Rộng cửa xuất nông sản

Dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng năm 2013 mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu các sản phẩm nông sản Việt Nam - đó là đánh giá chung của các tham tán thương mại Việt Nam tại nhiều nước.

Thị trường rộng mở

Ông Nguyễn Trung Dũng – Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, các mặt hàng nông sản của Việt Nam rất được ưa chuộng tại Nhật. Tuy nhiên, so với nhu cầu nhập khẩu hàng trăm tỷ USD của nước này, thị phần của Việt Nam chỉ mới chiếm 1,7%. Các sản phẩm rau, củ, quả của Việt Nam được người tiêu dùng Nhật Bản yêu thích vì lý do hợp thị hiếu, bổ dưỡng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
Tuy nhiên, lượng rau quả Việt Nam xuất khẩu vào Nhật cũng còn rất hạn chế, chỉ đạt từ 54 – 55 triệu USD, chiếm một phần rất nhỏ so với nhu cầu nhập khẩu của Nhật Bản hiện nay. Tôm Việt Nam cũng xếp hàng đầu tại Nhật Bản nhưng kim ngạch chỉ mới khoảng 700 triệu USD.

Ông Dũng cũng nói rõ thêm, theo Hiệp định VJEPA, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản nhập khẩu vào Nhật Bản thuộc danh sách được giảm thuế theo lộ trình. Nếu tận dụng được lợi thế này, doanh nghiệp xuất khẩu vào Nhật sẽ giảm được khá nhiều chi phí. Ngoài ra, Nhật Bản gần như không áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, trợ cấp như Mỹ và một số nước EU. “Nhật Bản đã chấp nhận một số cơ sở, phòng kiểm định chất lượng của Việt Nam trên khắp cả nước, giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội xuất khẩu vào thị trường Nhật” - ông Dũng thông tin thêm.

Rộng cửa xuất nông sản - 1

Năm 2013 mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu các sản phẩm nông sản Việt Nam

Ông Nguyễn Bảo – Tham tán thương mại Việt Nam tại Australia cũng cho biết, người dân Australia có nhu cầu mua sắm nhiều thủy sản, thực phẩm chế biến… là những sản phẩm thế mạnh của Việt Nam. “Việt Nam cũng độc quyền phân phối cá tra, cá basa tại Australia, sản phẩm này cũng được nhiều người dân ưa chuộng nhưng tỷ trọng cá Việt Nam trong cơ cấu nhập khẩu thủy sản của Australia vẫn chưa đáng kể” - ông Bảo cho biết. Các tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ, EU… cũng cho rằng, chất lượng sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ngày càng tăng, được nhiều chứng nhận có uy tín trên thế giới là điều kiện rất tốt để doanh nghiệp phát triển thị trường xuất khẩu trong năm tới.

Tránh làm ăn “hớt váng”

Vấn đề, theo các tham tán thương mại, để tận dụng được các cơ hội hiện có, các doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua được lối làm ăn kiểu chộp giật, vốn tồn tại khá lâu trong giới doanh nghiệp xưa nay. Ông Vũ Cường – Tham tán thương mại Việt Nam tại Myanmar nhận xét, không ít doanh nghiệp Việt Nam khi đi đầu tư hoặc xuất khẩu hàng hóa sang các nước đều không tìm hiểu rõ về thị trường, thiếu thông tin, kinh doanh theo kiểu “hớt váng”. Việc này không chỉ dẫn tới nguy cơ mất nhiều thương hiệu quốc gia, mà còn ảnh hưởng tới uy tín của các doanh nghiệp đồng hương khác.

Ông Nguyễn Trung Dũng cho biết:

“Từ cuối tháng 4/2013, nhiều trái cây như thanh long, xoài, măng cụt, bưởi, dứa, chôm chôm... dễ dàng vào Nhật hơn khi dự án về xuất khẩu rau, củ, quả Việt Nam vào Nhật do ngành nông nghiệp 2 nước hợp tác thực hiện kết thúc”.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Bảo thông tin, người tiêu dùng Australia yêu cầu về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao. Cụ thể như có rất nhiều rau, củ, quả Việt Nam xuất khẩu được vào Nhật Bản, Mỹ, EU… nhưng chưa có một sản phẩm rau, củ, quả nào của Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu của thị trường này. Do đó, theo ông Bảo, để phát triển được ở thị Australia, doanh nghiệp phải đầu tư theo chiều sâu, có kế hoạch phát triển lâu dài, nên chọn đến các hội chợ đầu tư, triển lãm sản phẩm phù hợp để tìm hiểu kỹ về thị trường này.

Ông Nguyễn Trung Dũng cũng cho rằng, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào Nhật Bản năm qua gặp nhiều khó khăn do phía Nhật đặt ra nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khi bị phát hiện có hàng vi phạm khi xuất khẩu vào Nhật vẫn không chịu sửa đổi. “Nếu không cẩn thận trong việc chuẩn bị nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu, doanh nghiệp Việt khó tránh những rắc rối không đáng có” - ông Dũng khẳng định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thuận Hải (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN