Thời gian tới sẽ khan hiếm thực phẩm

Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) vừa chính thức đưa ra dự báo về thị trường thực phẩm trong thời gian tới. Theo nhận định, nhiều khả năng sẽ xảy ra đợt khan hiếm thực phẩm trong vòng mấy tháng tới đây.

Mất ít nhất 15.000 tỷ đồng

Chưa trải qua hết khó khăn do đợt giảm giá trong 3-4 tháng vừa qua, thời điểm này, người chăn nuôi lại đang đối mặt với một khó khăn mới, đó là tình trạng tăng giá giống và thức ăn chăn nuôi (TACN) cho gia súc, gia cầm.

Thời gian tới sẽ khan hiếm thực phẩm - 1

Từ nay đến cuối năm, theo dự báo giá thịt lợn sẽ tăng 20-25%.

Bà Phan Thị Hạnh, ở xã Tam Tiến (Yên Thế - Bắc Giang) cho biết: “Tôi vừa bán hết đàn gà cũ chấp nhận lỗ, đang định mua giống để nuôi lứa mới, nhằm gỡ gạc ít vốn vào cuối năm, thì đùng cái giá gà giống tăng vù vù. Hiện giá gà giống 5 ngày tuổi cũng đã lên tới 9.500 đồng/con, trong khi giá gà thương phẩm lại giảm, chỉ 47.000 đồng/kg, tức là bán 100kg gà thịt, mới mua được khoảng hơn 500 con gà giống”. Chưa hết, giá TACN cũng đang tăng rất nhanh, chỉ từ cuối tháng 8 đến nay, đã tăng thêm 10.000 đồng/bao cám loại 25kg cho gà.

“Hiện gia đình tôi cố gắng tái đàn cũng chỉ đạt khoảng 5.000 con, bằng một nửa so với trước đây, vì thiếu vốn để mua gà giống” - bà Hạnh nói.

Ông Nguyễn Hồng Hà – Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi Alpha (Hưng Yên), chuyên chăn nuôi lợn thịt cho biết: “Lợn siêu nạc bây giờ cũng chỉ 42.000- 43.000 đồng/kg. Song do cả giá lợn giống và TACN đều đang tăng, nên có cố nuôi thêm cũng càng lỗ”.

PGS-TS Nguyễn Đăng Vang – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết: “Ngành chăn nuôi đã sang tháng thứ 7 liên tiếp bị lỗ. Trung bình, mỗi tháng chăn nuôi lỗ khoảng 2.500 tỷ đồng và 6 tháng lỗ ít nhất khoảng 15.000 tỷ đồng. Hiện tại, khu vực phía Bắc lỗ ít hơn, nhưng các tỉnh phía Nam vẫn đang lỗ nặng”. Theo thống kê, giá lợn hơi tại các tỉnh phía Nam chỉ bán được dao động từ 34.000 – 39.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất là 46.000 đồng/kg, trung bình mỗi con lợn 100kg lỗ khoảng 700.000 đồng; gà lông trắng cũng lỗ 5.000 đồng và lông màu 10.000 đồng/kg.

Cần dự trữ thịt từ thời điểm này

Ông Nguyễn Thanh Sơn – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết: “Theo dự báo của chúng tôi, với diễn biến như hiện nay, từ thời điểm này, giá thực phẩm, nhất là thịt lợn sẽ nhích lên. Đặc biệt, trong tháng 9, tháng 10, giá lợn hơi sẽ tăng lên, vì hiện tại lợn từ 80-100kg trong chuồng không còn nhiều”. Cũng theo nhận định của Cục Chăn nuôi, giá gà sẽ tăng từ 10 - 12%, còn lợn dự báo có thể tăng trưởng từ 3 - 3,5% trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Đăng Vang, hiện nay giá TACN tăng 7%, nhưng mức tiêu thụ TACN lại giảm khoảng 5%. Điều đó cho thấy, việc tái đàn của người dân đang giảm mạnh. Nếu không có chính sách kịp thời, nguy cơ thiếu thịt vào dịp cuối năm sẽ xảy ra. Dự báo, giá thịt lợn, gà dịp cuối năm sẽ tăng từ 25-30% do số lượng cung giảm. “Để đối phó với việc thiếu thực phẩm cuối năm, theo tôi cần đưa một lượng thịt đang dư thừa trong thời điểm hiện nay vào hàng dự trữ đông lạnh. Đồng thời, giảm thuế VAT cho thức ăn chăn nuôi để giảm giá thành sản phẩm này và đẩy mạnh việc triển khai gói hỗ trợ 6.000 tỷ đồng cho ngành chăn nuôi” - ông Vang nói.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi phân tích: Khó khăn nhất của ngành chăn nuôi là thức ăn (chiếm 70% giá thành sản phẩm). Chỉ tính từ tháng 8 đến nay, giá TACN đã tăng 2 lần và còn có xu hướng tiếp tục tăng. Một khó khăn nữa, theo ông Trọng là, khoảng 5 ngày trở lại đây, tình trạng nhập lậu gà loại thải từ Trung Quốc đã quay trở lại, trong đó có cả tình trạng nhập con giống. Người chăn nuôi hiện đang gặp nhiều khó khăn để tái đàn sản xuất, phục vụ cho nhu cầu của dịp tết.

Sản lượng thịt giảm hơn 25.000 tấn

Theo thống kê của Bộ NNPTNT, sản xuất chăn nuôi trong tháng 8 tiếp tục gặp nhiều khó khăn kéo dài đến tận thời điểm này do diễn biến của dịch bệnh, ảnh hưởng của tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi khiến cho sức tiêu dùng giảm rõ rệt. Giá thịt lợn, gà, trứng tiếp tục xu hướng giảm, cũng gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả chăn nuôi, dẫn đến tâm lý chăn nuôi cầm chừng, người chăn nuôi không dám mạnh dạn đầu tư tái đàn. Theo ước tính, sản lượng thịt cả nước trong tháng 8 ước đạt 275.000 – 290.000 tấn thịt các loại (giảm khoảng 25.000 tấn so với tháng trước).

Lê Hân

Thương lái Trung Quốc đang “vét” lợn

Theo một lãnh đạo Cục Chăn nuôi, tại thời điểm này, các thương nhân Trung Quốc đang sang nước ta thu mua lợn theo kiểu “vét hàng”. Tại một số nơi, nhiều thương lái đã bắt đầu xuất lợn sang Trung Quốc với giá 40.000-42.000 đồng/kg. Còn tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), giá lợn của Việt Nam bán sang Trung Quốc phổ biến từ 44.000 - 45.000 đồng/kg. Theo thông tin từ các đầu nậu xuất lợn sang Trung Quốc, nước này đang thiếu hụt nên có hiện tượng tận thu lợn từ Việt Nam, nhất là lợn từ 80-100kg. Trung bình, mỗi ngày Trung Quốc nhập khoảng 15 xe, mỗi xe từ 60 -100 con lợn và còn có khả năng tăng thêm nữa.

Phi Long

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Xuân (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN