Sống chung với 'bão' giá

Nhận định việc tăng giá xăng dầu, các chuyên gia kinh tế cho rằng, kéo theo nó bao giờ cũng là những cơn “bão giá”, bởi xăng dầu là một yếu tố đầu vào quan trọng của nhiều hoạt động kinh tế và tiêu dùng xã hội.

Tính từ đầu năm đến nay, xăng dầu đã có 9 lần điều chỉnh với 4 lần tăng và 5 lần giảm. Tuy nhiên, tổng số 4 lần tăng lên tới 4.300 đồng/lít, còn 5 lần giảm chỉ bớt cho người tiêu dùng vỏn vẹn 3.200 đồng/lít. Điều này khiến chuyên gia lo ngại có khả năng hình thành "thị trường xăng dầu bất bình đẳng".

Gồng mình giữ giá

Nguy cơ tăng thêm số DN giải thể

Theo báo cáo mới nhất của Chính phủ, 7 tháng đầu năm nay, cả nước chỉ có gần 40.000 DN đăng ký thành lập, giảm 11,6% so với cùng kỳ, trong khi đó có đến 30.300 DN phải giải thể do gặp khó khăn. Với tình hình như hiện nay, số lượng DN ngừng hoạt động sẽ còn tăng cao.

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food chuyên sản xuất thủy hải sản đông lạnh, cho rằng, xăng dầu tăng thời điểm này tiếp tục chồng khó khăn lên doanh nghiệp, bởi các yếu tố đầu vào như điện, nước, lương nhân công,… cùng tăng nhưng đầu ra sản phẩm không thể tăng. Theo bà Lâm, xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, rất khó để định % tỷ lệ giá thành sản phẩm, vì nó có tác động dây chuyền khiến các mặt hàng đầu vào khác như thủy sản, rau củ quả, gia vị,… cũng tăng giá chứ không chỉ tính riêng chi phí xăng dầu cho vận chuyển giao nhận. Bà Lâm cho biết DN hiện đang phải hoạt động cầm cự để giữ công nhân chứ không còn lợi nhuận nữa.

Đại diện siêu thị Big C và LOTTEMart dù cho biết chưa nhận bất cứ thông báo nào tăng giá của nhà cung cấp, nhưng cũng đang cố hết sức giữ giá ổn định. Việc điều chỉnh giá, nếu có sẽ diễn ra khoảng sau một tháng nữa, do lượng hàng dự trữ vẫn còn.

Còn các DN kinh doanh vận tải cho biết đang cân nhắc và chờ đợi thêm diễn biến giá xăng dầu trong nước, bởi biên độ điều chỉnh giá xăng dầu đã rút ngắn lại còn 10 ngày, nếu vội vàng điều chỉnh giá cước sẽ không loại trừ, hơn chục ngày sau lại một lần thay đổi. Các DN vận tải hiện tỏ ra khá mệt mỏi khi phải chạy theo giá xăng bởi mỗi lần thay đổi giá cước, chi phí điều chỉnh sẽ đội lên chót vót.

Ông Lương Hoàng Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM, cho biết giá cước vận tải hàng hóa sẽ không tăng dịp này, do biên độ điều chỉnh giá chưa đến 5%. Nhưng cũng vì vậy mà DN vận tải sẽ gặp khó khăn do phải gánh chi phí đội thêm.

Đây cũng là chia sẻ của ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Ánh Dương VN (taxi Vinasun). Đợt tăng giá xăng dầu này hãng sẽ không tăng giá cước. Đối với hoạt động taxi, mỗi lần điều chỉnh giá cước DN chủ quản phải chịu chi phí không nhỏ. Tại Vinasun riêng chi phí để chỉnh lại đồng hồ cũng đã lên tới cả trăm triệu đồng.

Sẽ tăng giá ngầm?

Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho biết mặc dù giá cả hàng hóa vẫn đang ổn định nhưng đó chỉ là tạm thời, và giá sẽ tăng dần dần, bởi độ trễ giá xăng phải có thời gian, chỉ có chi phí vận chuyển tăng sớm hơn. “Những hàng nào mới, độc đáo, có thể bán nhanh, thì sẽ tăng, nhưng sẽ tăng ngầm, tăng thô thiển sẽ chết ngay”, ông Phú nói.

Ông Phú nhận định, sắp tới, nếu sản phẩm nào còn bán được thì các DN sẽ nhập vào, không bán được thì chỉ cho vào một nửa, hoặc sẽ chuyển sang mặt hàng khác. “DN phải tính toán lại phương án kinh doanh nhưng trong trạng thái bị động, không thoải mái”, ông Phú cho biết. Nói về hệ quả của việc tăng giá xăng dầu, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, cho rằng xăng dầu có ảnh hưởng mạnh trực tiếp và gián tiếp đến lạm phát ở Việt Nam, vì đều là “yếu tố đầu vào” của nhiều hoạt động kinh tế và tiêu dùng xã hội. Các động thái từ giá xăng dầu sẽ có ảnh hưởng trước hết và trực tiếp tới chi phí sản xuất của hầu hết các ngành, hoạt động kinh tế có liên quan đến tiêu thụ xăng dầu. Trực tiếp dẫn đến sự điều chỉnh tăng chi phí và giá cả các yếu tố cấu thành hàng hóa, dịch vụ “sản phẩm đầu ra” xã hội. “Mỗi khi giá xăng dầu tăng sẽ trực tiếp và gián tiếp khởi động một vòng xoáy lạm phát đan xen phức tạp, bao gồm lạm phát giá cả, chi phí và tâm lý. Cùng với đó còn bị các chiêu tung tin đồn thất thiệt và đầu cơ sẽ bùng phát, với sự gia tăng giá xăng dầu ở Việt Nam”, ông Phong phân tích.

Giới chuyên gia lo ngại, với sự tăng giá dồn dập của điện, gas và xăng dầu lần này sẽ gây ra hiệu ứng lan truyền tới các hàng hóa khác, thậm chí, đây là cái cớ để thị trường lợi dụng đẩy giá lên. Kết quả là người dân sẽ tập dần thói quen thích ứng với hoàn cảnh là cắt giảm chi tiêu để chạy theo bão giá. Điều này trái ngược với mục tiêu, sự nỗ lực của Nhà nước trong việc cố gắng giải quyết đống hàng tồn kho khổng lồ, kích cầu tiêu dùng.

Tăng giá phải minh bạch

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhìn nhận, việc giảm nhỏ giọt vài trăm đồng trong khi tăng mạnh tới tiền nghìn, thậm chí là vài nghìn là không công bằng. Khi mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh theo giá thị trường thì đương nhiên giá trong nước sẽ căn cứ vào thế giới để biến động. Tuy nhiên, với mức "tăng nhiều, giảm ít" sẽ hình thành thị trường thiếu minh bạch. Do đó, theo ông Doanh, việc cần làm là điều chỉnh đúng quy luật: "Thế giới thế nào, trong nước điều chỉnh tương ứng, tránh hiện tượng các doanh nghiệp 'bắt tay' câu kết tự định giá xăng dầu khiến người tiêu dùng bị thiệt”.

Còn ông Vũ Vinh Phú bày tỏ: “Giá thành bao nhiêu, tồn kho bao nhiêu, tăng giảm thế nào, cứ bảo DN tự định giá và Bộ Tài chính sẽ tham gia, nhưng nửa nạc nửa mỡ quá. Người tiêu dùng không phản đối tăng, nhưng tăng thế nào phải minh bạch. Người ta chống tăng giá bất hợp lý chứ không chống tăng giá minh bạch”, ông Phú bức xúc.

Trong khi đó, theo ông Lương Hoàng Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM, nhiên liệu chiếm 40 - 45% đầu vào đối với hoạt động vận tải hàng hóa, nhưng giá xăng dầu hiện nay rất thiếu minh bạch: tăng nhanh, giảm chậm. Ông Trung nêu nghi vấn: “Tại sao có nhiều DN kinh doanh xăng dầu, hoạt động mỗi DN khác nhau, cơ cấu giá hình thành khác nhau lại cùng tăng giá một lần, mức tăng như nhau? Ngoài ra, hiện nay khi DN xăng dầu tự quyết định giá thì việc duy trì quỹ bình ổn giá xăng dầu là hết sức vô lý. Không thể thu thêm tiền của khách hàng để DN xăng dầu “bình ổn giá” mà việc chi tiêu quỹ này ra sao khách hàng không hề biết”.

CPI liên tục tăng trưởng âm trong hai tháng qua cho thấy sức mua của thị trường vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, khiến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp cũng trì trệ theo. Theo nhận định của các chuyên gia, xăng dầu tăng giá có thể khiến CPI những tháng sắp tới vẫn có nguy cơ tiếp tục âm, do sức mua kiệt quệ của người tiêu dùng và sức khỏe èo uột của các DN.

Ngư dân thêm nỗi lo

Hơn ai hết, ngư dân vẫn là người phải “gánh” nặng nhất khi mỗi ngày họ tiêu thụ một lượng lớn xăng, dầu. Anh Nguyễn Văn Bốn (ngư dân phường Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng) bức xúc: “Hiện đang trong mùa chính vụ, ngư dân phải đối đầu với sự quấy nhiễu của tàu cá Trung Quốc. Xăng dầu tăng giá vào lúc này chẳng khác nào làm khó ngư dân”. Anh Nguyễn Văn Chiến (trú Núi Thành, Quảng Nam, chủ tàu QN-98567) đang neo tàu trên sông Hàn (Đà Nẵng) cho rằng: “Đánh bắt xa bờ ngày càng khó, lượng cá ngày càng ít trong khi chi phí mỗi chuyến đi cao quá nên chúng tôi càng bám biển càng khó. Đó là chưa nói đến những rủi ro trên biển. Việc cho xăng dầu tăng giá trong giai đoạn này là chưa hợp lý, vì họ chỉ mới nghĩ sự lỗ - lãi của các DN kinh doanh xăng dầu mà chưa tính đến sự “nhạy cảm” và hậu quả của việc tăng giá đợt này. Rất mong Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí để chúng tôi có điều kiện bám biển”.

(Đoàn Nguyên).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN