Bí ẩn "thành phố ngầm” bên dưới Azovstal: Boongke chịu nổi bom hạt nhân khiến Nga gặp khó

Sau gần 60 ngày bị Nga tấn công và bao vây, các lực lượng Ukraine ở Mariupol đang cố thủ trong các đường hầm chằng chịt bên dưới nhà máy thép khổng lồ Azovtal. Đây được xem như “pháo đài” cuối cùng của họ ở thành phố cảng chiến lược bên bờ biển Azov.

Khu vực nhà máy Azovstal trên bản đồ (ảnh: Guardian)

Khu vực nhà máy Azovstal trên bản đồ (ảnh: Guardian)

1. Những đường hầm bí ẩn

Azovstal là một trong những nhà máy luyện kim lớn nhất thế giới, nằm ở phía đông thành phố cảng Mariupol. Nhà máy này được xây dựng ở Ukraine vào năm 1930 dưới sự hỗ trợ và tài trợ gần như hoàn toàn của Liên Xô. Năm 1933, dây chuyền luyện kim đầu tiên ở Azovstal đi vào hoạt động. Nhà máy thép khổng lồ này được xem là “món quà” Liên Xô tặng cho Ukraine, theo Newsfounded.

Hàng ngàn công nhân từ khắp nơi ở Ukraine khi đó đã đổ về Mariupol làm việc với mục tiêu biến Azovstal thành một trong những trung tâm luyện kim hàng đầu thế giới. Không chỉ nhà máy, cảng biển ở Mariupol cũng được xây dựng để các tàu chở quặng có thể thuận lợi tới Azovstal.

Tổng công trình Azovstal rộng khoảng 11 km vuông với với nhiều tòa nhà, lò luyện kim, cùng một “mê cung” các con đường và hầm ngầm. Nhà máy Azovstal được các kỹ sư của Liên Xô thiết kế để có thể đảm bảo khả năng sản xuất ngay cả trong điều kiện chiến tranh.

Sơ đồ mô tả một phần của hệ thống đường ngầm ở nhà máy thép Azovstal (ảnh: Daily Mail)

Sơ đồ mô tả một phần của hệ thống đường ngầm ở nhà máy thép Azovstal (ảnh: Daily Mail)

Bên dưới Azovstal có 6 công trình ngầm, dài khoảng 24 km được xây dựng bằng bê tông cốt thép kiên cố. Những đường hầm này thiết kế một cách khá phức tạp với trần là lớp bê tông cốt thép dày 8 mét đủ sức chịu được một cuộc tấn công bằng bom hạt nhân chiến thuật. Hệ thống cung cấp điện, nước, thoát nước, dây cáp ngầm… của nhà máy Azovstal được bố trí trong các đường hầm này. Các đường hầm ở Azovstal được cho là thông với nhau, nhưng không thông sang thành phố lân cận, theo Guardian.

“Về cơ bản, bên dưới Mariupol có một thành phố khác”, Yan Gagin – cố vấn của chính quyền tự xưng Donetsk – nói với hãng thông tấn Ria Novosti.

Sự phát triển của Azovstal bị cản trở bởi Thế chiến II. Năm 1941, một phần của nhà máy đã bị tháo dỡ và đưa tới Ural (Nga), phần còn lại bị phá hủy để tránh rơi vào tay quân Đức. Quân đội Đức Quốc xã kiểm soát nhà máy thép trong khoảng 2 năm. Họ đã cố gắng sửa chữa và giúp nhà máy vận hành trở lại nhưng không thu được nhiều hiệu quả. Năm 1943, Hồng quân Liên Xô đổ bộ vào Mariupol, quân Đức phá hoại Azovstal trước khi rút lui.

Theo Daily Mail, trong trận chiến ở Mariupol, một nhóm quân Liên Xô đã bí mật trú ẩn trong đường hầm và dùng 3 tấn thuốc nổ đánh sập một phân xưởng trong nhà máy Azovstal, tiêu diệt nhiều lính Đức bên trong.

Tháng 6.1945, Azovstal khôi phục được lò luyện kim đầu tiên và sản xuất được gang. Năm 1949, nhà máy được khôi phục hoàn toàn và trở thành một trong những nguồn cung cấp thép chính cho ngành công nghiệp của Liên Xô.

Trong lần tu sửa cuối cùng, các công trình ngầm ở Azovstal được mở rộng vài kéo dài khoảng 24 km như ngày nay. Năm 2014, những người thợ luyện thép của Azovstal lợi dụng các đường hầm này làm nơi trú ẩn và phối hợp cùng Tiểu đoàn Azov để chiếm lại Mariupol từ phe ly khai thân Nga.

Một phân xưởng của nhà máy Azovstal khi hoạt động (ảnh: Daily Mail)

Một phân xưởng của nhà máy Azovstal khi hoạt động (ảnh: Daily Mail)

2. Azovstal giữa xung đột Nga - Ukraine

“Khói lửa bốc lên từ một số tòa nhà ở phía tây, phía đông Mariupol và trong nhà máy thép Azovstal. Đây là nơi đang diễn ra các trận chiến ác liệt giữa lực lượng Nga và Ukraine”, công ty vệ tinh tư nhân Maxar (Mỹ) cho biết vào tuần trước.

Theo các hãng tin lớn của phương Tây như Reuters, CNN, Azovstal giờ là “pháo đài” cuối cùng ở Mariupol của lực lượng Ukraine khi quân đội Nga ở Mariupol khép chặt vòng vây. Nếu giành quyền kiểm soát Mariupol, Nga có thể thiết lập một hành lang giữa Nga, khu vực Donbass và bán đảo Crimea, cũng như kiểm soát hoàn toàn vùng Biển Azov của Ukraine.

Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, mỗi năm, Azovstal sản xuất ra khoảng 4,5 triệu tấn thép, khoảng 3,5 triệu tấn kim loại nóng và 1,2 triệu tấn thép cuộn. Năm 2019, thép và các ngành liên quan đóng góp 12% tổng sản phẩm quốc nội của Ukraine, theo CNN.

Cũng giống như Illich, nhà máy gang thép khác ở Mariupol đang bị Nga kiểm soát, Azovstal thuộc sở hữu của tỷ phú giàu nhất Ukraine – ông Rinat Akhmetov. Theo ông Rinat Akhmetov, chiến sự ở Mariupol đã vô hiệu hóa 1/3 năng lực luyện kim của Ukraine. Ông Rinat Akhmetov cũng cam kết sẽ chi tiền để hỗ trợ việc tái thiết Mariupol nếu quân đội Nga rút lui.

Xe tăng Nga gần Azovstal (ảnh: AP)

Xe tăng Nga gần Azovstal (ảnh: AP)

Theo thông tin từ phía Nga, hiện có khoảng 2.500 binh sĩ Ukraine và 400 lính đánh thuê nước ngoài đang trú ẩn bên dưới hệ thống đường hầm của nhà máy thép Azovstal. Trong khi đó, phía Ukraine nói rằng, ngoài binh sĩ, còn khoảng 1.000 dân thường trú ẩn ở đây. Với hệ thống đường hầm kiên cố ở Azovstal, lực lượng Ukraine có lợi thế về trú ẩn. Tuy nhiên, sau nhiều ngày bị Nga bao vây, họ đang lâm vào tình thế hiểm nghèo do cạn kiệt nước và thực phẩm, nhiều người bị thương không được chăm sóc y tế.

Hôm 11.4, Eduard Basurin – quan chức cấp cao của lực lượng vũ trang Cộng hòa Donetsk tự xưng – cho rằng, việc tấn công vào các đường hầm ở Azovstal “không có nhiều ý nghĩa”.

Ông Eduard Basurin nhận định, rất khó có thể kiểm soát các cơ sở dưới lòng đất khi có quân cố thủ bên dưới. Nếu cố gắng làm điều này, quân đội Nga và Donetsk sẽ thiệt hại đáng kể.

“Việc chúng ta cần làm là phong tỏa toàn bộ nhà máy này. Tìm và chặn tất cả các lối ra vào”, ông Basurin nói.

3. Thế khó của cả 2 bên

Alexander Grinberg – chuyên gia tại Viện Chiến lược và An ninh Jerusalem – cho rằng, những đường hầm ở Azovstal là điều khiến quân đội Nga chưa thể yên tâm khi kiểm soát Mariupol.

“Họ có thể tiến vào nhưng sẽ thiệt hại nặng vì binh sĩ Ukraine bên dưới đường hầm có ưu thế về địa hình và đã giăng nhiều cạm bẫy”, ông Alexander Grinberg nói với Daily Mail.

Theo ông Alexander Grinberg, theo dõi vệ tinh và máy do thám không mang lại nhiều hiệu quả khi đối phương trú ẩn trong các công trình ngầm.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng chỉ ra rằng, tác chiến dưới lòng đất chỉ có thể đạt hiệu quả nếu các binh sĩ chuẩn bị đầy đủ dạn dược, thức ăn và nước uống.

“Binh sĩ phải được đào tạo rất tốt để có thể chiến đấu trong môi trường không thuận lợi như hầm ngầm. Việc sử dụng vũ khí trong không gian kín mang tới nguy cơ sập hầm đáng kể và ngạt khí. Tín hiệu liên lạc trong các công trình ngầm không đạt chuẩn. Binh sĩ bị thương cũng không được chăm sóc đầy đủ”, James Rands – chuyên gia của tạp chí quốc phòng IHS Jane's (Anh) – nhận xét.

Theo ông James Rands, bất chấp những lợi thế về mặt phòng thủ của lực lượng Ukraine ở Azovstal, quân đội Nga vẫn có thể tấn công xuống dưới nếu phát hiện đối phương không được trang bị kính nhìn đêm. Nga cũng có thể bơm nước xuống các hầm ngầm ở Azovstal để vô hiệu hóa bẫy và ép lực lượng Ukraine phải ra ngoài.

Binh sĩ thuộc phe ly khai thân Nga nạp đạn ở gần Azovstal (ảnh: Reuters)

Binh sĩ thuộc phe ly khai thân Nga nạp đạn ở gần Azovstal (ảnh: Reuters)

Đến ngày 21.4, Nga đã 3 lần kêu gọi lực lượng Ukraine đang trú ẩn trong nhà máy thép Azovstal đầu hàng và hứa sẽ bảo đảm tính mạng cho họ. Tuy nhiên, Serhiy Volyna – chỉ huy Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 36 của Ukraine – bác bỏ đề xuất trên.

Ông Serhiy Volyna cho biết, mình và các binh sĩ cố thủ ở Azovstal đang lâm vào tình cảnh hiểm nghèo khi cạn kiệt đạn dược, vũ khí, lương thực. Khoảng 500 binh sĩ Ukraine bị thương không được chăm sóc y tế.

Hôm 17.4, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal tuyên bố, các lực lượng Ukraine còn lại ở Mariupol vẫn đang chiến đấu.

“Thành phố vẫn chưa sụp đổ. Chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng, quyết thắng trong cuộc chiến này”, ông Denys Shmyhal nói với ABC News.

Nguồn: [Link nguồn]

3 vụ chìm tuần dương hạm kinh hoàng nhất của quân đội Mỹ

Được ví như những pháo đài nổi trên biển, tuần dương hạm có ưu thế về tấn công với dàn hỏa lực mạnh nhưng lại gây lo ngại về khả năng phòng thủ vì kích thước khổng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – tổng hợp ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN