Ả Rập Saudi tiếp tục làm trái ý Mỹ

Ả Rập Saudi ngày 4/6 thông báo cắt giảm sản lượng dầu ở mức 1 triệu thùng/ngày, trong một động thái nhằm tăng giá dầu, bất chấp lo ngại về suy thoái kinh tế trên thế giới.

Ả Rập Saudi tiếp tục làm trái ý Mỹ - 1

Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi, hoàng tử Abdulaziz bin Salman tham gia cuộc họp của nhóm OPEC+ hôm 4/6.

Tuyên bố được Ả Rập Saudi đưa ra sau cuộc họp với các quốc gia thuộc tổ chức xuất khẩu dầu và đối tác (OPEC+), bao gồm Nga.

Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi, hoàng tử Abdulaziz bin Salman nói quyết định cắt giảm có hiệu lực trong tháng 7 và "có thể được gia hạn".

Ả Rập Saudi nhấn mạnh đây là quyết định tự nguyện của nước này. 23 quốc gia khác trong nhóm OPEC+ vẫn giữ nguyên mức khai thác dầu, nhưng nhóm đã thảo luận về khả năng cắt giảm thêm 1 triệu thùng/ngày.

Với quyết định trên, sản lượng khai thác dầu của Ả Rập Saudi sẽ giảm từ 10 triệu thùng/ngày xuống còn 9 triệu thùng/ngày vào tháng 7.

Rạng sáng ngày 5/6, giá dầu thế giới đã tăng 2 USD, vài giờ sau thông báo của Ả Rập Saudi. Giá dầu Brent được giao dịch ở mức 78,42 USD/thùng.

Hồi tháng 4, OPEC+ đã cắt giảm sản lượng khai thác ở mức 1 triệu thùng dầu/ngày nhưng nỗ lực này là không đủ để giữ cho giá dầu ở mức cao. Giá dầu Brent sau đó rơi xuống mức 70 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021.

Trong cuộc họp ngày 4/6, OPEC+ nhất trí tiếp tục duy trì mức cắt giảm trong tháng 4 cho đến cuối năm 2024.

Theo tờ Politico, giá dầu giảm trong vài tháng qua đã giúp các tài xế ở Mỹ đổ xăng rẻ hơn và giúp người tiêu dùng trên toàn thế giới bớt chịu cảnh lạm phát. Việc Ả Rập Saudi thông báo đợt cắt giảm mới cho thấy nhu cầu nhiên liệu toàn cầu trong những tháng tới có thể giảm. 

Có những lo ngại về sự suy yếu kinh tế ở Mỹ và Châu Âu, trong khi sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sau dịch Covid-19 chưa đạt kì vọng.

Lý do cắt giảm sản lượng lần này được Ả Rập Saudi đưa ra là do những đợt cắt giảm trước đây vẫn chưa đủ để tăng giá dầu.

Ả Rập Saudi cần mức lợi nhuận cao từ dầu mỏ để chi trả cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ tầm nhìn dài hạn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính Ả Rập Saudi cần giá dầu ở mức 80,9 USD/thùng để đảm bảo ngân sách chi cho các dự án, bao gồm dự án xây dựng thành phố Neom trị giá 500 tỷ USD.

Dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden, Washington muốn Ả Rập Saudi duy trì sản lượng khai thác dầu ở mức cao để giảm bớt lạm phát toàn cầu và giúp chi phí năng lượng ở Mỹ giảm. Mỹ và các đồng minh châu Âu cũng muốn giá dầu được giữ ở mức thấp để hạn chế nguồn thu của Nga, khi xung đột ở Ukraine vẫn đang diễn ra.

Nhưng Ả Rập Saudi đã nhiều lần khẳng định rằng nước này sẽ đưa ra chính sách năng lượng phục vụ lợi ích quốc gia, không phụ thuộc vào tác động của nước ngoài.

Tháng 10/2022, OPEC+ do Ả Rập Saudi dẫn đầu bắt đầu đợt cắt giảm sản lượng khai thác dầu với mức 2 triệu thùng/ngày. Tổng thống Mỹ Joe Biden khi đó gọi đây là "một sự thất vọng" và "không cần thiết", cảnh báo sẽ xem xét lại mối quan hệ với Ả Rập Saudi. Phản ứng trước sự chỉ trích của Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Saudi Adel Al-Jubeir, nói: "Ả Rập Saudi không chính trị hóa dầu mỏ hoặc các quyết định về dầu mỏ".

Giới chuyên gia khi đó nhận định, việc OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu cho thấy rạn nứt ngày càng gia tăng giữa Nhà Trắng và hoàng gia Ả Rập Saudi.

Nguồn: [Link nguồn]

Mỹ có động thái mới với Ả Rập Saudi kể từ khi đồng minh khôi phục quan hệ với Iran

Đây lần đầu tiên quan chức cấp cao Mỹ tới Ả Rập Saudi kể từ khi đồng minh Trung Đông khôi phục quan hệ với Iran.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - SCMP, Reuters ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN