Ẩn số vụ ông Trump nhiễm COVID-19

Sự kiện: Donald Trump

Liên tục xuất hiện nhiều thông tin mâu thuẫn về sức khỏe của Tổng thống Donald Trump khiến nhiều chuyên gia lo ngại ông Trump cố tình can thiệp để trấn an dư luận, mặc cho tình trạng của ông đang nguy cấp.

Từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump được xác nhận dương tính với COVID-19 hôm 2-10 đến nay, hàng loạt thông tin tiêu cực trái chiều liên tục xuất hiện về sức khỏe của nhà lãnh đạo Mỹ. Điều đáng ngạc nhiên là những thông tin tích cực đều đến từ bác sĩ (BS) riêng Nhà Trắng Sean Conley, trong khi những nguồn khác lại tiết lộ các thông tin có phần tiêu cực hơn.

Sự thật là đâu?

Trong cuộc họp báo hôm 4-10, ông Conley tuyên bố ông Trump kể từ hôm 2-10 đến nay đã không còn sốt nữa và nếu tình hình thuận lợi thì có thể bắt đầu lên kế hoạch cho ông xuất viện, sớm nhất là vào hôm 5-10 (giờ địa phương) dù liên tục né tránh câu hỏi của báo giới về đánh giá chi tiết sức khỏe của ông Trump. Thay vào đó, ông Conley chỉ cho biết thêm ông Trump đã bước vào ngày thứ hai của liệu trình điều trị COVID-19 bằng thuốc Remdesivir kéo dài năm ngày.

Dù vậy, một BS phụ trách điều trị cho ông Trump giấu tên khác sau đó lại tiết lộ rằng hiện chủ nhân Nhà Trắng đã được kê thêm thuốc dexamethasone vốn chỉ dành cho bệnh nhân COVID-19 nặng, chứng tỏ phổi của ông có dấu hiệu bị tổn hại và sức khỏe của tổng thống vẫn chưa ổn định. Ông Trump cũng từng được cho thở ôxy bổ sung hồi ngày 3-10 và lượng ôxy trong máu của ông hai lần giảm xuống mức đáng lo ngại.

Bình luận về các diễn biến trên, ông Benhur Lee, giáo sư vi sinh học thuộc Trường Y Icahn (Mỹ), cho biết ông giờ không biết tin vào ai nữa khi ngay cả BS riêng của ông Trump cũng không chịu đưa ra câu trả lời chính xác về tình trạng của tổng thống. Tệ hơn, không chỉ ông Sean Conley mà ngay cả những quan chức cấp cao không phụ trách mảng y tế như Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows cũng liên tục đưa ra những thông tin mâu thuẫn.

Đơn cử, trả lời phỏng vấn của tờ The New York Times ngày 3-10, ông Meadows khẳng định ông gặp ông Trump “nhiều lần” để bàn việc, mặc cho một trong những yêu cầu tối quan trọng của điều trị COVID-19 là hạn chế cho bệnh nhân tiếp xúc với người khác. Ông cũng nhấn mạnh là đội ngũ BS “rất hài lòng” với các chỉ số sức khỏe của Tổng thống Donald Trump.

“Thông thường, các BS rất ít khi tuyên bố chắc chắn về tình trạng sức khỏe của một bệnh nhân nào đó vì quá trình điều trị sẽ thay đổi liên tục để đề phòng biến chứng hay tác dụng phụ nào đó. Tôi không biết làm sao ông Conley và ông Meadows có được những thông tin như vậy về ông Trump, vì dựa vào những gì được biết về COVID-19 đến nay, ông ấy không thể hồi phục nhanh như vậy” - GS Benhur Lee chia sẻ.

BS Sean Conley (trái) đang là tâm điểm của các tranh cãi xung quanh tình trạng sức khỏe  của Tổng thống Donald Trump (phải). Ảnh: REUTERS

BS Sean Conley (trái) đang là tâm điểm của các tranh cãi xung quanh tình trạng sức khỏe  của Tổng thống Donald Trump (phải). Ảnh: REUTERS

Liệu có ông Trump “nhúng tay”?

Đáng chú ý, từ khi COVID-19 lây lan ở Mỹ, BS Sean Conley cũng liên tục có những phát ngôn ủng hộ các lập luận có vấn đề của Tổng thống Donald Trump về đại dịch này. Hồi tháng 5, ông Conley tán thành lời ca ngợi của nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine là giải pháp tiềm năng điều trị COVID-19. Động thái lập tức bị giới chuyên gia phản đối là củng cố thông tin sai sự thật, đặt ra nguy cơ gây thiếu hụt cho những người thực sự cần phải sử dụng hydroxychloroquine.

Trước ông Conley, Tổng thống Donald Trump từng có một BS riêng khác là ông Harold Bornstein. Ông này vào tháng 12-2015 từng tung ra một bản báo cáo giám định sức khỏe cùng một bức thư với kết luận ông Trump (lúc này vẫn đang là ứng viên tổng thống - PV) có thể trạng “tuyệt vời” và sẽ là “ứng viên khỏe mạnh nhất từng ra tranh cử”. Đến tháng 5-2018, ông Bornstein lại tiết lộ với đài CNN rằng ông Trump đã chỉ đạo toàn bộ nội dung trong bức thư nói trên và sau đó còn cho người đột nhập vào văn phòng riêng của ông Bornstein lấy đi toàn bộ tài liệu liên quan đến sức khỏe của tổng thống. Sau buổi phỏng vấn này, ông Trump cắt liên lạc hoàn toàn với BS Harold Bornstein.

Vụ việc chứng tỏ ông Trump từng có tiền lệ sửa đổi những thông tin bất lợi về sức khỏe nói riêng và cuộc sống cá nhân của ông nói chung. Do đó, không có lý do gì để không đặt nghi vấn những thông tin tích cực vừa qua cũng là do một tay ông can thiệp nhằm cứu vớt hình ảnh đang suy sụp trong mắt cử tri.

Theo tờ The New York Times, BS Sean Conley tốt nghiệp ĐH Y khoa Philadelphia vào năm 2006. Tuy nhiên, trường này nổi tiếng có chương trình đào tạo không bám theo y học phương Tây mà ưu tiên các phương pháp trị liệu phi truyền thống. 

Nhà Trắng bảo vệ ông Trump như thế nào?

Theo đài NPR, đến nay chưa rõ ai đã lây COVID-19 cho ông Trump và liệu ông đã phát tán virus cho ai chưa. Tuy nhiên, hơn 100 nhân viên làm việc tại các trụ sở cơ quan chính phủ ở Washington cùng một số nghị sĩ đã xét nghiệm dương tính với COVID-19. Về quy trình bảo vệ sức khỏe của Tổng thống Donald Trump, Nhà Trắng lần đầu “báo động” về nguy cơ COVID-19 tràn vào đây từ hồi đầu tháng 3, sau khi ít nhất ba người thuộc phái đoàn của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tiếp xúc gần với Tổng thống Trump tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida xác nhận dương tính.

Tới giữa tháng 3, khi COVID-19 bùng phát khắp lãnh thổ Mỹ, Nhà Trắng đã bắt đầu kiểm tra thân nhiệt bất kỳ ai ra vào. Tới tháng 4, Nhà Trắng tiếp tục thực hiện xét nghiệm nhanh COVID-19 cho tất cả người từng tiếp xúc gần với Tổng thống Trump và các nhân viên được xét nghiệm một lần/tuần.

Tuy nhiên, vào ngày 7-5, quy trình tưởng chừng rất nghiêm ngặt này lại xuất hiện lỗ hổng khi một mật vụ đi theo bảo vệ gia đình ông Trump nhiễm COVID-19. Một ngày sau, một phát ngôn viên của Phó Tổng thống Mike Pence cũng được thông báo dương tính.

Đến ngày 11-5, Văn phòng quản lý Nhà Trắng ra thông báo yêu cầu tất cả nhân viên phục vụ ở khu vực làm việc của ông Trump phải đeo khẩu trang hoặc che mặt khi di chuyển xung quanh. Những người này cũng được tăng cường cho xét nghiệm COVID-19 và cho làm việc từ xa tùy vào yêu cầu của từng ban, ngành. Bên cạnh đó, trợ lý riêng của ông Trump sẽ luôn kiểm tra chặt chẽ số người sẽ tiếp xúc với tổng thống để đảm bảo tất cả họ đều được xét nghiệm trước đó và có kết quả âm tính. Từ đó đến nay, các biện pháp này về cơ bản không thay đổi mà chỉ tăng cường về tần suất.

Ông Biden tận dụng thời cơ để bứt tốc

Dù nhiều lần đứng gần Tổng thống Donald Trump như lúc tham gia cuộc tranh luận trực tiếp hôm 30-9, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đến nay đã ba lần được xét nghiệm COVID-19 và cả ba lần đều cho kết quả âm tính. Đài CNBCnhận định điều này đã tạo cho ông một lợi thế đáng kể khi ông có thể tiếp tục các hoạt động vận động tranh cử và tương đối thoải mái tiếp xúc với cử tri mà không sợ lây lan.

Theo kết quả của cuộc thăm dò do đài NBC News phối hợp cùng tờ The Wall Street Journal công bố hôm 4-10, ông Joe Biden có tỉ lệ ủng hộ 53% đến từ các cử tri đã đăng ký, trong khi ông Trump chỉ nhận được 39%. So với một cuộc thăm dò được thực hiện ngay trước thời điểm cuộc tranh luận hôm 30-9, cách biệt hai bên đã gia tăng tới 8%.

Đáng chú ý, mức độ tin tưởng vào khả năng làm việc của Tổng thống Trump cũng đã giảm 2%, xuống mức 43% trong cuộc khảo sát mới nhất. 85% số người trả lời câu hỏi cũng cho rằng tính cách của ông Biden phù hợp với vai trò tổng thống hơn ông Trump. 

Nguồn: [Link nguồn]

Diễn biến toàn bộ quá trình ông Trump nhiễm Covid-19 phải nhập viện

Tờ New York Times đã tổng hợp lại toàn bộ diễn biến quá trình ông Trump nhiễm Covid-19 phải nhập viện điều trị, giúp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Donald Trump Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN