhưng cũng rất độc ác. Nó đã hút sạch nước trên thế giới, gây ra hạn hán và nạn đói. Trước tình hình này, Indra – vua của các vị thần Ấn Độ – đã nghênh chiến với Vritra.
Dù là vua của các vị thần, Indra vẫn phải uống một lượng lớn rượu thần Soma mới đủ sức đối phó với rồng Vritra. Trong trận chiến long trời lở đất, Vritra đã đánh gãy xương của thần Indra. Con rồng chỉ bại trận khi bị Indra giáng một tia sét khổng lồ.
Một câu chuyện khác kể rằng, trong lần đầu giao chiến, thần Indra bị Vritra đánh bại và nuốt chửng. Các vị thần khác của Ấn Độ phải hợp sức để buộc con rồng nhả thần Indra ra ngoài.
Không thể tiêu diệt đối phương, thần Indra và rồng Vritra thỏa thuận đình chiến. Theo đó, thần Indra hứa sẽ không tấn công rồng Vritra vào ban ngày hoặc ban đêm, với bất cứ thứ gì bằng sắt, bằng đá hay bằng gỗ, ẩm ướt hay khô ráo.
Tuy nhiên, vào lúc hoàng hôn, thần Indra đã tiêu diệt rồng Vritra bằng dao kim cương – vũ khí mạnh nhất của thần Indra. Con dao được bọc trong một lớp bọt biển (thứ không ướt hẳn cũng không khô hẳn). Indra chỉ có thể đánh bại rồng Vritra khi nó đang ngủ say.
Tứ hải Long vương (tranh: Sohu)
3. Long vương
Long vương là tên gọi chung của 4 vị thần rồng mạnh nhất trong thần thoại Trung Quốc. 4 vị này bao gồm Đông hải Long vương (Ngao Quảng), Tây hải Long vương (Ngao Nhuận), Nam hải Long vương (Ngao Khâm) và Bắc hải Long vương (Ngao Thuận).
Theo thần thoại Trung Quốc, 4 vị Long vương khi hiện nguyên hình có thể to bằng quả núi, quẫy đuôi có thể gây ra sóng thần. 4 vị Long vương còn có tài phép hô mưa gọi gió, điều khiển sấm sét, thời tiết, khí hậu và biến hóa khôn lường.
Bốn vị Long vương cũng sở hữu vô số kho tàng, báu vật dưới thủy cung. Dưới trướng 4 vị Long vương là binh tôm, tướng cá và các loài thủy tộc.
Trong các tác phẩm mang nét thần thoại Trung Quốc như “Phong thần diễn nghĩa”, “Tây Du ký”, Long vương có địa vị ngang hàng với Diêm vương (vị thần cai quản địa ngục) và chỉ nghe lệnh của Ngọc Hoàng thượng đế.
Theo Sohu, ở Trung Quốc, Long vương được tôn kính như một vị phúc thần. Người dân Trung Quốc có tín ngưỡng thờ Long vương từ lâu đời để cầu mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa. Ở Việt Nam, một số nơi cũng có miếu thờ Long vương.
Rồng Apalala trong thần thoại Pakistan (ảnh: Ancient)
4. Rồng Apalata
Ở Pakistan đến nay còn lưu truyền thần thoại về con rồng đáng sợ Apalala, theo Nations Online.
Theo thần thoại Pakistan, câu chuyện bắt đầu từ một tu sĩ tài phép tên Gangi. Ông đã dùng bùa chú của mình để đánh bại một đám rồng độc ác, khiến chúng không thể gây giông bão và tàn phá mùa màng của người dân. Nhờ vậy, Gangi được nhiều người ca ngợi và cúng tế.
Tuy nhiên, sau nhiều năm trôi qua, nhiều người đã lãng quên và từ chối cúng tế cho Gangi. Điều này khiến ông phẫn nộ. Gangi đã biến thành một con rồng khổng lồ, gây ra lũ lụt và mưa đá để trừng phạt người dân.
Trong thần thoại Pakistan, con rồng do Gangi biến thành được gọi là Apalala.
Không giống như nhiều con rồng khác, Apalala mang đầu người và thân rắn (biểu tượng cho sức mạnh và trí khôn). Apalala kiểm soát nguồn nước, những cơn mưa và con sông Swat ở miền Bắc Pakistan. Người dân muốn sống được thì phải cống nạp cho rồng Apalala.
Với mong muốn giúp đỡ người dân Pakistan, Đức Phật đã đến gặp rồng Apalala để thuyết pháp. Đi cùng ngài là Bồ tát Vajrapani.
Theo thần thoại Pakistan, rồng Apalala cúi đầu và tôn kính khi nghe Đức Phật thuyết pháp. Những lời của Đức Phật đã hóa giải thù hận của Apalala và con rồng trở thành một tín đồ của đạo Phật.
Đức phật cấm Apalala phá hoại mùa màng, nhưng con rồng lo sợ mình có thể chết vì đói.
“Nguồn sống của tôi đến từ mùa màng của loài người. Nếu không gây bão lụt, tôi sẽ chết đói”, Apalala nói.
Apalala cầu xin Đức Phật cho phép nó gây ra lũ lụt trên sông Swat mỗi 12 năm một lần để kiếm ăn. Đức Phật cho phép điều này.
Trong một câu chuyện khác, Bồ tát Vajrapani đã giao chiến với rồng Apalala một trận long trời lở đất. Con rồng bị đánh bại bởi một tia sét giáng trúng sườn. Sau khi rồng Apalala bị đánh bại, Đức Phật đã giúp nó hóa giải thù hận.
Câu chuyện về rồng Apalala ngày nay vẫn được truyền tụng ở Pakistan. Người cao tuổi thường kể câu chuyện này cho trẻ em để giáo dục về đức tin và tính hướng thiện.
Nguồn: [Link nguồn]
Lần cuối người ta tận mắt nhìn thấy loài sinh vật này là ở các cồn cát tại Nam Phi vào năm 1937.