Trồng loài cây ra quả xanh lét, chín thơm điếc mũi, thu 6 tỷ/năm

Sự kiện: Kinh Doanh

Với 20ha mít cao sản ra quả xanh lét, khi chín thơm lừng, anh Nguyễn Đình Thìn (46 tuổi, trú buôn Ea Rớt, xã Cư Elang, huyện Eakar, Đăk Lăk) thu về 6 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi 3 tỷ mỗi năm. Nhưng giấc mơ lớn hơn của anh Thìn là đưa vùng đất nghèo Ea Rớt thành vùng nguyên liệu mít lớn mạnh để vươn ra thị trường thế giới. Anh là 1 trong 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2018.

Tỷ phú đi lên từ tay trắng

Năm 2003, sau khi cưới vợ, anh Thìn cầm mấy chục triệu lên buôn Ea Rớt lập nghiệp. Mua 2ha đất, dựng tạm căn nhà xong thì số vốn mang theo cũng đã cạn, anh Thìn bắt đầu cuộc sống từ những cây bắp, cây mì. Anh kể với chúng tôi, mảnh đất mà anh vừa mua có một ít cà phê, nhưng ở vùng đất sỏi pha cát, cà phê cằn cỗi năng suất chẳng đáng là bao. Vậy nên, để có cái ăn tạm thời, anh phải trồng cây ngắn ngày.

Trồng loài cây ra quả xanh lét, chín thơm điếc mũi, thu 6 tỷ/năm - 1

Tỷ phú mít xanh Nguyễn Đình Thìn bên vườn mít sai quả của gia đình.

6 năm liền gắn bó với cây mì, cây bắp cuộc sống chẳng thể khấm khá hơn nên anh Thìn quyết định tìm lối đi mới. "Qua thời gian nghiên cứu, tìm hiểu tôi thấy điều kiện sinh trưởng và phát triển của cây mít cao sản phù hợp với vùng đất của mình nên đã quyết tâm đầu tư. Sau khi bàn bạc với vợ, tôi đã quyết định vay mượn tiền, mua thêm đất trồng 10ha mít cao sản. Sau 2 năm sau, vườn mít ra trái bói và đến năm thứ 3 đã cho trái trĩu cành" - anh Thìn nói.

Trồng loài cây ra quả xanh lét, chín thơm điếc mũi, thu 6 tỷ/năm - 2

Anh Nguyễn Đình Thìn - chủ nhân vườn mít bạc tỷ ở Ea Rớt.  Vườn mít cao sản của anh Nguyễn Đình Thìn cây nào cây nấy trái treo lủng lẳng, ai trông cũng thích mắt. Ảnh: D.H

"Mong muốn của tôi là làm sao giúp được nông dân nơi đây cùng phát triển, biến Ea Rớt thành một buôn giàu và được biết đến như một vùng sản xuất mít có thương hiệu, uy tín. Để thực hiện mong muốn ấy, tôi biết sẽ không dễ dàng gì nhưng tôi tin, nếu có quyết tâm thì có thể sẽ thực hiện được".

Anh Nguyễn Đình Thìn

Với năng suất lên đến 40tấn/ha, chẳng mấy chốc vườn mít cao sản đã giúp anh Thìn trả hết nợ nần. Vườn mít mỗi năm cho 2 vụ nhưng hái được đến đâu đã được thu mua hết đến đó. Hơn nữa, cây mít rất phù hợp với vùng đất này nên anh Thìn quyết định đầu tư trồng thêm 10ha nữa.

Đến nay, với 20ha, anh Thìn thu về khoảng 6 tỷ mỗi năm. Sau khi trừ hết chi phí, anh còn  lãi khoảng 3 tỷ đồng.  Cũng nhờ vườn mít cao sản, anh Thìn đã bỏ ra 150 triệu đồng làm 4km đường giao thông nông thôn vừa phục vụ cho việc sản xuất, kinh doanh của mình vừa phục vụ bà con trong buôn. Ngoài ra, hàng năm anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động và hàng chục lao động thời vụ chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Giấc mơ đưa mít cao sản ra...biển lớn

Anh Thìn cho biết, hiện sản phẩm của anh đang được thị trường rất ưa chuộng. Ngoài thị trường trong nước, một số công ty lớn của Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đã "ngó" đến vườn mít của anh. Nhưng với sản lượng như hiện tại, anh không thể đáp ứng được nhu cầu lớn của những công ty nước ngoài. Chính vì vậy, hiện anh Thìn đang sản xuất giống để cung cấp cho người dân trong vùng, tạo vùng nguyên liệu.

"Để đảm bảo có nguồn giống chuẩn 100%, tôi đã tìm tòi và quyết định thực hiện kỹ thuật ghép chui. Cách ghép này tốn kém hơn nhiều so với những cách ghép khác nhưng sẽ cho ra nguồn giống không bị lai tạo  như việc chiết cành" - anh Thìn cho biết.

Trồng loài cây ra quả xanh lét, chín thơm điếc mũi, thu 6 tỷ/năm - 3

Thu hoạch mít tại trang trại mít cao sản của gia đình tỷ phú Nguyễn Đình Thìn.

Nói về giấc mơ vươn ra biển lớn của mình, anh Thìn cho biết, ngoài việc cung cấp nguồn giống, anh sẽ trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, hướng dẫn người dân cách chăm sóc mít cao sản hiệu quả. Sau đó, anh sẽ trực tiếp đứng ra thu mua sản phẩm của bà con để cung cấp lại cho các công ty.

"Hiện nay, sản phẩm mít được hầu hết các siêu thị lớn trong nước, các chợ du lịch tiêu thụ. Ngoài ra, các công ty lớn của Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đang rất ưa chuộng sản phẩm này, nên tôi dự định sẽ mở rộng vùng nguyên liệu bằng cách vận động nông dân trồng sau đó thu mua lại sản phẩm. Trước mắt, mục tiêu của tôi là làm sao mỗi năm phải có được 1.000 tấn mít để cung cấp ra thị trường" - anh Thìn nói.

"Ea Rớt là một buôn nghèo, nhưng vùng đất này giờ đã như quê hương của tôi, đã giúp tôi tạo dựng cơ nghiệp. Thế nên, mong muốn của tôi là làm sao giúp được nông dân nơi đây cùng phát triển, biến Ea Rớt thành một buôn giàu và được biết đến như một vùng sản xuất mít có thương hiệu, uy tín. Để thực hiện mong muốn ấy, tôi biết sẽ không dễ dàng gì nhưng tôi tin, nếu có quyết tâm thì có thể sẽ thực hiện được" - anh Thìn nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Hậu ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN