Thương nhân ngoại thao túng nông sản

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, từ tháng 5/2011 đến nay, hiện tượng thương nhân nước ngoài (TNNN) vào Việt Nam thu mua nông sản diễn ra trên diện rộng và diễn biến phức tạp. Bên cạnh việc góp phần tiêu thụ nhanh nông sản với giá tốt hơn, đã có không ít hoạt động trái pháp luật gây thiệt hại cho nông dân và sản xuất trong nước, gây bất ổn thị trường.

Có thể thấy một thủ đoạn kinh doanh thường được áp dụng, nhưng gần như lần nào cũng tạo nên sự bất ổn trên thị trường, đó là, đẩy mạnh thu gom với giá cao bất thường gây thiếu nguồn cung cục bộ; khi một mặt hàng nông sản đột biến giá thì người nông dân lại đổ xô phát triển mạnh diện tích gieo trồng, đánh bắt, khai thác… làm phá vỡ các quy họach về sản xuất, tác động xấu đến môi trường làm cạn kiệt nguồn tài nguyên. Sau giai đoạn đẩy giá cao tới mức “không tưởng”, bất ngờ, TNNN ngừng thu mua, khiến hàng hóa ách tắc, giá rớt thê thảm làm cho nhiều nông hộ lâm vào cảnh khó khăn. Ngoài ra, việc TNNN thu mua ồ ạt không phân biệt kích cỡ, chất lượng, chủng loại cũng làm ảnh hưởng đến uy tín cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. “Những hoạt động tạo nên sự lũng đoạn cục bộ trên thị trường làm thiệt hại cho nông dân, ảnh hưởng đến an sinh xã hội”, ông Quyền nói.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP. Cần Thơ cũng cho biết thêm những dẫn chứng cụ thể để minh họa cho ý kiến của ông Quyền. Đó là, gần đây có nhiều TNNN đến mua gạo tại các doanh nghiệp Cần Thơ, sau khi mua, họ yêu cầu các doanh nghiệp trộn gạo chất lượng thấp hơn lên đến 50%. Khi các lô hàng này vận chuyển đến điểm giao hàng đơn vị kiểm tra chất lượng của nước nhập khẩu không cho nhập hàng vì chất lượng không đúng như hợp đồng mua bán, các doanh nghiệp trong nước buộc lòng phải chở hàng quay về, nhưng không dám trình báo cho cơ quan chức năng. Hay như vào thời điểm khoai lang tím Nhật Bản tăng giá mạnh, nhiều nông dân ở huyện Bình Minh (Vĩnh Long) đã sang TP. Cần Thơ thuê đất để trồng, tuy nhiên, đúng như diễn biến mà ông Quyền đã phân tích ở trên, mặt hàng này rớt giá làm các hộ dân đó thua lỗ nặng.

Ông Cao Văn Trọng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, theo số liệu thống kê mới nhất, diện tích trồng dừa của tỉnh đã lên đến 70.000 ha tăng 15.000 ha, so với số liệu thống kê giữa năm 2011. Nguyên nhân của sự gia tăng đó là, có lúc 1 tá dừa có giá 150.000 đồng, tuy nhiên hệ lụy đã đến ngay lập tức, đó là lúc TNNN giảm thu mua, giá dừa giảm chỉ còn bằng 1/10 trước đó (còn 15.000 đồng/chục) và để “cứu” nông dân trồng dừa, tỉnh Bến Tre đã quyết định hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha trồng dừa.

Dân số gia tăng, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa đất sản xuất bị thu hẹp sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ nông sản của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới ngày một tăng cao, do đó, vai trò của nông nghiệp sẽ ngày một lớn, trong đó, trước mắt, việc tận dụng cơ hội sản xuất và xuất khẩu nông sản hàng hóa sẽ góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân. Vấn đề đặt ra trước mắt là, làm sao hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại cho người dân từ sự thao túng, lũng đoạn của các TNNN.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, về văn bản pháp lý, để điều chỉnh các hoạt động mua bán với TNNN tương đối đầy đủ, nhưng khâu tổ chức thực hiện thì có nơi làm chưa tốt, nên đã để xảy ra một số “thương vụ chệch hướng” trong thời gian qua. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành hữu quan và các địa phương trong hoạt động tăng cường quản lý, tuyên truyền để người dân hiểu và tránh những thương vụ không đúng pháp luật. Lâu nay, bà con nông dân thường mua bán theo tập quán là tiền mặt và hợp đồng miệng, chứ chưa có các cam kết bằng hợp đồng có giá trị pháp lý. Đây là một tập quán thương mại cần thiết, đặc biệt trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu. Ngay khi Bộ Công thương sẽ tiến hành một dự án thí điểm về hướng dẫn nông dân tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng, người nông dân đã thực hiện rất tốt, đây là cơ sở để nhân rộng trong thời gian tới. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phú Khởi (Báo đầu tư)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN