Vải đỏ đường Bắc Giang, nông dân bị ép giá

Sự kiện: Bắc Giang

Mùa vải chín kéo dài từ 20-25 ngày, những cây vải chín không kịp thu hoạch, quả sẽ rụng cuống, nứt vỏ, bị nấm mốc lan nhanh sang chùm quả và cả cây. Người trồng muốn giữ hàng đợi giá cũng không được nên luôn phải bán vội. Nhiều thương lái lợi dụng ép giá xuống thấp. 

Những ngày giữa tháng 6, vùng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) bắt đầu vào mùa thu hoạch vải thiều chính vụ. Hàng ngàn xe chở vải “nhuộm” đỏ đường quốc lộ 31. Người dân tất bật đưa vải tươi đến các điểm thu mua chính như: ngã ba Kép, thị trấn Chũ, trung tâm xã Quý Sơn, Phượng Sơn…

Vải đỏ đường Bắc Giang, nông dân bị ép giá - 1

Giữa tháng 6, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang bắt đầu vào mùa thu hoạch vải thiều chính vụ ảnh

Theo ghi nhận của phóng viên, rất nhiều người vất vả chở hàng tạ vải sau lưng, chạy lòng vòng tìm chỗ bán được giá. Thương lái Việt, Trung Quốc đứng dọc hai bên đường thi nhau trả giá khôn khéo sao cho mua được giá thấp nhất. Nếu thỏa thuận thành công, người bán được phát cho một lá phiếu và sau đó chở vải vào cân, thanh toán tiền.

Ông Trần Ngọc Sơn (61 tuổi, Trường Giang, Lục Ngạn, Bắc Giang) chạy qua 5 điểm thu mua hỏi giá mới quyết định bán 17.000 đồng/kg. Ông Sơn cho biết: “Cùng loại vải này 4 ngày trước tôi còn bán được 20.000 đồng/kg, chắc mấy ngày tới giá còn tiếp tục giảm. Không chỉ bị ép giá mà mỗi mã cân chúng tôi còn bị trừ bì và cuống từ 7-8kg”. 

Anh Vũ Văn Bôn (Trại Cháy, Lục Ngạn, Bắc Giang) ngậm ngùi: "Nông dân vất vả trồng được quả vải nhưng khi mang đi bán lại thấp thỏm, nay một giá, mai một giá, khi cân lại bị trừ từ 5kg - 7kg/tạ vải, đó gọi là lùi cân cho thương lái như một thông lệ bất thành văn".

"Trồng được 1ha vải, dự kiến cho khoảng 6 - 7 tấn vải, giá bình quân khoảng 13.000 đồng/kg, tính ra được khoảng hơn 100 triệu đồng. Trừ chi phí còn lại khoảng 70 triệu đồng, không đủ cho cả gia đình sống trong một năm, nếu bán được giá cao hơn một chút thì tạm đủ" - anh Bôn chia sẻ thêm.

Giá tại các điểm thu mua vải ở Lục Ngạn hiện nay cao nhất là 30.000 đồng/kg vải loại 1 để xuất khẩu sang Trung Quốc và đưa vào miền Nam tiêu thụ. Vải hình thức kém hơn chỉ từ 10.000 – 18.000 đồng/kg.

 Theo ông Liêu Xuân Hòa, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn, việc tiêu thụ vải năm nay vẫn phải trông chờ ở thị trường nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc. 

Chùm ảnh vải đỏ đường Bắc Giang: 

Vải đỏ đường Bắc Giang, nông dân bị ép giá - 2

Dọc đường quốc lộ 31, từ trung tâm xã Quý Sơn, Phượng Sơn đến thị trấn Chũ, ngã ba Kép, hàng ngàn xe chở vải “nhuộm” đỏ đường

Vải đỏ đường Bắc Giang, nông dân bị ép giá - 3

Từ sáng sớm, người dân từ khắp các xã trong huyện chở vải về các điểm thu mua

Vải đỏ đường Bắc Giang, nông dân bị ép giá - 4

Tại thị trấn Chũ có đến hàng trăm điểm cân của cả thương lái trong nước và Trung Quốc

Vải đỏ đường Bắc Giang, nông dân bị ép giá - 5

Ông Trần Ngọc Sơn (61 tuổi, Trường Giang, Lục Ngạn, Bắc Giang) cho biết, chỉ trong vài ngày sau khi vào vụ, giá vải đã giảm đáng kể

Vải đỏ đường Bắc Giang, nông dân bị ép giá - 6

Thương lái Trung Quốc ra đường đưa tờ phiếu báo giá, người bán đồng ý thì chở vào điểm thu mua vải

Vải đỏ đường Bắc Giang, nông dân bị ép giá - 7

Một tờ phiếu mua vải với giá 15.000 đồng/kg 

Vải đỏ đường Bắc Giang, nông dân bị ép giá - 8

Vải thu hoạch rộ, bị ép giá là nỗi lo thường trực của những người trồng vải 

Vải đỏ đường Bắc Giang, nông dân bị ép giá - 9

Một người nông dân tần ngần chưa muốn bán vải vì bị trả giá thấp.

Vải đỏ đường Bắc Giang, nông dân bị ép giá - 10

Các điểm thu mua đều sử dụng hệ thống cân điện tử nhưng người bán vẫn bị trừ bì và cuống từ 5-7kg một mã cân 

Vải đỏ đường Bắc Giang, nông dân bị ép giá - 11

Chần chừ chưa muốn bán vải vì bị trả giá thấp.

Vải đỏ đường Bắc Giang, nông dân bị ép giá - 12

Vải tập kết về điểm thu mua sẽ được phân loại để đóng thùng

Vải đỏ đường Bắc Giang, nông dân bị ép giá - 13

Sau khi nhúng vải vào thùng nước đá, vải được đóng trong thùng xốp có lót đá đáy thùng và một lớp đá bào phủ phía trên.

Vải đỏ đường Bắc Giang, nông dân bị ép giá - 14

Trung bình mỗi ngày các điểm cân đóng được 10-15 tấn vải tươi

Vải đỏ đường Bắc Giang, nông dân bị ép giá - 15

Nông dân chủ yếu bán vải cho các thương lái trong nước và Trung Quốc. Chính vì vậy, giá cả thường xuyên bấp bênh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Phú – Tất Định ([Tên nguồn])
Bắc Giang Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN