Ô tô nhập về Việt Nam giảm cực mạnh

Sự kiện: Giá xe ô tô

Theo Tổng cục Hải quan, số lượng xe ô tô nhập về Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay đạt 28.000 chiếc, tương đương giá trị nhập khẩu đạt 640 triệu USD, giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái về số lượng và giảm 92% về giá trị.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm về số lượng xe nhập khẩu, nhưng nguyên nhân chính được chỉ ra là Nghị định 116/2017. Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VBF) diễn ra hồi tháng 7/2018, ông Toru Kinoshita, Trưởng Nhóm công tác Ôtô và Xe máy, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), cho biết hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhập khẩu, lắp ráp ô tô ở Việt Nam giảm 31% từ khi Nghị định 116 có hiệu lực ngày 1/1/2018.

Ô tô nhập về Việt Nam giảm cực mạnh - 1

Cũng theo ông Toru Kinoshita, các DN gần như đã ngừng toàn bộ việc kinh doanh xe nhập khẩu từ các nước phát triển như Nhật Bản, châu Âu ... trong nửa đầu năm 2018. Hàng loạt đơn hàng xe nhập cho các tháng đầu năm 2018 đã bị hủy.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của Bộ phận Phân tích Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), Nghị định 116 lại gián tiếp thúc đẩy ngành sản xuất ô tô nội địa.

Về tình hình nhập khẩu xe ô tô trong 8 tháng đầu năm 2018, sau 6 tháng vắng bóng trên thị trường Việt Nam, có đến hơn 3.000 xe từ Indonesia nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng 7 và tháng 8. Điều này xuất phát từ việc bộ Giao thông vận tải đã chấp thuận giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại (VTA) được cấp bởi Chính phủ Indonesia. Sau 2 tháng hoàn tất các thủ tục và hồ sơ, xe từ Indonesia đã chính thức được nhập trở lại vào Việt Nam kể từ tháng 7.

Việc phải chờ đợi Bộ GTVT chấp thuận giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại đã khiến nhiều khách hàng mua xe phải chờ đợi hàng tháng mới có thể nhận xe.

Ông Nguyễn Hồng Long (Kim Mã, Hà Nội) cho biết, ông đặt mua một chiếc xe Chevrolet Trailblazer, một mẫu xe mới nhất của GM, từ tháng 6/2018, nhưng phải đợi đến giữa tháng 9/2018 mới có thể nhận bàn giao xe.

Ô tô nhập về Việt Nam giảm cực mạnh - 2

Mẫu xe Chevrolet Trailblazer bản cao cấp nhất.

Sớm hơn cả Indonesia, thị trường xe nhập khẩu từ Thái Lan đã sôi động trở lại từ đầu tháng 3. Tuy nhiên, do 2 tháng đầu năm không có xe nào được nhập khẩu, tổng lượng xe nhập từ thị trường Thái Lan giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ô tô Ấn Độ vắng bóng tại thị trường Việt Nam trong 8 tháng vừa qua. Nhiều khả năng tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra trong những tháng cuối năm do xe nhập khẩu từ thị trường này không được hưởng các ưu đãi thuế như các nước tham gia hiệp định ATIGA. Hơn nữa, nếu như trước đây phần lớn xe nhập khẩu từ Ấn Độ là dòng xe Huyndai Grand 10, đến nay dòng xe này đã được Huyndai Thành Công lắp ráp thay vì nhập khẩu.

Ô tô nhập về Việt Nam giảm cực mạnh - 3

Đối với thị trường Trung Quốc, hầu hết xe nhập khẩu từ thị trường này là các dòng xe tải. Đỉnh điểm là vào năm 2015 có tới 26.000 xe được nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, do chất lượng kém, độ bền thấp cùng với việc phải cạnh tranh với thị trường Việt Nam, từ năm 2015 đến nay, lượng xe nhập từ Trung Quốc giảm dần.

Đến năm 2017, chỉ có 12.000 xe được nhập từ Trung Quốc. Bên cạnh những yếu tố đó, cộng với việc bị ảnh hưởng bởi Nghị định 116, lượng xe nhập từ Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm chỉ đạt 673 chiếc, giảm 87% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường Châu Âu cũng gặp khó khăn từ Nghị định 116 khi hầu như không có chiếc xe hơi nào được nhập từ thị trường này trong 4 tháng đầu năm. Tuy nhiên, vào tháng 5, bộ Giao thông vận tải đã chấp thuận VTA do Liên minh Châu Âu cấp. Do đó, rất có thể 4 tháng cuối năm sẽ chứng kiến sự tăng trưởng nhẹ về số xe nhập khẩu từ châu Âu.

Sau 8 tháng kể từ khi Nghị định 116 chính thức có hiệu lực, chính phủ Nhật Bản vẫn chưa có động thái nào về việc cấp chứng chỉ VTA. Vì vậy, các dòng xe phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Nhật Bản tiếp tục đối mặt với khá nhiều khó khăn.

Có thể kể đến dòng Lexus, với 108 xe được bán ra trong 8 tháng đầu năm 2018, thì có đến 83 xe được các đại lý nhập khẩu từ năm trước, và 25 xe được nhập khẩu từ thị trường Châu Âu.

Ô tô nhập về Việt Nam giảm cực mạnh - 4

Với việc lượng xe nhập từ Nhật Bản giảm 73% so với năm trước, VDSC cho rằng với bối cảnh này, thị trường xe nhập khẩu từ Nhật Bản tiếp tụp ảm đạm trong những tháng tới.

Cũng theo VDSC, việc cấp VTA ở những nước mà Việt Nam là thị trường xuất khẩu quan trọng có xu hướng nhanh hơn ở những nước mà Việt Nam chỉ là thị trường phụ.

Việt Nam là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia. Chính vì vậy, các nước này tỏ ra khá tích cực và chủ động trong việc cấp chứng nhận VTA.

Bên cạnh đó, ưu đãi thuế từ hiệp định ATIGA chính là chất xúc tác để các nước Đông Nam Á nhanh chóng đáp ứng yêu cầu từ Nghị định 116, nhằm xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Do đó, lượng xe nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á sẽ còn tăng mạnh trong 4 tháng tới.

Với các thị trường khác, chính bởi số lượng nhập khẩu không đáng kể là nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong việc cấp chứng chỉ VTA của các nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngân Giang ([Tên nguồn])
Giá xe ô tô Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN