Su hào, củ cải nhổ bỏ vứt đi: Bộ NN&PTNT chính thức lên tiếng

Sự kiện: Kinh Doanh

Những ngày qua, nhiều loại rau vụ xuân như su hào, củ cải ở nhiều địa phương giảm giá đến mức thê thảm. Trước tình trạng này, Cục Trồng trọt đã có báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề xuất giải pháp tháo gỡ. Theo báo cáo này, giá rau giảm chủ yếu do… thời tiết thuận lợi.

Trong báo cáo này, Cục trưởng Nguyễn Hồng Sơn khẳng định, đến nay các địa phương các tỉnh phía Bắc đã thu hoạch xong rau vụ Đông và đã trồng được khoảng 55-80% rau vụ xuân hè theo kế hoạch. Do thời tiết nắng ấm, các loại rau đều sinh trưởng, phát triển rất nhanh, một số loại rau vụ xuân hè đã bắt đầu thu hoạch như rau muống, cải ăn lá ngắn ngày, năng suất đạt khá cao.

Su hào, củ cải nhổ bỏ vứt đi: Bộ NN&PTNT chính thức lên tiếng - 1

Củ cải ế thừa vứt trắng cánh đồng xã Tráng Việt (Mê Linh - Hà Nội). Ảnh: T.L

Tuy nhiên, vào tuần đầu tháng 3, giá rau bắt đầu giảm và đến tuần thứ 2 thì giảm sâu, do 3 nguyên nhân chính:

Thứ nhất, theo quy luật đến cuối vụ Đông, đầu vụ Xuân, khi chuẩn bị kết thúc thời vụ cấy lúa Xuân nông dân đều tận thu toàn bộ rau trên các vùng không chuyên canh (trồng 2 vụ lúa - 1 vụ rau đông) để giải phóng ruộng, chuyển sang cấy lúa Xuân nên lượng rau đến kỳ thu hoạch cung cấp ra thị trường là rất lớn, vượt quá nhu cầu của thị trường.

Thứ hai, do giá rau cao liên tục trong suốt cả 3 lứa rau của vụ Đông, thời vụ để chuyển sang trồng một số loại cây rau màu khác như dưa hấu, dưa lê…còn chưa đến, một số hộ dân tranh thủ trồng 1 vụ rau ưa lạnh vào vụ xuân sớm với hy vọng giá tiếp tục đạt cao đặc biệt vào thời điểm gối vụ. Do thời tiết ấm, cây sinh trưởng nhanh, thời điểm thu hoạch trùng lúc thu vét của rau vụ Đông lứa cuối nên dẫn đến hiện tượng dồn ứ về sản lượng.

Thứ ba, thời tiết những tháng giáp tết thuận lợi, nửa cuối tháng 2 và đầu tháng 3 trời ấm nên tiến độ gieo trồng một số rau ăn lá nhiệt đới trong vụ xuân hè như rau dền, rau muống, mùng tơi,... phát triển rất nhanh; đến đầu tháng 3 nguồn cung khá dồi dào.

Thứ 4 những tháng đầu năm một số nhà máy, trường học chưa làm việc đều, các bếp ăn chưa hoạt động trở lại thường xuyên nên lượng rau tiêu thụ cũng giảm.

Su hào, củ cải nhổ bỏ vứt đi: Bộ NN&PTNT chính thức lên tiếng - 2

Su hào vứt đầy trên đường ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ - Hải Dương). Ảnh: T.L

Tuy nhiên, theo báo cáo của một số Sở NN&PTNT trồng rau chính, diện tích lứa cuối rau vụ Đông và lứa đầu rau vụ Xuân còn không đáng kể; nhiều nhất tại Hà Nội là nơi tiêu thụ rau rất lớn chỉ còn khoảng 1.150 ha, các địa phương khác chỉ còn khoảng 10-15 ha. Như vậy, lượng tồn rất thấp và có thể khẳng định, sản lượng gây ế thừa nghiêm trọng phải chặt bỏ là rất ít.

Trên cơ sở thực tế sản xuất ở các địa phương, Cục Trồng trọt kiến nghị một số giải pháp tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền vận động nông dân trồng rải vụ, lách vụ, giảm diện tích trồng các loại rau khó tiêu thụ trong vụ Xuân sớm giáp vụ đông.

Tăng cường chỉ đạo các mô hình liên kết có bao tiêu sản phẩm trên cơ sở xây dựng các Đề án phát triển sản xuất hàng hoá tập trung nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của tỉnh.

Trước tình hình tiêu thụ rau khó khăn trong vụ Xuân 2018, cần tăng cường thông tin về sản xuất rau, kêu gọi các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm rau để giảm bớt thiệt hại cho nông dân.

Tăng cường chuyển giao các công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch để nông dân có thể kéo dài thời gian thu hoạch, chế biến sản phẩm khi nguồn cung vượt cầu.

Trước mắt, Cục Trồng trọt sẽ có công văn chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát diện tích, sản lượng, đánh giá việc thực hiện liên kết và bao tiêu sản phẩm, cân đối cung cầu, xác định thị trường tiêu thụ để có giải pháp chỉ đạo chặt chẽ, hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất và tiêu thụ chặt chẽ hơn, tiếp tục phát triển sản xuất rau vụ xuân theo khả năng và nhu cầu của thị trường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thơ (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN