TQ tiêu thụ 25% hàng xa xỉ thế giới

Tuy nhiên, đa phần người dân ở đây lại chọn mua hàng hiệu tại nước ngoài do thuế thấp, dịch vụ tốt, ít hàng giả và có thể tận dụng lợi thế tỷ giá.

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng HSBC cho thấy gần một phần tư hàng xa xỉ trên thế giới đang được tiêu thụ bởi người dân Trung Quốc. Năm 2007, tỷ lệ này mới chỉ là 5%.

Các nhà phân tích tại HSBC nhận định: "Chúng tôi không cho rằng phân khúc hàng xa xỉ ở đây đã gần bão hòa. Trung Quốc hiện là thị trường hàng đầu vì các nhãn hiệu ở đây vẫn liên tục có khách hàng mới". Thêm vào đó, việc các hãng mở thêm nhiều chi nhánh tại thành phố nhỏ hơn cũng góp phần tăng doanh thu cho hàng cao cấp. Đây là lần đầu tiên những thương hiệu xa xỉ này đặt chân đến các thành phố không phồn hoa như Paris hay San Francisco.

TQ tiêu thụ 25% hàng xa xỉ thế giới - 1

Các nhãn hiệu xa xỉ ở Trung Quốc vẫn thu hút nhiều khách hàng mới.

Yếu tố văn hóa cũng đóng vai trò tương đối lớn. Như các nước phát triển khác, khi tầng lớp trung lưu và thượng lưu ngày càng tăng lên, họ sẽ có nhu cầu phô trương và tiêu dùng. HSBC nhận định: "Ở nhiều thành phố hạng hai, độ nhận diện thương hiệu của người dân vẫn còn thấp. Tuy nhiên, họ lại chi rất mạnh tay cho hàng xa xỉ, hơn hẳn người dân châu Âu".

Số liệu của HSBC cũng chỉ ra người Trung Quốc chủ yếu mua hàng ngoài đại lục, vì thuế VAT thấp hơn và có thể tận dụng biến động tỷ giá. Trên thực tế, chỉ 10% hàng xa xỉ được mua tại Trung Quốc, nhưng công dân nước này lại đóng góp tới 25% doanh thu hàng xa xỉ toàn cầu.

Tuy nhiên, thuế thấp không phải là lý do duy nhất khiến người dân nước này chuộng ra nước ngoài mua hàng. Trên thực tế, dịch vụ tại các thị trường xa xỉ truyền thống thường tốt hơn, và nạn hàng giả cũng không phổ biến như ở Trung Quốc. Thêm vào đó, họ thường kết hợp mua sắm với du lịch nước ngoài, đặc biệt là vào các kỳ nghỉ. Báo cáo của HSBC cho thấy ở Australia, chi tiêu trung bình của du khách Trung Quốc là 3.000 USD. Trong khi đó, người dân ở Mỹ và châu Âu chỉ chi bằng một phần ba.

HSBC cũng bày tỏ lo ngại về khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng tại Trung Quốc. Các nhà phân tích cho biết: "Khi một đất nước đang vật lộn với GDP bình quân đầu người thấp, thì căng thẳng giữa những người thu nhập cao và thấp sẽ rất dễ nảy sinh. Giới giàu có thích khoe khoang tài sản và địa vị xã hội chắc chắn sẽ khiến người nghèo nổi giận". 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hà Thu (Báo Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN