Nồi cơm điện tách đường có thật “thần kỳ” như quảng cáo?

Sự kiện: Kinh Doanh

Vài tháng trở lại đây, thị trường tiêu dùng xôn xao với loại nồi cơm điện được quảng cáo là có khả năng tách đường, phù hợp với những người béo phì, tiểu đường. Vậy mặt hàng này có thật “thần kỳ” như lời quảng cáo?

Gần đây, nhiều quảng cáo về loại nồi cơm điện có khả năng tách đường, phù hợp với những người mắc bệnh béo phì, tiểu đường, tim mạch trên mạng xã hội khiến người tiêu dùng sốt xình xịch tìm mua.

Theo lời quảng cáo, nguyên lý làm việc của nồi cơm điện tách đường như sau: Ở một nhiệt độ nhất định, các phân tử tinh bột nhanh chóng bị đẩy khỏi gạo và hòa vào trong nước, trong khi tinh bột chậm và các chất dinh dưỡng khác vẫn ở lại. Nồi cơm điện tách đường lúc này sẽ có phát huy chức năng tìm cách tách và loại bỏ tinh bột nhanh, chỉ giữ lại tinh bột chậm.

Nguyên lý hoạt động của nồi cơm điện tách đường

Nguyên lý hoạt động của nồi cơm điện tách đường

Theo đó, loại nồi này có thể tách được 20% – 30% lượng đường trong cơm mà vẫn giữ lại các chất dinh dưỡng. Nhờ vậy mà những người bệnh tiểu đường có thể ăn nhiều cơm mà không lo bị tăng đường huyết.

Cách nấu cơm bằng nồi cơm điện tách đường không khác gì với sử dụng nồi cơm thông thường. Gạo được vo sạch cho vào nồi với một lượng nước vừa đủ, sau đó cắm điện và chờ cơm chín. Phần nước thừa có chứa hàm lượng amylopectin bị tách ra sẽ được chuyển vào lõi dưới của nồi cơm, người dùng có thể bỏ đi hoặc tận dụng để nấu canh.

Khảo sát thị trường, mặt hàng nồi cơm điện tách đường gồm nhiều loại được nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia… với mức giá phổ biến từ 2 – 6 triệu đồng/chiếc. Cá biệt, có loại nhập khẩu từ Nhật Bản giá hơn 20 triệu đồng/chiếc.

Nồi cơm điện tách đường có mức giá phổ biến từ 2-6 triệu đồng/chiếc trên thị trường

Nồi cơm điện tách đường có mức giá phổ biến từ 2-6 triệu đồng/chiếc trên thị trường

Giá cao hơn nhiều so với các loại nồi cơm điện thông thường, nhưng mặt hàng này có thật sự tốt cho sức khỏe như lời quảng cáo?

Theo PGS. TS Phạm Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, nồi cơm điện có khả năng tách được đường khỏi gạo nhưng cũng đồng thời làm mất đi các chất dinh dưỡng khác có trong gạo đặc biệt là vitamin B. Khi đó, người bệnh ăn cơm được nấu từ loại gạo đã bị tách đường có nguy cơ bị thiếu chất, thiếu hụt năng lượng. Theo PGS, hàm lượng đường đơn trong cơm rất ít, nên dù được hòa vào nước cơm thì cũng không đáng bao nhiêu. Chủ yếu là đường "ẩn" dưới dạng tinh bột. Có nghĩa là phải ăn vào cơ thể, được cơ thể tiêu hóa mới chuyển hóa thành đường và gây tăng lượng đường trong máu.

Bên cạnh đó, PGS nhận định, theo quảng cáo, nồi cơm điện tách đường tách được khoảng 20 - 30% lượng đường trong gạo. Trong khi lượng đường trong gạo chỉ chiếm 0,4%. Như vậy, nồi cơm này chỉ tách được lượng đường không đáng kể, không đáng để mua về sử dụng.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, để làm mất đi chất bổ dưỡng ở cơm thì có một cách đơn giản nhất là cho cơm vào tủ lạnh qua đêm rồi lấy ra rang lên ăn. Ở nhiệt độ thấp tinh bột bị chuyển thành kháng tinh bột, nó sẽ không được hấp thụ ở ruột non mà nó trở thành chất xơ chỉ tiêu hóa được ở đại tràng. Từ đó, có thể giảm cân, giảm lượng đường trong tinh bột khi ăn cơm. Do đó, tuy loại nồi cơm tách đường có thể giúp ích cho bệnh nhân tiểu đường trong quá trình điều trị bệnh, nhưng phải hiểu đây là loại cơm mất đi gần hết dưỡng chất.

Bia thật – giả: Nhìn đặc điểm này là nhận biết ra ngay

Theo các chuyên gia, việc sử dụng bia kém chất lượng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hà Kiều ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN