350 binh sĩ Trung-Ấn liên tiếp ẩu đả ở biên giới và phản ứng từ Bắc Kinh

Bắc Kinh hôm 11.5 đã có phản ứng chính thức sau hai cuộc đụng độ liên tiếp giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc ở khu vực biên giới với tổng cộng 350 người tham gia ở cả hai bên.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên.

Khi được hỏi về căng thẳng gần đây xảy ra ở biên giới Trung Quốc và Ấn Độ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng, hai nước cần giải quyết những quan điểm khác biệt một cách phù hợp, theo Times of India.

“Binh sĩ Trung Quốc đóng quân ở biên giới luôn đảm bảo hòa bình và sự bình yên dọc theo khu vực giáp ranh. Trung Quốc và Ấn Độ nên duy trì liên lạc chặt chẽ và cùng phối hợp giải quyết các bất đồng ở biên giới thông qua các kênh liên lạc sẵn có”, ông Triệu nói.

Khi được hỏi về việc hai cuộc đụng độ hôm 5-6.5 có liên quan đến cách tiếp cận cứng rắn của Trung Quốc sau đại dịch Covid-19 hay không, ông Triệu trả lời: “Đó là những suy diễn không có cơ sở”.

“Năm nay kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung-Ấn. Hai quốc gia đang cùng nhau chiến đấu chống dịch Covid-19”, ông Triệu nói. “Do đó, hai nước cần tích cực hợp tác chống dịch, cùng xây dựng mối quan hệ song phương vững chắc để ổn định tình hình biên giới”.

Ông Triệu khẳng định Trung Quốc không thay đổi lập trường về vấn đề biên giới, trước và sau đại dịch Covid-19.

Các binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc hai lần đụng độ trong các ngày 5 và 6.5 ở phía đông Ladakh và ở phía bắc Sikkim. Trong cuộc đụng độ đầu tiên, 200 binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc ẩu đả ở khu vực hồ Pangong, phía đông Ladakh vào tối ngày 5.5. Cuộc đụng độ kết thúc vào ngày hôm sau khi chỉ huy hai bên trực tiếp đối thoại. Cả hai bên đều huy động thêm viện binh đến khu vực, đề phòng trường hợp căng thẳng leo thang.

Đây là lần đầu tiên binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc “dùng nắm đấm” giải quyết căng thẳng kể từ tháng 8.2017. Một cuộc đụng độ khác cũng xảy ra ở khu vực Sikkim dọc biên giới Trung-Ấn vào ngày 9-10.5. 150 binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc lao vào ẩu đả khiến ít nhất 10 người của cả hai bên bị thương.

Năm 2017, Trung Quốc và Ấn Độ đạt đến đỉnh điểm căng thẳng biên giới trong gần 50 năm qua. Các binh sĩ hai nước trải qua 73 ngày đối đầu ở cao nguyên Doklam. Đây là khu vực tranh chấp mang ý nghĩa chiến lược đối với cả Trung Quốc và Ấn Độ.

Mặc dù cả Ấn Độ và Trung Quốc đều nhất trí giải quyết tranh chấp lãnh thổ biên giới bằng con đường đối thoại, đụng độ thỉnh thoảng vẫn xảy ra giữa các binh sĩ hai nước.

Người Ấn Độ ngày nay vẫn hết sức cảnh giác với Trung Quốc vì bài học xương máu trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1962. Trung Quốc khi đó bất ngờ phát động chiến dịch quân sự đánh bật quân Ấn Độ khỏi cao nguyên Aksai Chin và Trung Quốc vẫn kiểm soát khu vực này đến tận ngày nay.

Nguồn: [Link nguồn]

Chuyên gia “dội gáo nước lạnh” vào lời kêu gọi Trung Quốc bổ sung 1.000 đầu đạn hạt nhân

Hu Xijinm, tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu mới đây đưa ra nhận định cho rằng Trung Quốc cần bổ sung thêm 1.000 đầu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - Times of India ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN