Báo Ấn Độ tiết lộ chi tiết đụng độ lên tới 600 quân ở biên giới Trung - Ấn

Chi tiết cuộc đụng độ chết người giữa quân nhân Ấn Độ và lính Trung Quốc mới đây được truyền thông Ấn Độ thuật lại từ lời kể của những người am hiểu vấn đề.

Trước khi căng thẳng leo thang, quân nhân Ấn Độ và Trung Quốc thường xuyên có các hoạt động giao lưu.

Trước khi căng thẳng leo thang, quân nhân Ấn Độ và Trung Quốc thường xuyên có các hoạt động giao lưu.

Theo Hindustian Times, cuộc đụng độ kéo dài 7 giờ, chia làm 3 đợt chạm trán khác nhau, dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) ở thung lũng Galwan.

Quân Ấn Độ ban đầu có số lượng áp đảo nên đẩy lùi lực lượng Trung Quốc. Phía Trung Quốc huy động nhiều binh sĩ hơn đến khu vực đáp trả. Đợt chạm trán cuối cùng có sự tham gia của 600 binh sĩ của cả hai bên.

Theo lời kể của người giấu tên am hiểu vấn đề, đợt giao tranh đầu tiên diễn ra vào 6 giờ tối ngày 15.6. Đại tá Santosh Babu Trung đoàn Bihar 16, dẫn theo khoảng 30 người đến khu vực được gọi là địa điểm tuần tra số 14 (PP14).

Nhiệm vụ của đại tá Babu là kiểm tra xem Trung Quốc đã tháo dỡ các công trình xây dựng sau khi rời đi hay chưa. Ở thời điểm đó, hai bên nhất trí tháo gỡ ngòi nổ căng thẳng và rút quân, sau cuộc đàm phán hôm 6.6, nguồn tin cho biết.

Tuy nhiên, đại tá Babu phát hiện lều bạt và trạm quan sát mà lính Trung Quốc xây dựng. Lực lượng Trung Quốc canh gác khu vực này khoảng 20 người, bao gồm cả sỹ quan chỉ huy.

Đại tá Babu cùng các binh sĩ đối đầu với lính Trung Quốc, sau khi phía Trung Quốc từ chối dỡ bỏ các công trình xây dựng.

Lính Trung Quốc yếu thế hơn phải rút khỏi khu vực. Babu và các binh sĩ đốt cháy lều trại và tháo dỡ trạm quan sát mà lính Trung Quốc dựng lên.

“Các binh sĩ Ấn Độ sau đó nhận thấy điều bất thường, có những gương mặt rất lạ xuất hiện trong đợt phản công của quân Trung Quốc”, nguồn tin nói, giải thích rằng các binh sĩ tuần tra biên giới của hai nước đã quen mặt nhau, nên chỉ có thể hiểu là Trung Quốc huy động lính từ nơi khác đến.

Một lý do khác là vì những người lính đã quen mặt nhau thường không giao chiến quyết liệt đến mức triệt hạ đối phương như vậy, nguồn tin nói thêm.

Phía Ấn Độ huy động thêm viện binh, tổng cộng có 80 người và một vài sỹ quan. Nguồn tin cho biết, lực lượng Trung Quốc khi đó đã tụ tập đông người với đá, gậy sắt, gậy gắn đinh.

“Đợt giao chiến thứ hai nổ ra, Babu cùng hai người khác bị trọng thương và rơi xuống sông”, nguồn tin kể lại. “Lính Trung Quốc có lẽ không biết họ đã đánh trọng thương sỹ quan Ấn Độ”.

Về phần mình, các binh sĩ Ấn Độ trở nên sôi máu khi thấy sỹ quan chỉ huy rơi xuống sông. Họ chiến đấu bằng tất cả những gì có thể, gây ra thương vong cho cả hai bên.

Cuối cùng, ở đợt giao tranh thứ ba, cả hai phía huy động tổng cộng 600 người, trong đó 400 lính Trung Quốc và 200 binh sĩ Ấn Độ.

Thi thể quân nhân Ấn Độ và Trung Quốc được hai bên trao trả vào ngày hôm sau, nguồn tin cho biết. Lính tuần tra Ấn Độ trong cuộc đụng độ có mang theo súng và đạn dược nhưng không khai hỏa vì phải tuân thủ quy định Trung-Ấn về vấn đề biên giới.

Hôm 21.6, quân đội Ấn Độ đã đảo ngược quy định trên, cho phép binh sĩ tuần tra ở vùng tranh chấp với Trung Quốc được phép nổ súng nếu cần thiết.

Nguồn: [Link nguồn]

Báo TQ: Nếu Ấn Độ khai chiến, kết quả còn ”ê chề” hơn thất bại năm 1962

Sau cuộc đụng độ chết người ở thung lũng Galwan, dư luận Ấn Độ hết sức bất bình và quân đội Ấn Độ cũng đã đưa...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - Hindustian Times ([Tên nguồn])
Căng thẳng Trung Quốc - Ấn Độ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN