Những "phù thủy“ nông dân đất Việt, cứ trồng cây là cây... “đẻ ra vàng“

Nhờ tài năng 'thiên biến vạn hóa' của mình, những 'phù thủy' nông dân trên khắp miền đất nước đã học hỏi và sáng tạo trong nông nghiệp để trồng nhiều loại cây có khả năng 'đẻ' ra vàng.

Trồng "cột chống trời", mỗi cây dổi cho thu 1 cây vàng

Vườn dổi rộng 2ha của ông Hoàng Thanh Giang (SN 1967) ở xóm La Văn Cầu, xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình tựa như những cột trống trời ở xứ Mường. Giá trị mỗi cây dổi khi đã cho thu hoạch ổn định tương đương 1 cây vàng.

Ông Giang luôn cảm thấy tự hào vì mình là người đầu tiên của đất Mường dám bỏ cả 2ha đất đẹp ra để trồng dổi.

Những "phù thủy“ nông dân đất Việt, cứ trồng cây là cây... “đẻ ra vàng“ - 1

Mỗi gốc dổi sau 20 năm vun trồng có giá trị tương đương 1 cây vàng. 

Ngày đầu ông cuốc đất, đào hố đặt cây, ai cũng cho ông là không hợp thời. Bởi lẽ, trong khi nhà nhà đổ xô trồng cam, trồng bưởi đỏ xứ Mường, thu tiền tỷ mỗi năm, ông lại đi trồng dổi.

Có suy nghĩ rất khác, ông Giang cho rằng, cây dổi có giá trị riêng của nó, không phải ai cũng nhìn ra. Cây dổi vốn là một loài gỗ quý, thớ mịn, không cong vênh và có mùi thơm, chỉ có người giàu mới dám dùng đồ mộc gỗ dổi như cửa, tủ, bàn ghế và làm phản. Hạt dổi nướng than giã nhỏ trộn muối, làm món chấm thịt gà, thịt lợn hoặc nấu canh canh cá măng chua là món ăn độc đáo của người dân vùng Tây Bắc. Hơn nữa, giờ nhà nước đã đóng cửa rừng, sau 10-15 năm, mỗi cây dổi trị giá hơn cả cây vàng.

Hiện ông Giang đã trồng được 300 cây dổi (cả dổi ghép và dổi gieo hạt). "Trồng dổi ghép sau 3 năm cho thu hoạch. Dổi ươm hạt phải 7 năm cây mới bói. Năm nay vườn dổi của tôi đã bói quả. Từ năm sau, mỗi cây dổi tôi chỉ cần thu 2-3kg hạt, với giá bán 2 triệu đồng/kg thì một cây dổi ăn dứt cây cam mà lại nhàn hạ, không mất công chăm sóc", ông Giang cho biết.

“Rau vua” trồng 1 lần thu 10 năm, tiền triệu mỗi ngày

Đó là măng tây xanh, một loại rau mới được người dân ở Hà Nội gọi là “rau vua”. Bởi lẽ loại rau này được xếp vào nhóm rau với công dụng đa chức năng, đặc biệt là rau chỉ xuống giống một lần nhưng nông dân có thể thu hoạch được đến 10 năm.

Là một trong những hộ đi đầu trong phong trào trồng măng tây xanh ở Phú Xuyên, ông Tạ Đình Căn ở xã Hồng Thái hiểu hơn ai hết về hiệu quả kinh tế cũng như công dụng ưu việt của loại cây mới này.

Những "phù thủy“ nông dân đất Việt, cứ trồng cây là cây... “đẻ ra vàng“ - 2

Nghề trồng măng tây xanh đang mang lại thu nhập cao cho người dân xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên (Hà Nội). (Ảnh: IT)

“Măng tây xanh là loại cây khá dễ tính trong sản xuất. Hạt giống sau khi ươm trong bầu khoảng 3 tháng là có thể mang ra trồng. Sau 6 tháng trồng là có thể thu hoạch với mức trung bình 2 kg/sào/ngày. Với giá bán trung bình 80.000 – 100.000 đồng/kg như hiện nay, cây măng tây xanh đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân trong xã” – ông Căn chia sẻ.

Cùng xã với gia đình ông Căn, gia đình bà Phạm Thị Điệu, chủ vườn măng tây xanh 1ha ở thôn Duyên Yết, xã Hồng Thái chia sẻ: "Mỗi ngày tôi thu được trung bình từ 60 – 70kg măng, trừ các khoản chi phí sau xuất còn lãi khoảng 3 triệu đồng".

