Ấn Độ: Chuyện kẻ cưỡng hiếp bị 200 phụ nữ cầm dao đâm chết ngay tại tòa
Câu chuyện về kẻ giết người, cưỡng hiếp từng gây chấn động Ấn Độ, bị 200 phụ nữ đâm chết ngay trước phiên tòa xét xử, gần đây đã thu hút sự chú ý thông qua lời kể của một tài khoản mạng xã hội TikTok.
Tội ác của Yadav từng gây chấn động dư luận Ấn Độ.
Video giải thích về cách kẻ giết người, cưỡng hiếp tên Akku Yadav, đối mặt “cái kết thảm khốc” vào năm 2004, đã thu hút hơn 2 triệu lượt xem trên TikTok, theo Daily Star.
Nhiều người xem video còn quá trẻ để biết về câu chuyện từng gây rúng động Ấn Độ cách đây 17 năm.
Theo thống kê của chính phủ Ấn Độ vào năm 2018, trung bình cứ 18 phút lại có một vụ cưỡng hiếp xảy ra tại quốc gia Nam Á này.
Akku Yadav, khi đó 32 tuổi, là nỗi ám ảnh với cư dân khu ổ chuột Kasturba Nagar ở New Delhi, Ấn Độ. Hắn tự cho rằng mình ở “tầng lớp thượng đẳng”, thường xuyên có hành động cưỡng hiếp và bạo hành phụ nữ.
Nhiều nạn nhân của Yadav đã tố cáo sự việc cảnh sát, nhưng cảnh sát thay vì bắt giữ nghi phạm, lại làm ngơ và đổ lỗi cho các nạn nhân.
“Miễn là Yadav nhắm đến những người nghèo ở tầng lớp thấp, cảnh sát sẽ không can thiệp”, video trên TikTok kể lại.
Yadav bị 200 phụ nữ đâm chết ngay tại tòa năm 2004.
Để có thể nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật suốt nhiều năm, Yadav đã nhiều lần hối lộ cảnh sát, lẻn vào nhà dân ăn trộm, với lời đe dọa cưỡng hiếp nếu những người trong nhà chống cự.
Không ít lần Yadav bị cảnh sát bắt giữ, nhưng hắn ta dễ dàng được trả tự do ngay sau đó.
Theo Daily Star, Yadav được cho là đã 3 lần phạm tội giết người; tra tấn, đánh đập và cưỡng hiếp hơn 40 phụ nữ, bao gồm cả trẻ em trên 13 tuổi.
Tội ác của Yadav chỉ dừng lại khi Usha Narayane, đứng ra tố cáo sự việc. Narayne tận mắt chứng kiến cảnh Yadav và đồng bọn đột nhập vào nhà hàng xóm kế bên nhà cô.
Gia đình Narayane là thành phần tri thức hiếm hoi tại khu ổ chuột gồm toàn những người nghèo khó và mù chữ này. Gia đình cô nàng là những người duy nhất tên Yadav không dám tới quấy rối.
“Hắn ta cưỡng hiếp người nghèo khổ vì nghĩ rằng họ không dám tố cáo, hoặc nếu có tố cáo thì cũng không ai tin. Nhưng hắn ta đã mắc sai lầm lớn khi đe dọa tôi. Mọi người biết rằng nếu tôi cũng bị tấn công, sẽ chẳng còn phụ nữ nào khác ở đây được an toàn”, Narayane nói, theo Guardian.
Trước sự phẫn nộ của dư luận, cảnh sát đã buộc phải bắt giữ Yadav tại nhà. Khi bị áp giải đến nơi tạm giam, Yadav đã cảnh báo sẽ quay trở lại và dạy bài học cho tất cả những phụ nữ sống ở khu ổ chuột.
Biết được tin Yadav nhiều khả năng sẽ được trả tự do giống như những lần trước đây, các phụ nữ sống ở khu ổ chuột quyết định hành động.
“Đó không phải là hành động có tính toán”, Narayane nói. “Chúng tôi không hề ngồi lại và thảo luận cách phải giết hắn. Đó là sự phẫn nộ không thể kiểm soát. Các phụ nữ sẵn sàng vào tù, vì không thể để Yadav quay trở lại khủng bố mọi người”.
Một số phụ nữ có liên quan đến cái chết của Yadav bị cảnh sát bắt giữ.
3 giờ chiều ngày 13.8.2004, trong ngày Yadav ra tòa, 200 phụ nữ có mặt ở nơi xét xử, đem theo dao làm bếp và ớt bột.
Khi Yadav bước vào phòng xét xử, hắn nhìn thấy một phụ nữ mình từng cưỡng hiếp và buông lời đe dọa cô này. Cô gái lấy dép đánh vào người hắn và nói: “Chúng ta không thể cùng sống trên Trái đất này, chỉ có một trong hai mà thôi”.
Đó là sự việc khiến giọt nước tràn ly, 200 phụ nữ lao vào tấn công Yadav trong khi các cảnh sát tỏ ra bất lực. Sau 15 phút, Yadav tử vong tại chỗ. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy Yadav bị 70 vết đâm, của quý bị cắt đứt rời.
Nhưng cái chết của Yadav chưa đem lại bình yên ngay lập tức cho các phụ nữ sống ở khu ổ chuột. 5 người trực tiếp tham gia đâm chết Yadav bị bắt giữ.
Ở thời điểm đó, Narayane cũng là một trong số các phụ nữ bị bắt, cô nói với tờ Guardian: “Tôi không sợ, không cảm thấy xấu hổ. Chúng tôi đã làm điều tốt cho cộng đồng. Hãy xem cộng đồng có đứng về phía chúng tôi hay không”.
Tất cả các phụ nữ sống trong khu ổ chuột đều đứng về phía 5 người này. “Hãy bắt tất cả chúng tôi. Không có ai phải một mình chịu trách nhiệm cả”, các phụ nữ nói.
Mãi đến năm 2012, cả 5 phụ nữ mới được cảnh sát Ấn Độ trả tự do vì thiếu chứng cứ buộc tội.
Nguồn: [Link nguồn]
Sự việc gây rúng động dư luận ở Ấn Độ xảy ra khi một nữ bệnh nhân Covid-19 bị cưỡng hiếp ngay tại phòng chăm sóc...