Bậc thầy yoga trở thành lãnh đạo giáo phái tai tiếng

Ngôi làng nhỏ Saint-Michel-les-Portes dưới chân núi Alps từ hơn 20 năm nay đã mất đi phần nào sự yên tĩnh vốn có. Kể từ khi guru (“bậc thầy” trong tiếng Ấn Độ) dạy yoga Jean-Louis Astoul lập ra ashram (“tu viện”) mang tên Amrit Nam Sarovar ở gần làng, người từ những nơi khác cứ đổ đến Saint-Michel rồi trú lại mấy tháng để tu luyện. Ngay cả dân làng sống sát bên cạnh trường dạy yoga cũng không hề biết rằng nơi đây đang là đầu não của một giáo phái.

“Thời thế tạo anh hùng”

Nếu muốn nói về Jean-Louis Astoul thì trước hết phải hiểu được vị guru dạy thứ gì. Ông là một bậc thầy Kundalini yoga. Trường phái yoga này cho rằng trong cơ thể người có những nguồn năng lượng tập trung tại một số điểm nhất định - gần giống với lý thuyết huyệt đạo của người Trung Hoa. Bằng cách vừa tập các bài yoga Kundalini và vừa đọc kinh, người tập sẽ giải phóng nguồn năng lượng đang bị “đóng chặt” ra khắp cơ thể, từ đó trở nên khỏe mạnh, yêu đời và thậm chí còn đạt đến giác ngộ.

Jean-Louis Astoul

Jean-Louis Astoul

Từ hơn 20 năm trở lại đây Kundalini yoga trở nên phổ biến khắp nước Pháp. Riêng số các phòng tập Kundalini ở Pháp đã lên tới hơn 200. Trong sự phát triển của Kundalini Pháp chắc chắn phải kể tới guru Jean-Louis Astoul, người còn được biết tới với hai cái tên khác là Karta Singh và Satyavrati Yogi. Kể từ khi thành lập lớp học Kundalini yoga đầu tiên vào năm 2000, Jean-Louis đã huấn luyện cho hàng trăm nghìn học viên, trong đó có nhiều người sau này trở thành guru yoga. Theo chính lời vị guru thì ông đã giảng dạy yoga ở cả Trung Quốc, Nga và Bắc Phi.

Vậy Jean-Louis Astoul là ai? Thời còn trẻ ông ta là một nhân viên quản lý rừng của Cục Kiểm lâm quốc gia Pháp. Đến năm 1978 thì ông gặp được Harbhajan Singh Khalsa tức Yogi Bhajan, vị guru người Ấn có công đem Kundalini yoga sang phương Tây. Từ lần gặp mặt đầu tiên, Jean-Louis đã bị cuốn hút bởi bậc thầy yoga già và lập tức xin được làm đệ tử.

Yogi Bhajan là một nhân vật vừa có danh tiếng, vừa có tai tiếng. Vào cuối thập niên 1960, Yogi thành lập tổ chức 3H (viết tắt của “Healthy, Happy, Holy”) tại Mỹ. Ban đầu 3H chỉ là một lớp học Kundalini yoga cho những người nghiện rượu và ma túy. Nhưng chẳng lâu sau nó trở thành một giáo phái. Yogi Bhajan sử dụng số tiền do các con chiên của mình đóng góp để thành lập công ty trà Yogi và Akal Security, một trong những tập đoàn an ninh lớn nhất nước Mỹ. Sau khi đã trở thành tỉ phú, Yogi bỏ ra hàng trăm triệu USD đóng góp cho các đảng phái chính trị Mỹ và thậm chí còn có quan hệ với hai tổng thống Richard Nixon và Bill Clinton.

Yogi Bhajan mất vào năm 2004, và phải đến gần một thập kỷ sau, những tội ác của ông ta mới được tiết lộ. Hàng loạt phụ nữ theo 3H tố cáo Yogi từng hãm hiếp và có hành vi dâm ô với họ, trong đó có cả ba thư ký riêng của ông ta. Nhiều tín đồ 3H khác nói ra rằng guru của họ từng nhập lậu 20 tấn cần sa và vũ khí từ Thái Lan trong thập niên 1980. Cộng đồng người Sikh ở phương Tây cũng lên án Yogi đã “ăn trộm” và bóp méo kinh điển của đạo Sikh vì mục đích tư lợi.

Khoảng cách giữa một tổ chức thể dục - thể thao và một giáo phái ngắn hơn nhiều người nghĩ

Khoảng cách giữa một tổ chức thể dục - thể thao và một giáo phái ngắn hơn nhiều người nghĩ

Tai tiếng của Yogi Bhajan tuy vậy không ảnh hưởng gì mấy đến người học trò Jean-Louis. Vào năm 1988, ông ta thành lập Liên đoàn Kundalini Yoga Pháp (FFKY) và giữ chức chủ tịch đầu tiên. Jean-Louis chỉ bị buộc rời khỏi ghế chủ tịch vào đầu những năm 1990 sau khi ông ta bỏ vợ chạy theo một đệ tử nữ của mình. Sự việc gây chấn động thế giới yoga khi đó. Ông Olivier Bagnerès (còn gọi là Atma Singh), một vị guru yoga cùng thời với Jean-Louis, cho biết: “Khi đó đệ tử của Astoul bỏ chạy hết. Chẳng ai muốn học bất kỳ điều gì từ một người bỏ vợ theo nhân tình? Ông ta buộc phải tìm cách “thay đổi thương hiệu bản thân” để trở lại vị trí cũ”.

Cùng thời điểm đó Kundalini yoga bắt đầu trở nên thịnh hành ở phương Tây nhờ sự quảng bá của những nhân vật nổi tiếng như ca sỹ Madonna, diễn viên Pamela Anderson và siêu mẫu Cindy Crawford. Yogi Bhajan nuôi mộng biến Kundalini trở thành “thương hiệu” toàn cầu. Ông ta chỉ định Jean-Louis cùng hai học trò khác đi truyền bá Kundalini khắp Châu Âu. Nhờ tiền của sư phụ mà Jean-Louis mua được mảnh đất rộng 20 ha tại tỉnh Isère để lập ra trường dạy yoga Amrit Nam Sarovar, sau đó xây dựng lại danh tiếng của mình. Nay khi đã ở tuổi 73, Jean-Louis Astoul là một trong các guru Kundalini nổi danh nhất Châu Âu.

Giác ngộ hay tự hành hạ?

Để trở thành một người tập luyện Kundalini yoga “thực thụ”, người theo học sẽ phải trả tiền để tham gia khóa học ba cấp độ do Jean-Louis Astoul đề ra. Đấy là tập luyện ở ngoài, còn “đi tu” tại Amrit Nam Sarovar thì học viên sẽ phải trả thêm  795 cho khóa học 7 ngày, hoặc -1295 cho khóa 12 ngày. Người nào muốn ngủ nghỉ, ăn uống ngay tại ashram sẽ phải trả thêm. Tuy đắt đỏ như vậy nhưng người ta vẫn tranh nhau đăng kí học tại Amrit Nam Sarovar do mỗi năm tu viện chỉ tiếp nhận khoảng 100 người.

Theo một báo cáo của tổ chức chống giáo phái MIVILUDES thuộc chính phủ Pháp thì các hoạt động tại Amrit Nam Sarovar khắc nghiệt hơn nhiều so với bất kỳ khóa học yoga nào. Người học sẽ phải tập yoga năm tiếng liên tục mà không được ăn uống bất cứ thứ gì ngoài vài ngụm nước và một chút hoa quả. Trước đó họ đã bị dựng dậy từ lúc 4 giờ sáng và bắt phải đi tắm ngoài trời ở con sông lạnh cóng.

Đấy là những ngày tập luyện bình thường. Bao giờ trong khóa học cũng có một ngày dành riêng cho việc “huyễn tưởng”. Người học sẽ nhịn đói ngồi thiền liên tục 24 tiếng một mình giữa rừng nhằm “đả thông đầu óc” và cho họ cái nhìn về “bản chất vũ trụ”. Không biết người học có nhìn thấy gì không, nhưng nhiều người đã ngất xỉu khi còn chưa đầy 24 tiếng. May mắn là đến thời điểm này vẫn chưa có ai chết vì đói giữa rừng vì bao giờ họ cũng thu điện thoại của người học trước khi đưa họ vào rừng.

Những học trò của Jean-Louis Astoul tại Amrit Nam Sarovar

Những học trò của Jean-Louis Astoul tại Amrit Nam Sarovar

Vào đầu năm 2022, một nữ bác sỹ người Anh tu luyện tại Amrit Nam Sarovar bị mất nhiệt cấp tính do ngã xuống sông và suýt nữa chết đuối. Nạn nhân chỉ được cứu sống sau khi máy bay trực thăng đưa cô đến bệnh viện gần nhất. Sau đó vài tháng, hàng chục học viên khác lại phải đi cấp cứu sau khi Jean-Louis Astoul cho họ ăn bánh có chứa bột nhục đậu khấu. Ai ăn phải thứ bột này với hàm lượng lớn sẽ gặp ảo giác, bị chóng mặt và nôn mửa, và thậm chí có thể bị chết. Jean-Louis khai với cảnh sát rằng ông ta làm vậy chỉ để học trò của mình “nhập tâm được cái chết”.

Một “góc khuất” khác của Amrit Nam Sarovar là việc bóc lột sức lao động của người học. Vào năm 2005, hai vợ chồng người Đức Ezel và Stephan cùng hai đứa con 2 và 5 tuổi của họ trở thành “tín đồ lâu dài” tại Amrit Nam Sarovar. Tín đồ lâu dài là những người thực sự tin vào đạo lý của Yogi Bhajan nên tình nguyện sống tại ashram để lao động và truyền bá Kundalini yoga.

Anh Stephan kể lại: “Chúng tôi còn không được phân chỗ ngủ qua đêm. Chúng tôi phải ngủ ngoài trời mấy đêm cho đến khi tôi đốn đủ gỗ để dựng lán trại... Mỗi ngày tôi phải lao động quần quật 14 tiếng đồng hồ trên cánh đồng để “nuôi” Karta Singh. Như thế vẫn còn chưa sợ bằng buổi tối mất ngủ vì đau lưng và đau đầu... Karta Singh không muốn tốn tiền thuê người làm, nên mọi thứ ở ashram đều do học viên làm không công”.

Trong khi đệ tử của Jean-Louis Astoul phải sống khổ sống sở, vị guru cứ thoải mái vung tiền. Từng có lần Jean-Louis bị hải quan Nga tại cảng hàng không Moscow bắt lại do giấu $10,000 trong khăn đội đầu nhằm tránh phải kê khai. Đồ dùng cá nhân của guru thì toàn hàng xa xỉ như đồng hồ Patek Philippe, xe hơi Rolls-Royce, trang sức Tiffany,...

Con quỷ đội lốt người

Một số phụ nữ từng là học trò của Jean-Louis Astoul đã và đang khiếu kiện ông ta vì có hành vi xâm hại tình dục. Cô Pauline (tên giả) là một trong các nguyên đơn. Cô kể lại cho phóng viên tờ Le Monde: “Jean-Louis chỉ dạy tôi tập thở bằng cách bảo tôi nằm xuống tấm thảm da cừu trong văn phòng của ông ấy, sau đó ông ta nằm lên người tôi. Ông ấy bảo tôi thở ra thở vào trong khi ông xoa bóp ngực tôi. Đến khi tay ông ta chạm vào chỗ giữa hai chân tôi thì tôi sợ quá bèn bỏ chạy ra ngoài”.

Một nạn nhân khác mang tên Alice thì cho biết: “Jean-Louis từng nhiều lần hôn và sờ soạng tôi mà không được sự cho phép. Ông ta nói làm thế để “chữa lành” những vết thương tâm lý gây ra bởi mối quan hệ không tốt giữa tôi và bố tôi”. Cô Alice đã dũng cảm đem việc này nói ra với tất cả các học viên đang tham gia một khóa học từ xa với Jean-Louis. Vị guru không có cách nào giải thích cho mình bèn ngắt kết nối Zoom, còn lớp học 100 người của ông ta đồng loạt bỏ học.

Cô Ezel, vợ của Stephan, cũng từng bị xâm hại nhiều lần trong vòng bảy năm ở tại Amrit Nam Sarovar. Cô cho biết: “Lúc đó tôi như là bị tẩy não. Jean-Louis có bảo tôi nhảy xuống đáy vực thì tôi cũng sẽ nhảy... Nhiều lúc tôi giận với chính bản thân và chỉ muốn ly dị chồng rồi tự tử”. Sau khi biết vợ mình bị xâm hại, Stephan đưa cả gia đình rời khỏi Amrit Nam Sarovar, sau đó viết thư lên ban lãnh đạo 3H để tố cáo những hành vi của Jean-Louis. 3H liền triệu tập Jean-Louis đến trụ sở chi nhánh Châu Âu của họ để giải trình. Vị guru từ chối lời triệu tập và tách hẳn tổ chức của mình ra khỏi 3H.

Jean-Louis Astoul và Amrit Nam Sarovar càng trở nên nổi tiếng trong thời đại dịch COVID-19. Theo lời một dân làng Saint-Michel-les-Portes thì có đến hơn 100 cô gái trẻ từ Paris đến tu luyện tại Amrit Nam Sarovar vào thời điểm đó. Nhiều người bị kéo đến đây bởi Lili Barbery, một người gây ảnh hưởng (influencer) trên Instagram nổi tiếng vì những bài học yoga của mình. Lili Barbery từng sống và giảng dạy tại Amrit Nam Sarovar từ 2018 đến 2021, nhưng sau khi Jean-Louis bị tố cáo, cô bèn cắt hết mọi quan hệ với ông ta.

Càng ngày “lý tưởng” mà Jean-Louis Astoul rao giảng càng xa rời với các giáo điều về lòng nhân ái, tính quảng đại,... Pauline cho biết: “Ông ta tin rằng thế giới sắp đến ngày tận thế. Jean-Louis tin vậy sau khi đọc cuốn tiểu thuyết The Road của nhà văn Mỹ Cormac McCarthy. Chúng tôi cũng bị bắt đọc cuốn sách đó. Tiểu thuyết nói về hai cha con tìm cách sống sót sau khi thế giới đã bị hủy diệt vì chiến tranh hạt nhân... Ông ta đã cho lắp camera ở mọi chỗ trong tu viện, rồi còn xây boong-ke để trữ thực phẩm và vũ khí. Ông ta còn khuyến khích đệ tử đi học lấy bằng bắn cung, bắn nỏ”.

Giới chức Pháp đã vào cuộc để điều tra Jean-Louis Astoul và tổ chức của ông ta. Hiện nay Jean-Louis đang bị tạm giam để điều tra các tội “hoạt động tôn giáo trái phép”, “xâm hại tình dục” và “bóc lột sức lao động”. Hiện nay ở Amrit Nam Sarovar chỉ còn 25 người theo học dưới sự chỉ dạy của Prem Jot, một phụ nữ người Đức là “cánh tay phải” của Jean-Louis. Công tố viên Eric Vaillant, người đại diện cho bên nguyên đơn trong vụ kiện vị guru, tuyên bố trên mặt báo Le Monde: “Cơn ác mộng sắp chấm dứt, và Jean-Louis Astoul sẽ phải trả lời trước pháp luật về tội ác của mình”.

Nguồn: [Link nguồn]

Giáo phái có vũ trang ở quốc gia Đông Nam Á bị cáo buộc lạm dụng tình dục thành viên nữ

Một loạt trận động đất xảy ra được thủ lĩnh giáo phái lấy làm cớ để lôi kéo người dân gia nhập nhóm tin rằng có ngày tận thế. Tuy nhiên, giáo phái này bị cáo buộc dính...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Công Vũ (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN