Rượu “3 không” vẫn len lỏi vào thị trường

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Vụ ngộ độc rượu methanol ở Thường Tín, Hà Nội làm 1 người chết, 4 người nhập viện lại gióng lên hồi chuông báo động với loại rượu chứa cồn công nghiệp đã gây ra nhiều cái chết thương tâm. Sau một thời gian được kiểm soát gắt gao, tình trạng kinh doanh rượu “3 không” (không nhãn mác, không nguồn gốc, không rõ thành phần) lại tràn lan trên thị trường.

Nguy hiểm khi cồn công nghiệp pha thành rượu

Thời gian gần đây, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngộ độc methanol (cồn công nghiệp), trong đó có 4 người ở huyện Thường Tín cùng uống rượu ở một đám cưới. Theo người nhà bệnh nhân, trưa 20/7, cả 4 người này đã ăn tiệc cưới tại gia đình bà N.T.H (xã Tiền Phong, huyện Thường Tín), trong đó có rượu ngâm táo mèo được chủ nhà mua của một người ở TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, với số lượng 30 lít.

Những can rượu “3 không” bị lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ.

Những can rượu “3 không” bị lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ.

Đến 18h15 cùng ngày, 4 người này và một người đàn ông tên là Đ.V.C (56 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) tiếp tục uống số rượu còn lại trong tiệc cưới. Mỗi người uống khoảng nửa lít đến 1 lít rượu, sau đó xuất hiện mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu… được gia đình đưa vào bệnh viện điều trị. Riêng ông Đ.V.C về nhà ngủ, sáng hôm sau có triệu chứng đau bụng, nôn ra máu 2 lần. Đến sáng 23/7, ông C tử vong không rõ nguyên nhân.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, các bệnh nhân vào viện đều có biểu hiện đau đầu, nhìn mờ, nhiễm toan chuyển hoá rất nặng, nồng độ methanol trong máu rất cao. Bên cạnh tổn thương mắt, các bệnh nhân cũng có nguy cơ tổn thương não. Kết quả xét nghiệm mẫu rượu các bệnh nhân uống trong đám cưới cho thấy, nồng độ cồn công nghiệp methanol là 34%, trong khi ethanol chỉ có 14,4%. “Chắc chắn đây là loại rượu rởm được pha với cồn công nghiệp methanol chứ không phải rượu gạo truyền thống”, BS Nguyên nói. Giám đốc Trung tâm Chống độc cho hay, với 4 bệnh nhân này, sau khi được điều trị ra viện, thời gian sau rất có thể vẫn sẽ gặp phải di chứng về thần kinh.

Ngay sau khi tiếp nhận 4 bệnh nhân trên, Trung tâm Chống độc cũng tiếp nhận 1 nam bệnh nhân 49 tuổi ở huyện Phổ Yên, Thái Nguyên ngộ độc rượu methanol. Bệnh nhân này đã uống rượu liên tiếp trong 3 ngày, sau đó nhìn mờ, rối loạn ý thức, được nhập viện trong tình trạng hôn mê và đang phải thở máy, tiên lượng rất nặng, lượng cồn công nghiệp methanol trong máu rất cao.

Ngay sau khi có thông tin ngộ độc rượu tại cỗ cưới ở huyện Thường Tín, Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội đã tiến hành điều tra, lấy 2 mẫu rượu ngâm táo mèo tại gia đình tổ chức đám cưới và tại nhà của một người trong nhóm 5 bệnh nhân gửi cơ quan kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy, hàm lượng methanol có trong 2 mẫu rượu trên gấp hơn 40 lần ngưỡng cho phép. Ngoài ra, 4 bệnh nhân ngộ độc methanol có nồng độ methanol trong máu từ 51mg/dl đến 188,8mg/dl. Rượu ngâm táo mèo là nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc nói trên.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết, tại Trung tâm luôn chứng kiến các mức độ ngộ độc methanol khác nhau. Bên cạnh các ca ngộ độc nặng, còn gặp các ca biểu hiện bình thường, nhưng khi chủ động xét nghiệm thì nồng độ cồn công nghiệp methanol trong máu rất cao và phải lọc máu, giải độc, nếu không các bệnh nhân này chắc chắn sẽ tổn thương một phần mắt và não.

Cần quản lý chặt nguồn hoá chất cồn công nghiệp

Đến một quán ăn ở huyện Đan Phượng (Hà Nội), khi gọi rượu, bà chủ quán mang ra một chai rượu trắng không có nhãn mác và giới thiệu là “rượu quê” tự nấu. Chúng tôi hỏi chủ quán muốn uống rượu Vodka, bà chủ lắc đầu không có và nói rượu tự nấu này vừa ngon vừa đảm bảo chất lượng. Rượu trắng đựng trong vỏ chai lavie được mang ra cho khách uống nhưng không rõ thành phần chiết xuất, nhãn mác.

Rượu “3 không” len lỏi bán ở nhiều quán tạp hoá vùng ven, quán cóc vỉa hè, quán ăn bình dân, hàng quán ở nhiều lễ hội vào dịp đầu năm với giá rẻ. Nhiều người không chú ý, hoặc mải ăn nhậu nên đã “vô tư” uống phải rượu rởm. Theo ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Hà Nội, qua kiểm tra, rượu trôi nổi, rượu không nhãn mác thường bán ở các khu công nghiệp, vùng giáp ranh giữa nông thôn và thành thị, nơi có mật độ dân cư cao, nhiều công nhân, chủ yếu là người có thu nhập thấp. Rượu này thường có giá rẻ, với người lao động ít quan tâm đến chất lượng và nguồn gốc, nên dễ dàng tìm mua. Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra của Cục Quản lý thị trường Hà Nội, không chỉ ở vùng ven, mà tại nhiều nhà hàng ở quận Long Biên, Hà Đông, phát hiện hàng chục can rượu loại 10 lít, 20 lít không rõ nguồn gốc, trong đó có nhiều can, thùng rượu ngâm các loại không nhãn mác bán cho thực khách.

Cồn công nghiệp pha với nước lã thành rượu đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người, nhưng lại là siêu lợi nhuận với những người sản xuất rượu giả. TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết, tại Việt Nam, do nhiều người sử dụng phải rượu rởm mà không biết, nên đến viện thường quá muộn, nặng và tỷ lệ tử vong rất cao, khoảng 30-50%.

Theo Cục An toàn thực phẩm, đơn vị đã yêu cầu Sở Y tế Hà Nội và Sở Y tế Thái Nguyên phối hợp với Sở Công thương hai địa phương điều tra, ngăn chặn việc sử dụng, lưu thông sản phẩm rượu trên địa bàn ngay sau khi có thông tin về 5 người ngộ độc rượu methanol. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, chú trọng cơ sở sản xuất kinh doanh rượu nhỏ lẻ, đặc biệt là các cơ sở nấu rượu thủ công, rượu nhà tự nấu, để ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, không rõ nguồn gốc, không nhãn mác đưa ra lưu thông trên thị trường.

Để kịp thời ngăn chặn nguy cơ tử vong do uống phải rượu rởm, thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra và có biện pháp xử lý kiên quyết, mạnh tay với nơi sản xuất, kinh doanh rượu “3 không”. TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cũng đề xuất cơ quan chức năng cần phải quản lý chặt chẽ hoá chất, quản lý nguồn hoá chất là cồn công nghiệp methanol để không tuồn ra ngoài vào tay kẻ xấu, tránh việc pha thành rượu rởm, cồn sát trùng rởm, gây ngộ độc và ảnh hưởng sức khoẻ cộng đồng nhiều năm qua. Như vậy, mới có thể ngăn chặn triệt để những trường hợp ngộ độc cồn công nghiệp methanol đáng tiếc.

Nguồn: [Link nguồn]

Nước ta đã chi gần 400 triệu USD để nhập rau quả Trung Quốc trong nửa đầu năm nay. Đáng chú ý, bên cạnh những loại giá 'rẻ như bèo' thì một số dòng hàng được bán với giá cao ngất ngưởng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Hằng ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN