Đánh giá laptop chơi game Lenovo Y50

Cấu hình Y50 khá mạnh so với mức giá 25 triệu đồng, và có thể chơi những game nặng về đồ họa rất ấn tượng.

Thiết kế

Lenovo Y50 được hãng sản xuất thiết kế không chỉ dành riêng cho nhu cầu chơi game mà còn phục vụ cho cả công việc văn phòng. Do đó, ngoại hình Y50 không quá hầm hố như của Razer Blade hay Alienware, nhưng Lenovo cũng đã sáng tạo một số điểm nhấn nhằm cho biết đây là một máy chơi game thực thụ.

Đánh giá laptop chơi game Lenovo Y50 - 1

Cụ thể, ở mặt sau, Y50 được làm nổi bật bởi 2 đường vân trông khá cứng cáp; còn ở phía sau và 2 bên góc máy thì hãng sản xuất tạo những vùng ô lưới kim loại lấm chấm giúp ngoại hình có phần mạnh mẽ hơn. Nhìn chung, những đường nét thẳng, cứng tạo nên các góc nhọn và tam giác là những gì Lenovo đã làm để tôn lên laptop chơi game Y50.

Đánh giá laptop chơi game Lenovo Y50 - 2

Còn lại ở mặt trước và bàn phím, Y50 trông khá nhẹ nhàng như một chiếc laptop văn phòng. Bàn phím bấm êm và có độ nhạy cao. Đặc biệt là bộ đèn LED blacklit bên dưới bàn phím sẽ hỗ trợ người dùng làm việc cả vào ban đêm mà không gặp khó khăn gì về ánh sáng.

Đánh giá laptop chơi game Lenovo Y50 - 3

Một điểm cộng ở Y50 là độ mỏng so với hầu hết các laptop chơi game khác hiện nay. Y50 mang trong mình một cấu hình thuộc dạng “khủng”, nhưng chỉ mỏng 0,9-inch (chưa tới 2,3cm).

Hiệu năng và đồ họa

Y50 được trang bị bộ vi xử lý Intel Core i7-4700HQ (thế hệ thứ 4 - Haswell) tốc độ 2.4GHz, kết hợp với một card đồ họa NVIDIA GeForce GTX 860M 4GB, bộ nhớ RAM 8GB. Cấu hình phần cứng này khá giống một chiếc laptop chơi game khác là Razer Blade Pro, nhưng Y50 có giá chỉ bằng một nửa Razer Blade Pro.

Đánh giá laptop chơi game Lenovo Y50 - 4

Chấm điểm khả năng xử lý đồ họa của Y50 và các đối thủ: Cột điểm của Y50 màu đỏ, đứng nhì.

Thực nghiệm cho thấy, Y50 chơi tốt hầu hết các game hạng nặng hiện nay, như Need for Speed 2014, Battlefield 4, BioShock Infinite, Crysis 3, FIFA 14, Diablo III,... Trong đó, khả năng xử lý đồ họa của Y50 đối với game Battlefield 4 ở độ phân giải 1920x1080 là khá ấn tượng, đạt 92,5 khung hình/giây (fps), thua Alienware 17 một chút - 98fps, và rõ ràng tốt hơn số khung hình xử lý tiêu chuẩn.

Đối với game BioShock Infinite, Y50 xử lý 73 khung hình mỗi giây, tốt hơn 70 khung hình mỗi giây của Razer Blade Pro, mặc dù 2 sản phẩm này có cấu hình phần cứng tương đương nhau.

Tốc độ ghi dữ liệu trên Y50 đạt 27,4 MB/giây, chỉ bằng 1/4 mức trung bình 103 MB/giây. Mặc dù vậy, thời gian khởi động Windows khá nhanh, thậm chí chỉ mất 15 giây khi vừa cài xong phiên bản hệ điều hành Windows 8 Pro sạch.

Nhìn chung, với cấu hình phần cứng như trên thì Y50 đảm nhiệm tốt vai trò của một laptop chơi game. Mặc dù vậy, các chuyên gia của trang PC World đánh giá cấu hình Y50 sẽ lạc hậu sau vài năm nữa, song so với mức giá thì Y50 vẫn là lựa chọn đáng “đồng tiền, bát gạo”.

Thời lượng pin và nhiệt độ

Ở chế độ làm việc với phần mềm Microsoft Office Word và TechSmith Snapit, trình duyệt web mở 3 thẻ, Wi-Fi luôn kết nối, độ sáng màn hình 60% thì pin của Y50 có thể trụ trong khoảng 3 giờ 54 phút.

Trong khi đó, ở một thử nghiệm khác không rõ chế độ làm việc, Tạp chí PC World Mỹ đánh giá thời gian sử dụng của pin trên Y50 là 3 giờ 16 phút, thấp hơn 2 phút so với Blade Pro và dài hơn 20 phút so với Alienware 17. Đó là thời lượng pin đạt chuẩn đối với một laptop chơi game.

Đánh giá laptop chơi game Lenovo Y50 - 5

Tuy nhiên, khi sử dụng Y50 để chơi game nặng trong khoảng thời gian tương đối lâu, bạn nên tháo pin ra và sử dụng nguồn điện trực tiếp. Theo một số game thủ, nhiệt độ Y50 tỏa ra sẽ khá cao khi chơi game “khủng”, cao hơn mức trung bình khoảng 5 độ C. Mặc dù vậy, do Y50 được thiết kế rất mỏng với một cấu hình “khủng” nên nhiệt độ này là chấp nhận được.

Màn hình

Nếu Lenovo thiết kế cho Y50 một màn hình có độ sáng và khả năng tái tạo màu sắc tốt hơn thì Y50 sẽ trở thành một chiếc laptop chơi game thật sự hoàn hảo. Theo đó, màn hình 15,6-inch trên Y50 cho độ phân giải Full HD 1080p, với độ sáng tối đa 208nit, và có góc nhìn hơi hẹp.

Đánh giá laptop chơi game Lenovo Y50 - 6

Có thể lý do chính là mức giá quá dễ chịu mà hãng sản xuất đưa ra cho Y50. Bù lại, card đồ họa rời thuộc dạng “đỉnh” sẽ giúp Y50 xử lý mượt mà những tựa game “khủng”, tránh hiện tượng giật hình.

Âm thanh

Âm thanh trên Y50 khá ấn tượng. Y50 được trang bị loa JBL, hỗ trợ loa siêu trầm (subwoofer) và công nghệ Dolby Home Theater v4. Thực nghiệm cho thấy, Y50 phát ra âm thanh to, rõ và khá trong trẻo ở ngoài trời. Trong phòng kín thì âm thanh khá ấm, âm bass rõ hơn.

Đánh giá laptop chơi game Lenovo Y50 - 7

Ưu điểm:

- Thiết kế hài hòa cho một chiếc laptop vừa chơi game vừa dùng văn phòng.

- Cấu hình “khủng”: bộ vi xử lý Intel Core-i7 thế hệ thứ 4, 8GB RAM, card đồ họa rời 4GB của NVIDIA GeForce.

- Âm thanh sống động với loa JBL và công nghệ Dolby Home Theater v4.

- Giá tốt so với cấu hình.

Nhược điểm:

- Màn hình có độ sáng chưa cao như mong đợi.

- Tốc độ đọc, ghi dữ liệu chưa cao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN