Xăng trong nước neo giá dù thế giới giảm mạnh
Dù giá xăng dầu thành phẩm thế giới giảm khá mạnh nhưng trong nước không có cơ hội giảm giá bán lẻ vì vướng quy định tính giá bình quân 30 ngày.
Trưởng phòng kinh doanh một doanh nghiệp đầu mối phía Nam không muốn nêu tên với lý do không muốn phiền phức, cho biết, ở thời điểm hiện tại, nếu tính theo giá cơ sở 30 ngày, mỗi lít xăng đang lỗ khoảng 100 đồng/lít còn dầu lãi 100 đồng. Đó là lý do khiến cơ quan quản lý không có động thái điều hành giá bán lẻ trong nước.
Ông này cho biết, nếu tính giá bình quân 30 ngày (tính đến ngày13/12), xăng RON92 ở mức hơn 117 USD/thùng, dầu DO 0,25S mức hơn 123 USD/thùng.
Trong khi đó, nếu tính giá bình quân 10 ngày gần đây, xăng RON92 khoảng 115 USD/thùng, dầu DO mức 120 USD/thùng vì những ngày vừa qua, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore giảm khá mạnh.
Chênh lệch giá giữa hai cách tính là từ 2-3 USD/thùng, nghĩa là mức chênh lệch lợi nhuận là từ 500 - 700 đồng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc người dân mất cơ hội giảm giá bán lẻ ở mức tương đương.
“Nếu như trước đây, biên độ giữa các lần tăng giảm chỉ 50 cents thì lâu nay tới 1-2 USD/thùng. Đây là một con số lớn nên cách tính giá bình quân 30 ngày để điều chỉnh giá bán lẻ trong nước không sát thực tế thị trường. Doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị nhưng cơ quan quản lý chưa điều chỉnh”, ông này nói.
Cũng vì cách tính giá bình quân 30 ngày nên hiện tượng đua chiết khấu xăng dầu thời điểm này lại diễn ra “sôi động”. Theo đó, một số doanh nghiệp đầu mối tranh thủ giá thế giới giảm đã nhập hàng. Được giá tốt nên đẩy chiết khấu cho đại lý tăng cao khiến các doanh nghiệp khác phải đua theo.
Ở thời điểm hiện tại, chiết khấu trên thị trường phổ biến ở mức 750 đồng - 850 đồng/lít (tùy loại). “Các đại lý thấy thù lao còn có khả năng tăng nữa nên nhập hàng cầm chừng. Khối lượng tiêu thụ tháng 11 của chúng tôi chỉ đạt 80 - 90% khối lượng ký hợp đồng là vì thế”, ông này cho biết.
Vấn đề tính giá bình quân 30 ngày được quy định tại Nghị định 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Bộ Tài chính đã có đề xuất sửa đổi điểm này theo hướng điều chỉnh thành 10 ngày.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương, hai cơ quan quản lý ở thị trường xăng dầu vẫn chưa tìm được tiếng nói chung nên nghị định vẫn chưa được sửa đổi