Trồng mộc nhĩ “trúng” hơn buôn gỗ, buôn trâu
Anh Nguyễn Tuấn Anh (SN 1988), ở thôn Mơ, xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa được nhiều người coi là “chuyên gia” mộc nhĩ ở vùng miền núi này.
Nguyễn Tuấn Anh chăm sóc mô hình mộc nhĩ tại cơ sở sản xuất của mình. Ảnh: Thế Lượng
Tuấn Anh cho biết: Sau khi học xong trung học phổ thông, anh theo bố đi buôn trâu bò và nuôi lợn. Việc buôn bán trở nên ế ẩm, gia đình quay sang buôn gỗ, lại vẫn thua lỗ. “Năm 2013, em cưới vợ. Cưới xong, em quyết định vay vốn đầu tư nuôi trồng mộc nhĩ. Lúc đầu, chưa có kinh nghiệm nên cũng rất vất vả. Vì vậy, em “nịnh” vợ bỏ luôn nghề sư phạm (tiểu học) để ở nhà cùng làm với em”- Tuấn Anh hóm hỉnh kể.
Căn nhà của gia đình anh Nguyễn Tuấn Anh, nằm sát đường Hồ Chí Minh. Vì vậy, Tuấn Anh dành một khu đất rộng của gia đình làm nơi tập kết vật liệu (mùn cưa) để sản xuất mộc nhĩ. Phía sau những đống mùn cưa chất cao như núi là các lán trại được Tuấn Anh dựng lên để trồng mộc nhĩ. Do vốn đầu tư ban đầu chỉ có khoảng 150 triệu đồng, khu lán trại nuôi trồng, hệ thống máy móc, nhà xưởng để làm lò sấy nấm còn ở quy mô hạn chế. Tuy vậy, anh vẫn không nao núng. “Nếu mình biết cách chăm sóc tốt thì khi thu hoạch 3kg mộc nhĩ tươi, sẽ cho về 1kg khô. Hiện nay, mỗi lứa thu hoạch (40.000 bịch), em thu được 1,2 tấn khô. Mỗi chu kỳ trồng thu được 3 đợt, bình quân thu được khoảng 3 tấn mộc nhĩ khô. Với giá bán cho thương lái tại nhà hiện nay 90.000 đồng/kg mộc nhĩ khô, em thu về 270 triệu đồng”- Tuấn Anh cho biết.
Từ mùn phế sau khi trồng mộc nhĩ, anh trồng thêm nấm sò và thu về thêm 30 triệu đồng. “Mỗi năm, tổng doanh thu của cơ sở em được 300 triệu đồng. Trừ hết các khoản chi phí, em lãi được 200 triệu đồng”- Tuấn Anh khẳng định.
Dự định sắp tới của Tuấn Anh là đầu tư mở rộng thêm hai lán trại nữa, để có diện tích trồng mỗi lứa lên tới 100.000 bịch mộc nhĩ.