Sốc: Sầu riêng rớt giá còn 8.000 đồng/kg
Hàng trăm tấn sầu đang đến vụ thu hoạch nhưng không thể xuất đi khiến người nông dân điêu đứng.
Hiện nay, người nông dân ở các tỉnh Đắk Nông, Đăk Lăk đang bước vào vụ thu hoạch sầu riêng. Các loại sầu riêng được trồng chủ yếu là sầu riêng hạt truyền thống, sầu riêng Ri6, sầu riêng Moonthong Thái…
Do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên tâm lý người dân cứ có sầu riêng già là cắt đi bán chứ không dám chờ lâu vì thị trường đã bị thu hẹp. Bởi hầu hết người dân không có kho đông lạnh, không có cách nào bảo quản được sản phẩm.
Tuy nhiên, do không tìm được đầu ra nên giá sầu riêng tại vườn đang giảm thê thảm nhưng vẫn không có người mua.
Sầu riêng hỏng do chín và không có nơi tiêu thụ. Ảnh: Dân Trí
Là thương lái thu mua hàng để bán đi các tỉnh, bà Lành cho biết trên VnExpress, năm nay khâu vận chuyển khá khó khăn. TP HCM là nơi tiêu thụ mạnh nhất nhưng bị tắc khâu lưu thông nên hàng khó vận chuyển đến nơi này. Mặt khác, cả tháng nay chợ đầu mối ở TP HCM đóng cửa, không chỉ sầu riêng mà nhiều mặt hàng trái cây khác cũng không thể cung ứng vào. Do đó, thời gian này bà chỉ thu mua với số lượng rất nhỏ và bán tại các chợ trên địa bàn sinh sống.
"Các năm trước, sầu riêng Ri6 và sầu Thái đầu mùa giá tại vườn đã 50.000 - 60.000 đồng một kg, nay giảm hơn một nửa chỉ còn 25.000 - 30.000 đồng một kg, còn sầu riêng hạt chỉ 8.000 - 15.000 đồng", bà Lành cho biết.
Tương tự, anh Huỳnh Nhật Trường, một hộ dân ở huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) vừa cắt bán hơn 5 tấn sầu riêng Ri6 và Moonthong Thái. Anh Trường chia sẻ trên Lao Động, đối với sầu riêng Ri6 thì giá cả giảm mạnh từ 40.000-50.000 đồng năm trước nay chỉ còn 20.000-25.000 đồng/kg. Đối với sầu riêng Moonthong cũng đã giảm khoảng 30-40% so với mọi năm, nay thương lái ở địa phương thu mua với giá 30.000-35.000 đồng/kg.
Cũng lâm vào tình cảnh đó, chị Nguyễn Thị An (xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) bán 60 kg sầu riêng hạt nhưng chỉ được 500.000 đồng. Nếu so với cùng thời điểm năm ngoái, số sầu riêng này có thể giúp chị An thu về hơn 1,2 triệu đồng.
Chị An cho hay, gia đình chị có mấy chục cây sầu riêng giống cũ trồng xen trong rẫy cà phê. Các năm trước, chị thường bán sầu riêng với giá 20.000 - 25.000 đồng/kg. Nhưng năm nay, giá sầu riêng giảm hơn một nửa, chỉ còn dưới 10.000 đồng/kg.
Không chỉ riêng chị An, gần 200 ha sầu riêng của người dân xã Đức Mạnh cũng chung tình cảnh mất giá. Địa phương này đang vào chính vụ sầu riêng nhưng giá của nông sản đang giảm sâu do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Theo một số chủ vựa thu mua trái cây, thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 là nguyên nhân khiến sầu riêng rớt giá.
Hiện nay, sầu riêng vẫn tiêu thụ được nhưng số lượng không nhiều, giá cước vận chuyển bị đẩy lên rất cao buộc đại lý phải giảm giá thu mua để tránh lỗ.
"Sầu riêng không phải là mặt hàng thiết yếu, ăn cũng được không ăn cũng chẳng sao. Cho nên, trong hoàn cảnh dịch bệnh khó khăn như thế này thì người dân sẽ tiết kiệm chi tiêu, hơn nữa việc lưu thông hàng hóa cũng không thuận lợi. Cho nên các mặt hàng không thiết yếu như sầu riêng, bơ bị rớt giá và khó bán trên thị trường cũng là điều tất yếu"- vị cán bộ ngành nông nghiệp huyện Tuy Đức phân tích.
Đang vào vụ thu hoạch nhưng ảnh hưởng COVID-19 khiến hàng trăm tấn sầu riêng chưa tìm được đầu ra. Ảnh: Lao Động
Theo Hội cây ăn quả của tỉnh Đắk Lắk, hiện nay sản lượng sầu riêng Ri6 và sầu riêng truyền thống của các hội viên còn tồn tầm 1.000 tấn. Nhưng giờ các tỉnh đều thực hiện Chỉ thị 16 nên xe vận chuyển trái cây rất khó chở hàng vào, trong khi Đắk Lắk không có kho cấp đông đủ lớn để dự trữ, bảo quản sản phẩm hỗ trợ cho nông dân. Hiện sầu riêng của bà con rụng nhiều nhưng không có người mua.
Theo thống kê của UBND tỉnh Đăk Lăk, hiện tỉnh có hơn 12.000 ha sầu riêng đang vào vụ thu hoạch và sản lượng dự tính 103.000 tấn.
Cũng trong tình trạng tương tự, tỉnh Đắk Nông ước tính còn khoảng 12.000-14.000 tấn sầu riêng đang bước vào thời kỳ thu hoạch.
Sở Công Thương Đắk Nông và Sở Công Thương tỉnh Đăk Lăk đã nhanh chóng chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại 2 tỉnh triển khai thực hiện các hoạt động kết nối hỗ trợ, tiêu thụ sản phẩm nông sản.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông và tỉnh Đăk Lăk sẽ cùng các địa phương sẽ rà soát, thống kê các sản phẩm nông sản để tổng hợp đề nghị Bộ Công thương cũng như các tỉnh bạn hỗ trợ tiêu thụ.
Nguồn: [Link nguồn]
Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến công tác vận chuyển giao thông hàng hoá bị ách tắc, tiểu thương lo ngại...