Bắt đầu chiến dịch "giải cứu" vải thiều

Hai vùng trọng điểm là Lục Ngạn (Bắc Giang) và Thanh Hà (Hải Dương) đã bắt đầu vào vụ thu hoạch chính vải thiều. Sau thành công trong việc giải cứu dưa hấu ở Quảng Nam, “biệt đội giải cứu nông sản” dự định sẽ tiếp tục chiến dịch “giải cứu” vải thiều nhằm mua vải của người dân với giá cao hơn.

Giải cứu 100ha vải xuất khẩu?

“Cả nhà ơi! Tinh thần là sau vụ dưa hấu, giờ đến vải thiều GlobalGAP có tận 100ha để xuất đi Mỹ, đã ký hợp đồng nhưng mỗi tuần chỉ bay 1 chuyến được 1 tấn, mà vải đã chín giờ lại chạy mất hút rồi. Em xin phép cùng kêu gọi bà con ủng hộ vụ này trên tinh thần cần thì mua thôi, không phải từ thiện. Nên nếu thấy hợp lý thì ủng hộ ạ”- đó là lời kêu gọi vừa đăng lên Facebook.

Bắt đầu chiến dịch "giải cứu" vải thiều - 1
 Nông dân xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn, (Bắc Giang) thu hoạch vải thiều 
bán cho đội giải cứu nông sản. Ảnh: Trần Quang

Theo lời của thành viên này, nếu đăng ký đủ 500kg, thì sẽ lấy hàng về để phân phối cho những ai đăng ký với giá bán 20.000 đồng/kg, chỉ chênh 2.000 đồng/kg so với giá nhập để bù tiền túi nylon, hao hụt và các chi phí phát sinh. Ngay sau lời kêu gọi trên, đã có hàng loạt người đăng ký mua với số lượng từ 3-5kg, có người đặt mua 10kg... Chị Yến- thành viên của nhóm, hiện ở Thanh Trì (Hà Nội) cho biết: “Đội giải cứu dưa hấu giờ đã thành lập doanh nghiệp xã hội kinh doanh nông sản với tiêu chí luôn mua của nông dân cao hơn thương lái Trung Quốc và bán với giá thấp nhất, nhưng phải là sản phẩm có chất lượng, đảm bảo an toàn”.

Anh Đặng Như Quỳnh- thủ lĩnh của “biệt đội giải cứu dưa hấu” trước đây, cho biết, nhóm của anh đang bắt tay thực hiện chiến dịch mới là bao tiêu sản phẩm vải thiều sạch trồng ở huyện Lục Ngạn, Bắc Giang. “Dù công việc thu mua, bán vải thiều mấy ngày qua vất vả, nhưng bù lại các thành viên trong “biệt đội” rất vui vì bán được nhiều vải để giúp nông dân”- anh Quỳnh nói. Theo anh Quỳnh, công việc thu mua vải thiều của đội anh đã bắt đầu hoạt động khoảng hơn 1 tuần trở lại đây tại “thủ phủ” vải thiều Lục Ngạn, với giá thu mua tại vườn khoảng từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, tùy vào chất lượng và vùng sản xuất. “Ví như với vùng vải xuất khẩu hơn 60ha ở xã Hồng Giang (Lục Ngạn), tôi cam kết dù giá thị trường có biến động giảm sâu, thì đội vẫn thu mua cho bà con giá cao hơn 15.000 đồng/kg, luôn đảm bảo cho người trồng vải có lãi” – anh Quỳnh khẳng định.

Cũng theo anh Quỳnh, với hệ thống phân phối bán hàng rộng trên 40 tỉnh, thành trải dài từ Bắc vào TP.HCM và bán qua mạng xã hội, tính đến 9.6, đội của anh đã thu mua và tiêu thụ được khoảng trên dưới 600 tấn vải thiều Lục Ngạn. “Khó khăn nhất là việc bảo quản vải để đưa đi xa. Chúng tôi rất mong các cơ quan nhà nước hỗ trợ việc bảo quản vải thiều, nếu được đội sẽ tiêu thu giúp nông dân với sản lượng lớn” – anh Quỳnh nói.

Mới xuất khẩu được 5 tấn

Được biết, để thực hiện kế hoạch xuất khẩu vải thiều sang Mỹ, năm nay huyện Lục Ngạn đã lựa chọn được 109 hộ dân với diện tích hơn 60ha tại 3 thôn Kép 1, Ngọt, Phương Sơn của xã Hồng Giang, để cấp mã vùng xuất khẩu vải thiều. Là một trong 27 hộ ở thôn Kép 1 tham gia vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu theo tiêu chuẩn xuất khẩu, nhưng đến nay hộ ông Giáp Văn Thành – Nhóm trưởng nhóm 1 vẫn chưa có doanh nghiệp nào đến hỏi đặt hàng xuất khẩu, khiến gia đình ông rất lo lắng. Ông Thành cho biết, đã có một số doanh nghiệp như Ánh Dương Sao, Rồng Đỏ... gọi điện thoại hẹn đến cuối tuần này sẽ xuống kiểm tra vườn vải, nếu đạt chất lượng sẽ làm thủ tục để xuất khẩu. “Vải đã chín đỏ vườn mà các doanh nghiệp mãi chưa thấy đặt mua, nên chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần chở vải ra chợ xã bán cho tư thương Trung Quốc” - ông Thành nói.

Ông Thành cho biết thêm, tổng diện tích vườn vải của toàn nhóm là 10ha, bà con không chỉ tốn công gấp 2 lần, mà chi phí đầu vào cũng cao hơn so với phương pháp sản xuất theo cách truyền thống như trước kia. “Năm nay, vải thiều rất sai quả, quả đều, mẫu mã rất đẹp, nhưng nếu bán dưới giá 15.000 đồng/kg loại 1 thì nông dân sẽ bị lỗ, nên đến giờ bà con rất lo khi thu hoạch bán bị thương lái đánh đồng giá với vải thường, ép giá giám sâu là nông dân lỗ nặng” – ông Thành chia sẻ.

Ông Vũ Đình Phượng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bắc Giang cho biết: “Tính tới thời điểm này, đã có khoảng 2 tấn vải thiều Lục Ngạn được thu mua xuất sang Mỹ, 3 tấn vải được đưa sang Australia, và trước nữa vải đã đi Pháp. Tuy nhiên, với năng suất 10 tấn/ha, tổng sản lượng của vườn vải sạch 100ha ở Bắc Giang đã lên tới 1.000 tấn, thì số lượng 5 tấn xuất khẩu là quá nhỏ so với thực tế.

Ông Phượng cho rằng, những tấn vải thiều xuất khẩu sang Mỹ, Australia mới chỉ là bước đi đầu tiên, chưa thể kỳ vọng có ngay kết quả xuất khẩu vải thiều lớn vào 2 thị trường khó tính này. Do đó, theo ông Phượng, việc tiêu thụ lượng vải trên 200.000 tấn của tỉnh sẽ vẫn phải trông chờ thị trường nội địa (40%) và xuất khẩu sang Trung Quốc.

Anh Đặng Như Quỳnh cho biết:  “Vụ thu hoạch vải thiều này, chúng tôi đã huy động trên dưới 1.000 thành viên tại 40 tỉnh, thành, dự kiến sẽ thu mua và tiêu thụ hàng nghìn tấn vải sạch giúp nông dân Bắc Giang, Hải Dương, với giá trên 15.000 đồng/kg”.   

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Quang ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN