Nông sản Việt bị chê vì giá cao

3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu (XK) nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam đã sụt giảm mạnh. Một trong những nguyên nhân là do bị thị trường nhập khẩu “quay lưng”...

Bị "chê" vì giá cao...

Giá cà phê trong nước đang ở mức hơn 43 triệu đồng/tấn, tăng trung bình hơn 100.000 đồng/tấn so với mức giá trung bình của tháng 1 và tháng 2, đã làm cho các nhà nhập khẩu cà phê của Việt Nam (VN) “quay lưng” hoặc giảm lượng mua và chuyển hướng sang nhập khẩu ở những thị trường khác.

Ông Nguyễn Viết Vinh - Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê - Ca cao VN (Vicofa) cho biết, các nhà nhập khẩu đang chuyển sang mua cà phê của Indonesia do giá bán cà phê của nước này có xu hướng giảm và cạnh tranh hơn do đang vào mùa thu hoạch.

Nông sản Việt bị chê vì giá cao - 1

Giá bán cao nên cà phê Việt Nam đang bị nhiều nhà nhập khẩu “quay lưng”.

Không chỉ cà phê, gạo của VN cũng vậy, nhiều nhà nhập khẩu đang chuyển hướng sang mua của Thái Lan, Ấn Độ... do giá gạo của các nước này cạnh tranh hơn của VN. Ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN cho biết, do thị trường XK gạo bị thu hẹp nên 3 tháng đầu năm nay, VN XK gạo chủ yếu sang Trung Quốc (1/3 lượng gạo trong tổng số 1,5 triệu tấn gạo của quý I là xuất sang Trung Quốc).

Với thị trường châu Phi (thị trường lớn thứ hai của gạo VN) cũng vậy, nhiều nước đã chuyển sang mua gạo của Ấn Độ, Pakistan do gạo của các nước này rẻ hơn VN. “Các nước trên lại có lợi thế về cước phí vận chuyển nên gạo VN dù đưa ra giá ngang bằng cũng không thể cạnh tranh lại để xuất sang châu Phi” - ông Phong nói.

Tương tự, mặt hàng thủy sản XK các nước như Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia liên tục hạ giá thấp hơn VN để cạnh tranh XK, kéo bạn hàng về phía họ. Khó khăn về giá, thị trường bị thu hẹp chưa hết thì các hàng rào kỹ thuật về vệ sinh thực phẩm tại nơi nhập khẩu sản phẩm cũng làm thủy sản VN bị “quay lưng”...

Hạ giá chỉ là tình thế...

3 tháng đầu năm nay, XK các loại nông sản đều giảm cả lượng và giá trị như XK cà phê đạt 447.000 tấn, đạt 909 triệu USD, giảm 21,2% về lượng và 18% về giá trị. Cao su XK 200.000 tấn, đạt 526 triệu USD, giảm 36,9% về lượng và 15,9% về giá trị. Điều ước xuất 42.000 tấn, đạt 239 triệu USD, giảm 58,5% về lượng và 8,7% về giá trị. Gạotuy xuất được 1,38 triệu tấn, tăng 34,3%, nhưng giá trị chỉ đạt 616 triệu USD, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2012.

Trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các nhà XK và để tránh việc bị thị trường quay lưng, nhiều doanh nghiệp VN đã buộc phải hạ thấp giá bán sản phẩm để cạnh tranh, đẩy mạnh XK. Tuy nhiên, “hạ giá thấp cũng chỉ là giải pháp tình thế trước mắt”- GS Võ Tòng Xuân - chuyên gia trong ngành nông nghiệp nói.

Theo ông Xuân, vấn đề quan trọng để cạnh tranh được trong XK nông sản hiện nay là doanh nghiệp cần chủ động tìm thị trường, phải sang tận nước nhập khẩu chào bán, ký kết hợp đồng. “Chúng ta không nên ngồi ở nhà chờ người ta sang hỏi mua, thương lái nước ngoài sang tung hoành. Nếu chủ động giải pháp này thì giá nông sản XK sẽ cao hơn, cạnh tranh hơn”- ông Xuân đúc kết.

Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong cũng cho rằng, dù bị cạnh tranh gay gắt, song các doanh nghiệp vẫn có thể lạc quan, bởi Philippines thông báo sẽ mua hơn 180.000 tấn gạo VN, Ghi nê vừa ký hợp đồng nhập mỗi tháng 20.000 tấn gạo; nhu cầu mua gạo cấp cao, gạo thơm của các nước Tây Phi còn nhiều...

“Trong lúc khó khăn về giá thế này, doanh nghiệp cần làm ăn nghiêm túc, tránh việc trộn gạo thường với gạo thơm để bán giá gạo thơm gây mất uy tín chung” - ông Phong nói.

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch VASEP cũng khuyến cáo, việc tìm kiếm thị trường mới là lối thoát quan trọng. Các doanh nghiệp cần chủ động trong việc tìm thị trường chứ không đơn thuần lệ thuộc vào sự chỉ định của nhà đặt hàng như cách phổ biến hiện nay.

“Nhà nước cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các thị trường XK trọng điểm và có nhiều tiềm năng và các cơ quan quản lý không nên để phát sinh những vấn đề phức tạp mới, chi phí mới và rút gọn được tối đa các thủ tục hành chính để duy trì được lợi thế cạnh tranh cho thủy sản Việt”- ông Dũng đề xuất.

Bà Võ Mai - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam:

“Nhiều ngành nông sản XK của VN đang lệ thuộc vào một vài thị trường XK, nên khi họ chủ động được nguồn nguyên liệu hoặc chuyển hướng nhập khẩu sang các thị trường khác, giảm nhập của VN thì các doanh nghiệp VN sẽ rơi vào thế bị động. Nếu chúng ta không có chiến lược kinh doanh, XK nông sản bài bản thì mối nguy này sẽ ngày một gia tăng”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN