TPHCM bình ổn không dùng ngân sách

Sự kiện: Hàng Tết 2019

Trong khi Hà Nội và một số địa phương phải tốn hàng trăm tỷ đồng nhà nước để bình ổn giá mà hiệu quả chưa rõ ràng, TPHCM chủ động giảm dần mức vốn hỗ trợ từ ngân sách, rồi dừng hẳn.

Ngân hàng vào cuộc

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết, năm 2013, lần đầu tiên, thành phố không sử dụng vốn ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình bình ổn thị trường Tết. Theo đó, thành phố huy động các ngân hàng cho DN vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa đảm bảo cung cầu ổn định.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, cho biết, đến nay các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã đăng ký lượng vốn 45.000 tỷ đồng để cho DN vay bình ổn thị trường.

Theo Sở Công Thương TPHCM, hiện có 5 ngân hàng tham gia là Agribank (Chi nhánh Lý Thường Kiệt), Eximbank, Sacombank, BIDV (Chi nhánh Bến Thành) và Vietinbank (Chi nhánh 7).  Trong đó, nguồn vốn vay ngắn hạn dưới 12 tháng là 860 tỷ đồng, lãi suất 6%/năm.

TPHCM bình ổn không dùng ngân sách - 1

Trong khi TPHCM đã “cai” được “sữa ngân sách”, Hà Nội vẫn dựa dẫm để bình ổn giá (Một quầy bình ổn giá ở Hà Nội). Ảnh: Thanh Hùng

Nguồn vốn vay trung và dài hạn 1.100 tỷ đồng, lãi suất 10%/năm. Đến nay, có 24 DN tham gia chương trình bình ổn có nhu cầu vay vốn, trong đó phần lớn là các DN kinh doanh lương thực, thực phẩm. Các DN này đã được cấp hạn mức tín dụng gần 469 tỷ đồng.

Tại các chợ truyền thống, do từ đầu năm đến nay, sức mua giảm, nên các DN rất thận trọng trong việc dự trữ hàng hóa Tết. Sở Công Thương phối hợp ngân hàng Sacombank triển khai gói vốn vay 1.500 tỷ đồng với lãi suất 9%/năm đến tiểu thương các chợ truyền thống, DN vừa và nhỏ để hỗ trợ trữ hàng Tết.

Bà Đào cho biết, mặc dù không hỗ trợ vốn ngân sách, song chính quyền thành phố vẫn giới thiệu các DN tham gia bình ổn với ngân hàng để vay vốn nếu có nhu cầu. Tuy nhiên, “việc giới thiệu này không đồng nghĩa với tín chấp cho các DN vay vốn”,bà Đào khẳng định.

Không phụ thuộc ngân sách nhà nước

Bà Lê Ngọc Đào cho biết: Việc kết thúc hỗ trợ vốn đối với DN tham gia chương trình bình ổn nằm trong kế hoạch. Theo đó, thành phố giảm dần mức vốn hỗ trợ từ ngân sách qua các năm. Chẳng hạn, tổng vốn hỗ trợ chương trình bình ổn các mặt hàng lương thực, thực phẩm năm 2012 và Tết 2013 là gần 271 tỷ đồng, giảm mạnh so với 412 tỷ đồng của năm liền kề trước đó.

“Việc giảm dần mức vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nhằm giúp các DN tham gia bình ổn có sự chuẩn bị dần, tránh bị hụt hẫng”, bà Đào nói.     

Nhiều DN cho biết vẫn cố gắng tham gia chương trình bình ổn thị trường, dù không có hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách. Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Co.op Mart, các DN tham gia bình ổn thị trường từ trước đến nay được lợi rất nhiều, nhất là được người tiêu dùng biết đến thương hiệu, sản phẩm.

Qua đó, nhiều DN xây dựng được uy tín của mình. Cho nên, dù giờ đây không được trợ vốn vay (lãi suất 0%) từ ngân sách, nhưng các DN vẫn phải nỗ lực để tiếp tục tham gia bình ổn. Bởi vì nếu dừng lại, DN sẽ lập tức bị người tiêu dùng lãng quên.

Theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Cty Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), chương trình cho vay không lãi để bình ổn thị trường như các năm trước chỉ chiếm 10 - 15% tổng vốn lưu chuyển DN này. Trước đây, ngoài vốn vay không lãi của Nhà nước, DN vẫn phải vay vốn với lãi suất theo thị trường của ngân hàng thương mại. 

Bây giờ, ngân hàng tín nhiệm các DN bình ổn thị trường, nên cho vay vốn toàn bộ với lãi suất ưu đãi. “Cho vay có lãi sẽ giúp DN tăng sức cạnh tranh hơn là việc vay không lãi, để DN ỷ lại “bầu sữa” Nhà nước thì sẽ không lớn mạnh được”, ông Mười nói.

Tại TPHCM, tháng cao điểm phục vụ Tết Giáp Ngọ 2014, tổng giá trị hàng hóa các DN chuẩn bị là trên 3.790 tỷ đồng. Trong đó, hàng bình ổn thị trường trên 2.450 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, khả năng cung ứng hàng hóa phục vụ Tết của các DN tăng bình quân 114% so với kế hoạch thành phố giao và 69,4% so với kết quả thực hiện Tết Quý Tỵ 2013.

Dù không có sự hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách, song số lượng DN tham gia bình ổn thị trường năm 2013 và Tết Nguyên đán 2014 vẫn lên đến 64, tăng 16 DN so với năm ngoái. Lượng vốn các DN này đầu tư sản xuất, dự trữ hàng bình ổn cũng tăng mạnh. Tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng trước và sau Tết Giáp Ngọ là trên 7.580 tỷ đồng, tăng hơn 2.184 tỷ đồng so với Tết Quý Tỵ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đại Dương (Tiền Phong)
Hàng Tết 2019 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN