Một năm "lấp lánh" của vàng

Năm 2020 có thể nói là năm lên ngôi của vàng khi dịch Covid-19 tạo ra làn sóng khủng hoảng kinh tế toàn cầu và nhà đầu tư chọn vàng làm “kênh trú ẩn” thay vì đồng USD trong các cuộc khủng hoảng trước đây.

Dịch Covid-19 đẩy nền kinh tế toàn thế giới vào giai đoạn khủng hoảng trầm trọng trên mọi phương diện. Và vàng trở thành “kênh trú ẩn” an toàn nhất trong năm nay giữa bối cảnh đồng USD xuống mức thấp nhất trong 3 năm.

Giá vàng khởi đầu năm 2020 ở mức 1,517.8 USD/oz, sau đó nhanh chóng leo cao lên mức 1,681.1 USD/oz trước lo ngại về dịch viêm phổi cấp Covid-19 diễn biến phức tạp đã khiến các nhà đầu tư đổ xô vào tài sản an toàn. Đặc biệt, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bất ngờ giảm 50 điểm cơ bản lãi suất trong ngày 03/03. Đây cũng là mức giảm lãi suất lớn nhất của Fed kể từ năm 2008.

Thế nhưng, ngay sau đó là một đợt sụt giảm mạnh do Mỹ và Canada ra lệnh đóng cửa biên giới do dịch Covid-19. Giới đầu tư tiếp tục bán vàng để lấy tiền mặt. Thời gian này, vàng chịu áp lực giảm giá lớn, cùng chiều đi xuống của thị trường chứng khoán Mỹ, một phần do áp lực bán vàng để lấy tiền mặt bù đắp các hợp đồng vay ký quỹ chứng khoán (margin call) khi giá cổ phiếu sụt giảm. Thêm nữa, vàng là một trong số ít các mặt hàng có thể dễ dàng bán và có giá so với hầu hết các loại tài sản khác.

Dù vậy, xu hướng điều chỉnh không kéo dài, từ nửa cuối tháng 3/2020, giá vàng tăng vọt trở lại sau khi Fed tuyên bố mở rộng kế hoạch kích thích kinh tế một cách mạnh mẽ. Fed sẽ mua vào các loại chứng khoán, bao gồm chứng khoán có tài sản đảm bảo và cũng sẽ mở ra các công cụ cho vay khối lượng lớn, bơm tiền vào nền kinh tế.

Đà tăng mạnh mẽ của giá vàng trong năm qua kéo dài từ cuối tháng 7 cho đến tuần đầu tháng 8. Thông tin chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 7 thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của thị trường cùng với dự báo xung đột Mỹ - Trung có thể chuyển sang một giai đoạn mới (cuộc chiến về vốn và có thể tác động tiêu cực đến đồng USD) là yếu tố tác động chính lên thị trường vàng. Bên cạnh đó, giá vàng leo thang cùng với mối lo ngại của giới đầu tư toàn cầu khi số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ tăng vọt, cung tiền tăng mạnh khi Chính phủ các nước trên thế giới tung ra các gói kích thích trị giá hàng ngàn tỷ USD.

Và đỉnh điểm của đợt tăng này, giá vàng lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 2,000 USD/oz trong phiên 05/08. Một nguyên nhân nữa đẩy giá vàng tăng trở lại là do đồng USD suy yếu và những lo ngại về sự chậm trễ của việc tìm ra vaccine, đi kèm đó là yếu tố bất ổn Brexit. Chính vì tình hình căng thẳng khiến các quỹ đẩy mạnh mua vàng. Chỉ tính riêng trong tháng 8, các quỹ ETF đã mua ròng 38.9 tấn vàng, tuy nhiên, con số này cũng thấp hơn nhiều so với 166.5 tấn vàng được mua trong tháng 07.

Sau khi lập kỷ lục, giá vàng thế giới có sự điều chỉnh trở lại, một phần là do yếu tố kỹ thuật và một phần là thông tin tích cực về vaccine gợi lên hứa hẹn về việc phục hồi nền kinh tế toàn cầu. Sự lạc quan của thị trường chứng khoán cũng thôi thúc các nhà đầu tư tìm đến những cơ hội có rủi ro cao hơn vàng, từ đây cũng bắt đầu kích hoạt làn sóng bán vàng.

Tính đến sáng 17/12, giá vàng thế giới dao động ở mức 1,858.6 - 1,859.6 USD/oz, tăng 22% so với đầu năm. Giá vàng thế giới diễn biến tăng trở lại trong bối cảnh thất nghiệp tại Mỹ tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng và lạm phát tại nước này cũng tăng cao hơn dự báo trước đó.

Nguồn: TradingView

Nguồn: TradingView

Giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới

Giá vàng trong nước cũng leo thang theo giá vàng thế giới khi tâm lý bất ổn tăng dần trước những biến động kép. Trong phiên 07/08, giá vàng trong nước vọt lên mức 60.32 – 59.6 triệu đồng/lượng, ở chiều mua vào/bán ra. Mức tăng của giá vàng miếng SJC trong nước được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đánh giá là tăng phù hợp với thị trường vàng quốc tế. Lý do giá vàng trong nước tăng là do giá vàng quốc tế đã tăng mạnh, vượt ngưỡng tâm lý quan trọng 2,000 USD/oz.

Tuy nhiên, khác với trước đây, khi giá vàng tăng thì mọi người thường đổ xô đi mua vàng, còn bây giờ, giao dịch thị trường không có đột biến, tình hình mua, bán vàng miếng trầm lắng, doanh số mua, bán vàng đã giảm khoảng 30% so với cùng thời điểm năm trước.

NHNN cũng cho biết “sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng trên thị trường”, đồng thời khẳng định “nếu có diễn biến bất thường, sẽ có các giải pháp và đủ nguồn lực để bình ổn thị trường”.

Hiện, giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới gần 4 triệu đồng/lượng. Tính đến ngày 17/12, giá vàng trong nước đang giao dịch quanh mức 54.9 – 55.42 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào/bán ra, tăng 29% so với đầu năm.

Nguồn: Tygia.vn

Nguồn: Tygia.vn

Hầu hết các chuyên gia trong nước cho rằng, giá vàng hiện tại rất khó dự đoán do còn nhiều vấn đề chưa thể đoán định như tình hình dịch bệnh, triển khai vaccine cũng như căng thẳng địa chính trị…

Trong trung hạn, ông Phan Dũng Khánh – Giám đốc tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) dự đoán từ nay đến Tết Nguyên đán, giá vàng vẫn trong xu hướng giảm và đi ngang. Khả năng sau Tết âm lịch, giá vàng mới có xu hướng tăng lại được. Trong kỳ vọng Fed đưa ra những chính sách thúc đẩy kinh tế nhiều hơn, giá vàng mới có thể đi lên trở lại, do lượng tiền được bơm ra sẽ dồi dào, mặc dù hiện tại, một lượng tiền cũng đã được bơm ra nền kinh tế nhưng lại “chảy” vào chứng khoán nhiều hơn vàng. Còn về dài hạn, xu hướng vàng vẫn sẽ tăng sau Tết Nguyên đán.

Nguồn: [Link nguồn]

Giá vàng hôm nay 17/12: USD xuống đáy, vàng vững đà tăng

Giá vàng tiếp tục tăng khi giới đầu tư ngày càng kì vọng vào các gói hỗ trợ kích thích kinh tế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cát Lam ([Tên nguồn])
Giá vàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN