5 vũ khí chủ lực Nga có thể sử dụng nếu tấn công Ukraine

Sau một tuần đàm phán không có kết quả, Nga vẫn để ngỏ khả năng tấn công quân sự Ukraine. Moscow cho rằng đáp trả quân sự là cần thiết vì Mỹ và NATO đưa khí tài quân sự đến sát cửa ngõ tạo ra mối đe dọa với an ninh quốc gia.

Binh sĩ quân đội Nga.

Binh sĩ quân đội Nga.

Nga sẽ đưa vào chiến trường Ukraine nhiều trang thiết bị vũ khí nếu xung đột nổ ra. Dưới đây là những 5 vũ khí hàng đầu Nga có thể sử dụng ở Ukraine, theo Business Insider.

Xe tăng T-90

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90.

T-90 là xe tăng tốt nhất và được thực chiến nhiều nhất trong những năm gần đây. Các xe tăng T-90 đã tham gia chiến đấu ở Dagestan, miền đông Ukraine và Syria.

Nga cũng sản xuất nhiều phiên bản nâng cấp cho xe tăng T-90. Ước tính số lượng xe tăng T-90 Nga sở hữu từ 750 – 1.000 chiếc.

Khi nhắc đến T-90, yếu tố gây chú ý nhất là khả năng phòng vệ. T-90 được trang bị giáp phản ứng nổ Kontakt-5 và Relikt, giúp vô hiệu hóa hoặc giảm khả năng công phá của đạn chống tăng, tên lửa đối phương lên giáp chính của xe.

T-90 còn có hệ thống phòng thủ chủ động Shtora-1. Hệ thống gây cản trở nếu phát hiện đối phương ngắm bắn bằng vũ khí dẫn đường tầm xa. Shtora-1 gửi cảnh báo cho kíp lái, cũng như phóng ra lựu đạn khói để giúp xe tăng ẩn nấp.

So với các xe tăng chủ lực từng tham chiến ở Syria, T-90 chịu thiệt hại thấp nhất với tổn thất chỉ 5 chiếc. Tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ có thể tiêu diệt T-90, nhưng quân đội Ukraine mới được Mỹ trang bị với số lượng hạn chế.

Lựu pháo tự hành Koaltsiya

Lựu pháo tự hành Koalitsiya-SV tham gia diễu hành ở Quảng trường Đỏ.

Lựu pháo tự hành Koalitsiya-SV tham gia diễu hành ở Quảng trường Đỏ.

Quân đội Mỹ tự hào sở hữu lựu pháo lừng danh M109A7 Paladin. Nga cũng sở hữu một loại vũ khí có uy lực tương tự là Koalitsiya-SV.

Đây là mẫu lựu pháo cơ động, có phần tháp pháo gắn trên thân xe bánh xích, được thiết kế để khai hỏa trong thời gian ngắn rồi  di chuyển tới địa điểm khác ngay lập tức.

Lựu pháo Koaltsiya có cỡ nòng 155mm, tốc độ bắn 16 phát/phút với hệ thống nạp đạn tự động. Lựu pháo M109A7 Paladin của Mỹ chỉ có thể khai hỏa 4 phát/phút do nạp đạn bằng tay.

Koalitsiya-SV được trang bị nhiều loại đạn khác nhau tùy vào mục đích sử dụng, bao gồm đạn nổ mạnh, đạn dẫn đường chính xác và đạn chùm.

Xe bọc thép chở quân Rakushka

Xe bọc thép Rakushka.

Xe bọc thép Rakushka.

Nga là quốc gia sở hữu lực lượng đổ bộ đường không tinh nhuệ bậc nhất thế giới. Nhưng làm thế nào để các lính dù Nga có thể di chuyển nhanh chóng khi đổ bộ sâu trong lòng địch?

Đó là lúc xe bọc thép BTR-MD Rakushka phát huy tác dụng. Mẫu xe bọc thép này chở được 13 binh sĩ, được trang bị súng máy điều khiển từ bên trong, cỡ nòng 7,62mm và súng phóng lựu 30mm.

Quân đội Nga còn trang bị cho xe bọc thép Rakushka loại tên lửa chống tăng Kornet, trong môi trường cần phải đối đầu với xe tăng đối phương.

Các binh sĩ Nga có thể lấy chính xe bọc thép làm vật cản để ẩn nấp, phóng các tên lửa phòng không vác vai nhằm vào trực thăng và máy bay quân sự Ukraine.

Tổ hợp rocket phóng loạt Uragan

Tổ hợp rocket phóng loạt Uragan-1M.

Tổ hợp rocket phóng loạt Uragan-1M.

Uragan-1M là tổ hợp rocket phóng loạt gắn trên thân xe tải. Loại vũ khí này có hai bệ phóng với 12 ống phóng rocket cỡ đạn 300mmm, mỗi đầu đạn nặng 270kg.

Tầm bắn của Uragan-1M lên tới 88km, có thể gây thiệt hại đáng kể cho quân đội Ukraine. So với các tổ hợp rocket phóng loạt khác, Uragan-1M cực kỳ cơ động. Kíp lái 6 người cũng có thể dễ dàng nạp đạn rocket chỉ trong 3 phút.

Quân đội Nga sở hữu trong kho vũ khí một loạt các đạn rocket với nhiều công dụng khác nhau, từ đạn nổ mạnh, đạn phân mảnh, đạn chống tăng, đạn chùm hoặc đầu đạn cháy.

Tên lửa Iskander

Iskander là mẫu tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn.

Iskander là mẫu tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn.

Ngoài rocket phóng loạt, Nga còn nổi tiếng với các tên lửa đối đất, trong đó đáng chú ý nhất là tên lửa đạn đạo Iskander.

Iskander là hệ thống phóng tên lửa đạn đạo gắn trên thân xe bánh lốp. Nga hiện sở hữu khoảng 136 tổ hợp Iskander, đủ sức gây thiệt hại đáng kể cho quân đội Ukraine.  

Mỗi xe phóng trang bị hai tên lửa Iskander, có thể được khai hỏa sau 16 phút kể từ khi nhận lệnh. Đây là loại vũ khí hạng nặng có khả năng xuyên phá công sự và hầm ngầm, cũng như khả năng gắn đầu đạn hạt nhân.

Các hệ thống phòng không hiện nay của Ukraine được cho là rất khó có thể đánh chặn tên lửa Iskander. Tên lửa bay với tốc độ 2km/giây và có thể thay đổi hành trình sau khi phóng.

Các kỹ sư Nga còn trang bị cho tên lửa Iskander các loại mồi bẫy, được kích hoạt để đánh lừa các tên lửa đánh chặn.

Theo báo Mỹ, nếu tấn công Ukraine, chiến thuật của Nga hết sức rõ ràng. Moscow áp đảo đối phương bằng số lượng binh sĩ và khí tài quân sự vượt trội, tấn công chớp nhoáng bằng các vũ khí tầm xa.

Ở giai đoạn đầu, Nga dùng pháo và rocket nã vào các vị trí phòng thủ của quân đội Ukraine. Các máy bay Nga xuất kích để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Ukraine. Lính dù Nga sẽ đổ bộ xuống các sân bay, kiểm soát chính các sân bay Ukraine làm bàn đạp để Nga đánh sâu hơn. Cuối cùng, nhiệm vụ trên mặt đất do xe tăng và xe bọc thép đảm nhận.

Nguồn: [Link nguồn]

Mỹ “chĩa mũi giáo” NATO chống Nga, ông Putin đi nước cờ gây vỡ mộng

Trong những năm qua, Mỹ và các nước thành viên NATO đã huy động hàng ngàn binh sĩ, đầu tư mạnh mẽ vào khí tài quân sự...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - Business Insider ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN