Thị trường chuyển hướng do thương chiến, hàng Mỹ giá rẻ tràn vào Việt Nam
Sự căng thẳng trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến các thực phẩm từ Mỹ giảm giá nghiêm trọng và xoay chuyển sang thị trường Việt Nam. Điều này có lợi cho người tiêu dùng, nhưng có thể đe dọa những người cung cấp tại địa phương.
Theo SCMP, bà Nguyễn Thị Hạnh chưa bao giờ được ăn cherry trước cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh xảy ra. Là một người về hưu 64 tuổi sống ở Hà Nội, bà thường thấy trái cây Mỹ được bán tại các cửa hàng địa phương, nhưng với mức lương hưu hàng tháng chỉ 5 triệu đồng, hoa quả nhập khẩu nằm ngoài phạm vi tiêu dùng của bà.
Tuy nhiên, những ngày này, bà đã có thể mua cherry với giá khoảng 10USD/kg (khoảng 230.000 VND). “Tôi nghĩ rằng người Việt Nam không đủ khả năng tài chính để mua cherry, vì vậy tôi hy vọng giá sẽ giảm nhiều hơn, nhiều người có thể mua chúng”.
Cherry Mỹ giá rẻ tràn vào Việt Nam (Nguồn: SCMP)
Bùi Thu Thúy, chủ cửa hàng, cho rằng hoa quả nhập khẩu giảm giá do xu thế kinh tế đã vượt ra ngoài biên giới Việt Nam. “Cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam”, chị Thúy nói, khắp cửa hàng của chị là những khay anh đào và táo đỏ của Mỹ.
“Doanh số của cửa hàng đã tăng 30% trong năm 2019 so với cùng kỳ năm ngoái”, chị Thúy nói thêm, “và doanh số cherry bán ra đã tăng lên 40%”.
Cuộc chiến thương mại đã giáng một đòn kinh tế tiêu cực vào ngành nông nghiệp Mỹ do phụ thuộc vào xuất khẩu sang Trung Quốc. Cherry là một trong những thương vong đầu tiên khi Bắc Kinh tung ra mức thuế trả đũa trong cuộc thương chiến này. Theo số liệu của chính quyền địa phương, tiểu bang Washington, (Mỹ) đã bị giảm một nửa sản lượng cherry xuất khẩu sang Trung Quốc.
Các loại trái cây khác bao gồm táo và nho, cũng như các loại thịt và cây trồng chủ lực như đậu nành, đã gặp phải tình trạng tương tự. Ngay cả ngành công nghiệp tôm hùm cũng bị giáng một đòn không hề nhẹ.
Kết quả là, Hoa Kỳ đã xoay chuyển thị trường xuất khẩu của mình sang Việt Nam. Các siêu thị ở thủ đô Hà Nội hiện đang trưng bày hàng loạt các sản phẩm từ Mỹ như nho, việt quất và anh đào với mức giá rất rẻ.
Theo số liệu hải quan, xuất khẩu nông sản của Mỹ sang Việt Nam đã tăng 20% trong nửa đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm ngoái, với mức tăng 70% trong mặt hàng rau quả.
“Tâm lý của người tiêu dùng Việt Nam là họ rất thích các sản phẩm của Mỹ”, Đinh Tiến Thành – CEO doanh nghiệp xuất nhập khẩu Hapro – cho biết. Nhưng ông Thành cũng thừa nhận một số loại thịt mới của Hoa Kỳ có thể thay thế ngành công nghiệp thịt địa phương. Thịt gà nhập khẩu, thịt lợn và đặc biệt là thịt bò thực sự rẻ hơn và có chất lượng không thua kém sản phẩm nội địa.
Thịt bò Mỹ được ưa chuộng tại Việt Nam (Nguồn: SCMP)
Đầu tháng này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã cảnh báo về rủi ro đối với nông nghiệp trong nước, và cho biết đây sẽ là một thách thức đối với ngành công nghiệp thịt Việt Nam.
“Các nhà sản xuất Việt Nam chủ yếu là các hộ gia đình nhỏ với kỹ thuật lạc hậu, vì vậy chất lượng sản phẩm bị hạn chế”, ông Hải cho biết. “Tôi nghĩ đó là một cuộc cạnh tranh khốc liệt và các nhà sản xuất Việt Nam phải học cách cạnh tranh”.
Trước đó, nhiều ngành hàng đã phải lao đao vì cuộc chiến căng thẳng, không khoan nhượng này.