"Gieo" cây biệt dược phòng the trên vùng đất mỏ, thu nhập hàng tỷ đồng

Từng thất bại đau đớn khi trồng keo nhưng nhờ thuần phục thành công ba kích rừng, ông Lê Công Tiềm ở xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh đã có thu nhập nhiều tỷ đồng với cây được mệnh danh là "biệt dược phòng the" này.

Những "phù thủy“ nông dân đất Việt, cứ trồng cây là cây... “đẻ ra vàng“ - 3

Mỗi gốc cây ba kích sẽ cho thu hoạch 3,5 - 4kg củ tươi, với giá bán từ 200.000 – 250.000 đồng/kg 

Trong suốt quá trình khởi nghiệp, ông Tiềm gặp vô vàn khó khăn. Nhớ nhất, năm 2011, cơn bão lịch sử đổ bổ vào Quảng Ninh, gần 500ha keo trị giá 15 tỷ đồng sắp đến ngày thu hoạch của ông bị quật gãy tan tành. “Nhìn cả rừng keo cây nào cũng bị bão bẻ gẫy làm đôi, làm ba, người đàn ông thép như tôi cũng phải trào nước mắt. Bao tâm huyết, công sức, mồ hôi nước mắt đầu tư vào rừng keo nay bỗng mất trắng”, ông Tiềm nhớ lại.

Những "phù thủy“ nông dân đất Việt, cứ trồng cây là cây... “đẻ ra vàng“ - 4

Năm 2012, ông Tiềm đã đầu tư tiền tỷ vào trồng ba kích tím.

Bước đầu, ông thử nghiệm trồng với diện tích 3ha, mật độ trồng 20.000 cây/ha. Ngay năm đầu tiên, cây ba kích đã sinh trưởng, phát triển tốt.

Ông Tiềm cho hay, sở dĩ giống ba kích tím có giá cao và được thị trường ưa chuộng là bởi củ ba kích tím rất quý. Theo Đông y, ba kích vị cay, chát, ngọt, tính ôn, có tác dụng bổ thận, tráng dương, khỏe gân cốt. Rượu ba kích có tác dụng: tăng cường chức năng sinh lý cho nam giới, bổ thận tráng dương, kiện gân cốt. Người dân địa phương cho rằng ba kích tím là một loại sâm thuộc “biệt dược phòng the”.

Thu 2 triệu/kg từ loại cây quý như vàng

Tam thất là một loại dược liệu quý, được ví đắt giá như vàng và rất "khó tính", đòi hỏi người trồng không chỉ có kỹ thuật mà còn phải kiên trì, bền bỉ từ khâu làm đất, đánh luống đến bón phân tưới nước. Với củ tam thất khô từ 5-7 năm tuổi trở lên, giá bán có thể lên tới 2 triệu đồng/kg.

Những "phù thủy“ nông dân đất Việt, cứ trồng cây là cây... “đẻ ra vàng“ - 5

Cây tam thất thường ra hoa mỗi năm 1 lần vào tháng 7-8 dương lịch. Củ tam thất càng lâu năm, càng quý, giá bán có thể lên tới vài triệu đồng/kg. (Ảnh: I.T)

Sau hơn 2 năm trồng và chăm sóc, cây tam thất tại huyện Si Ma Cai (Lào Cai) này đã cho thu hoạch. Trước đó, từ tháng 11/2014, 10 hộ dân tại 2 xã là Mản Thẩn và Nàn Sán đã đầu tư trồng cây tam thất với diện tích trên 5,5ha. Đến nay, người dân bắt đầu thu hoạch tủ tam thất tươi, ước tính năng suất đạt 3 tấn củ/ha.

Theo tìm hiểu, trên thị trường củ tam thất từ 5 - 7 năm tuổi trở lên có giá bán rất đắt đỏ, dao động từ 1,5 - 2,5 triệu đồng/kg, tùy kích cỡ. Củ tam thất càng lâu năm, càng quý và được nhiều người săn lùng. Theo đó, giá tam thất loại 80 củ/kg ở mức 1,9 triệu đồng/kg; loại 70 củ/kg giá 2,1 triệu đồng/kg...

Đặc biệt, lá và hoa tam thất cũng rất quý, có tác dụng bồi bổ sức khỏe và chữa nhiều chứng bệnh thường gặp ở người cao tuổi, phụ nữ tuổi mãn kinh hay những người chịu nhiều áp lực công việc như mất ngủ, huyết áp cao, thiếu máu... Trong đó, hoa tam thất bao tử và nụ tam thất bao tử là 2 loại đắt nhất do có chất lượng tốt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Anh Đức (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN