Hàng bình ổn giá nói không với người nghèo

Sự kiện: Hàng Tết 2019

Dịp Tết năm nay, Hà Nội dành 318 tỷ đồng vốn ưu đãi không lãi suất cho 13 doanh nghiệp thực hiện chương trình bình ổn giá 7 nhóm mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, chương trình này diễn ra ở nội thành, trong khi người thu nhập thấp chủ yếu ở khu vực ngoại thành...

Lộn xộn giá hàng bình ổn

Chương trình bình ổn giá tại Hà Nội được thực hiện theo phương thức chính quyền địa phương tạm ứng vốn ngân sách cho doanh nghiệp tham gia chương trình với lãi suất 0% hỗ trợ lãi suất vốn vay ngân hàng. Đổi lại, doanh nghiệp cam kết trách nhiệm bảo đảm cung cấp hàng hóa thấp hơn 5-10% mặt bằng giá thị trường. Đợt bình ổn giá dịp Tết năm nay có sự tham gia của 13 doanh nghiệp với 7 nhóm mặt hàng thiết yếu là: Gạo tẻ, thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm, thủy hải sản, dầu ăn, rau củ quả (5.500 tấn gạo trắng, 900 tấn thịt lợn, 450 tấn thịt và 6 triệu quả trứng gia cầm, 300 tấn thủy hải sản đông lạnh, 1.500 nghìn lít dầu ăn và 2.000 tấn rau củ…). 

Khảo sát một số điểm bán hàng bình ổn giá, chúng tôi nhận thấy, nhiều điểm bán hàng thiếu hàng hóa như cam kết, giá bán ngang với giá thị trường, cùng mặt hàng nhưng giá tại hai điểm bán bình ổn lại chênh nhau…  

Hàng bình ổn giá nói không với người nghèo - 1

Điểm bán hàng bình ổn giá 131 Nguyễn Phong Sắc, Hà Nội có mặt hàng bình ổn giá cao hơn giá thị trường

"Hàng bình ổn giá là hàng của doanh nghiệp có nguồn gốc rõ ràng, giá được Sở Tài chính chấp thuận, còn hàng ở đại lý địa phương có thể là hàng giả, hàng nhái, không thể phát hiện được bằng mắt thường, nếu mang ra so sánh giá thì vô cùng… “. 

Hoàng Thị Diệu Hồng
Phó trưởng phòng Thương mại,
Sở Công thương Hà Nội

Tại điểm bán hàng 202 Hồ Tùng Mậu (huyện Từ Liêm) treo biển bán hàng bình ổn giá với các nhóm hàng: Gạo, thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản, dầu ăn, rau củ, trứng gà nhưng thực tế chỉ có gạo, dầu ăn và rau củ, sản phẩm rau, củ ở đây cũng không được đóng bao bì ghi nguồn gốc xuất xứ và giá bán cũng không thấp hơn giá thị trường (cải xanh 16.000 đồng/kg, rau muống 10.000 đồng, mùng tơi 12.000 đồng, rau ngót 18.000 đồng…).  Còn tại điểm bán hàng bình ổn giá 131 Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy), nhóm hàng bình ổn giá được xếp lẫn với hàng không bình ổn và giá hàng hóa cũng không thấp hơn giá thị trường. Chị Viên (phường Dịch Vọng, Cầu Giấy), một khách mua hàng cho biết, giá nhiều mặt hàng bình ổn tại đây còn cao hơn bên ngoài. 

So sánh giá một số mặt hàng bình ổn tại hai điểm bán hàng này cũng đã thấy sự khác nhau, như dầu ăn Neptune 1 lít tại 131 Nguyễn Phong Sắc có giá 43.700 đồng, dầu Simply 1 lít giá 45.000 đồng,  còn tại 202 Hồ Tùng Mậu giá lần lượt là 43.000 đồng và 44.000 đồng, trứng gà công nghiệp chênh  400 đồng/quả...

Về vấn đề này, bà Hoàng Thị Diệu Hồng - Phó trưởng Phòng Thương mại (Sở Công thương Hà Nội) cho biết qua các đợt kiểm tra, Sở Công thương đã phát hiện và xử phạt một số doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá vì bày hàng hóa không niêm yết giá, hàng không đảm bảo tiêu chuẩn ngay bên cạnh hàng bình ổn giá.

Chưa đến tay người nghèo 

Mục tiêu của chương trình hướng đến người thu nhập trung bình và thấp, nhưng trên thực tế, những chương trình này chưa mang lợi ích thiết thực cho người thu nhập thấp ở ngoại thành, người lao động tại các khu công nghiệp tập trung, bởi chủ yếu được phân phối tại các siêu thị, cửa hàng nội đô. Theo Sở Công thương Hà Nội, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá đã triển khai được 30 phiên chợ Việt và 440 chuyến hàng lưu động, đưa hàng về nông thôn, khu công nghiệp, chế xuất… Tuy nhiên, theo bà Hoàng Thị Diệu Hồng, doanh số bán hàng không cao và cũng chưa thấy các doanh nghiệp báo cáo về doanh số bán hàng theo dạng này. “Bản thân doanh nghiệp không mấy mặn mà đưa hàng về nông thôn hay khu công nghiệp vì hàng bán được ít lại phải đi xa, lợi nhuận thấp”, bà Hồng cho hay. 

Theo ông Vũ Vinh Phú - nguyên Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, chương trình bình ổn giá hầu như chưa để lại ấn tượng đối với người tiêu dùng vì số lượng hàng hóa chỉ chiếm tỉ trọng quá ít trong tổng lượng hàng trên thị trường và cơ cấu hàng hóa cũng chưa hợp lý. Mặt khác, có những doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn cũng chưa thật sự có trách nhiệm với người tiêu dùng dẫn đến xói mòn lòng tin của người tiêu dùng. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Xiêm
Hàng Tết 2019 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN