Ba Lan muốn NATO cấp vũ khí hạt nhân để "đối mặt" Nga

Sự kiện: Vũ khí quân sự

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan nói rằng ông đang cân nhắc khả năng yêu cầu NATO điều động vũ khí hạt nhân tới quốc gia này. Tuy nhiên, động thái kể trên chắc chắn sẽ làm Nga dè chừng.

Ba Lan muốn NATO cấp vũ khí hạt nhân để "đối mặt" Nga - 1

Ba Lan là một đồng minh thân cận của NATO từ khi gia nhập năm 1999.

Theo RT, trong một cuộc phỏng vấn trên đài Polsat vào hôm thứ Bảy (5.12) vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan ông Tomasz Szatkowski tuyên bố sẽ cầu viện NATO. Ông Szatkowski cho biết, Bộ Quốc phòng Ba Lan đang cân nhắc tham gia vào chương trình chia sẻ vũ khí hạt nhân. Động thái này nếu thực hiện sẽ giúp khả năng phòng thủ của Ba Lan tăng lên gấp bội.

Đây là lần đầu tiên một quan chức Ba Lan tuyên bố về ý định đặt các vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước này.

Nếu kế hoạch được triển khai, chắc chắn chính quyền Moscow sẽ phản ứng rất gay gắt. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nếu NATO đe dọa Nga, Moscow sẽ có những hình thức đáp trả đích đáng.

“Nếu bất kì ai đe dọa lãnh thổ của chúng tôi, đồng nghĩa Nga có quyền cử quân đội mình tiêu diệt các mối nguy đó. Còn cách nào khác đâu? Nếu NATO tiến sát biên giới, chúng tôi sẽ không đi đâu cả mà sẽ chống trả quyết liệt”, ông Putin tuyên bố.

Ba Lan là một trong những đồng minh thân tín của NATO kể từ khi gia nhập liên minh quân sự này từ năm 1999. Hồi tháng 9, Quốc hội Ba Lan từng “bật đèn xanh” cho Tổng thống Andrzej Duda phê chuẩn các thỏa thuận kĩ thuật để xây dựng một căn cứ phòng thủ tên lửa do Mỹ triển khai ở Redzikowo.

Thỏa thuận đạt được là một phần trong kế hoạch gây tranh cãi do NATO hậu thuẫn từng được Mỹ và Ba Lan đồng ý vào năm 2008. Thời điểm đó, căn cứ quân sự được cho là cần thiết để chống trả các mối nguy tấn công tên lửa từ Iran hoặc Triều Tiên. Tuy nhiên, thỏa thuận đạt được với Tehran đã chấm dứt tham vọng hạt nhân của Iran.

“Chúng ta đều nhớ vào tháng 4.2009 ở Prague, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng nếu chương trình hạt nhân của Iran được giải quyết thì không có lí do gì lại đặt một hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu cả”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói về kế hoạch xây dựng căn cứ phòng không của Washington.

Sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Ba Lan hồi tháng 5, động thái đầu tiên của Tổng thống Duda là kêu gọi NATO tăng quân đồn trú trên lãnh thổ nước này.

“Chúng tôi không muốn là vùng đệm. Chúng tôi muốn là một cánh quân phía đông thực sự của các nước đồng minh”, Tổng thống Ba Lan trả lời trên The Financial Times hồi tháng 8.

“NATO vẫn chưa nhận ra sự thay đổi của Ba Lan từ đông sang tây. NATO đáng lý ra phải bảo vệ đồng minh của mình… Nếu Ba Lan và các quốc gia Trung Âu khác tạo nên một hành lang thực sự cho NATO, thì thật dễ hiểu khi những căn cứ quân sự được đặt ở những quốc gia này”, ông Duda nhấn mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Minh - RT ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN