Những “khoảng trống” của ngành nấm

Có thể nhận thấy, ngành nấm nước ta hiện đang tồn tại quá nhiều “khoảng trống”, từ cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển cho đến công tác nghiên cứu khoa học về nấm đều gần như bị bỏ quên.

Bỏ quên nghiên cứu nấm

 

Theo Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp), ngành nấm chậm phát triển do chúng ta quá thiếu nguồn nhân lực chuyên sâu về nấm. “Cả nước chưa có bất kỳ nơi nào đào tạo ngành nấm, từ bậc sơ cấp nghề cho tới đại học, cũng chưa có viện nghiên cứu nấm quốc gia. Phần lớn chúng tôi phải tự nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, còn người trồng nấm thì vừa học vừa làm là chính” – ông Lê Hồng Vinh – Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật cho biết.

Được biết, trung tâm này đã nghiên cứu chọn tạo và xây dựng quy trình nhân giống, nuôi trồng được 16 loại nấm ăn, nấm dược liệu, trong đó Bộ NNPTNT đã công nhận chính thức 5 giống. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học về nấm khác rất ít ỏi; cả nước mới có khoảng 40 cơ sở có phòng nhân giống cấp II, III; việc cơ giới hóa trong sản xuất nấm và nghiên cứu về sâu bệnh nấm gần như bị bỏ quên.

Đặc biệt là với các hộ sản xuất nấm thương phẩm, 3 cái khó thường trực của họ là dịch bệnh, không bảo quản được và đầu ra thì bấp bênh. Bà Phạm Thị Cúc – Giám đốc Công ty T&B (Ninh Bình) cho biết: “Thường thì sau hơn 1 tháng, nấm sẽ cho thu hoạch, nhưng có vụ sản lượng giảm tới 1/3 do bị sâu bệnh tấn công.

Ngoài ra, nấm sò, nấm mỡ như chỗ chúng tôi đang trồng lại chưa có công nghệ bảo quản tốt nên sau khi thu hoạch là phải bán ngay. Cũng vì lý do này mà thương lái thường xuyên ép giá người trồng, nhưng không bán cho họ thì biết bán cho ai?...”. Cũng theo bà Cúc, công nghệ phổ biến nhất trong ngành nấm hiện nay là… phơi khô.

Những “khoảng trống” của ngành nấm - 1

Mô hình trồng nấm linh chi của HTX Nấm Khánh Phú (Yên Khánh, Ninh Bình).

Chậm do thiếu nguồn lực?

Mặc dù đã được chọn là sản phẩm quốc gia, nhưng sau gần 2 năm triển khai, đề án khung phát triển sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu do Bộ NNPTNT xây dựng vẫn giậm chân tại chỗ, những khó khăn của ngành chưa hề được giải quyết.

Ông Nguyễn Trí Ngọc – Viện trưởng Viện Nghiên cứu nông lâm nghiệp Thành Tây, người từng tham gia xây dựng đề án này cho biết: Mục tiêu cụ thể mà ngành nông nghiệp đưa ra là tới năm 2015, sản lượng nấm các loại sẽ đạt 400.000 tấn, trong đó 25% xuất khẩu; tới năm 2020 là 1 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu khoảng 1 tỷ USD. Nhưng thực tế cho thấy, tiến độ thực hiện đề án quá ì ạch, chưa đi vào thực tế.

"Để giải quyết được những khó khăn trong sản xuất nấm, ngay từ lúc này ngành nông nghiệp phải nhanh chóng tổ chức lại sản xuất, trong đó tập trung vào kỹ thuật, giống, máy móc công nghệ...”.

Ông Cổ Đức Trọng

Ông Cổ Đức Trọng – Giám đốc Công ty TNHH Linh chi Vina – người trồng nấm linh chi đầu tiên ở Việt Nam nêu lên một thực tế: “Quyết định có đã lâu rồi, Cục Trồng trọt đã tổ chức nhiều hội nghị khắp từ Bắc tới Nam, nhưng đến nay chương trình vẫn đi theo chương trình, quản lý đi đường quản lý, còn các đơn vị sản xuất, HTX, trang trại thì đi theo con đường riêng của họ. Nghĩa là chưa có liên kết gì với nhau. Chủ trương vẫn thực hiện trong hội thảo, nhưng sau hội thảo thì việc ai nấy làm”.

Tương tự, ông Trương Văn Mười – Giám đốc Công ty CP Việt Mỹ cho biết thêm: “Nhà nước đã bước đầu quan tâm tới phát triển ngành nấm, nhưng để trở thành sản phẩm quốc gia thì còn rất nhiêu khê. Chúng tôi lâu nay cũng mang đề án đi nói chuyện với nhau cho… vui, chứ đề án chưa có tác động gì tới sản xuất. Nông dân thì chỉ biết sản xuất theo lối mòn, làm được bao nhiêu hay bấy nhiêu”.

Đem câu chuyện trên trao đổi với Cục Trồng trọt – đơn vị được giao phối hợp với các ban ngành liên quan triển khai đề án sản phẩm nấm quốc gia, ông Phạm Đồng Quảng - Phó Cục trưởng cho biết: “Sở dĩ đề án chậm đi vào thực tế là do thiếu nguồn lực. Dự kiến tổng nguồn vốn triển khai đề án khung là 6.900 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 650 tỷ; kinh phí từ doanh nghiệp, nông dân, vốn vay tín dụng là 6.250 tỷ, nhưng do thời gian qua ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn nên các đơn vị không có vốn để thực hiện”.

Tuy nhiên, theo ông Cổ Đức Trọng, nguyên nhân sâu xa không phải do thiếu vốn. “Tiền của các công ty hay những người muốn nhảy vào ngành nấm thực ra không thiếu; về trang thiết bị máy móc, giống nấm, kỹ thuật, nước ta thiếu thì có thể nhập khẩu, mời chuyên gia nước ngoài về hướng dẫn. Nhưng tại sao ngành nấm vẫn chậm phát triển?

Đó là vì người trồng nấm quá thiếu kinh nghiệm, mà kinh nghiệm thì phải có thời gian. Nấm là loại cây trồng khá khó tính, đôi khi cũng “nhức đầu sổ mũi” như con người, chuyên gia nhìn là bắt bệnh được ngay, còn nông dân chỉ qua khóa học ngắn như kiểu “xóa mù” thì không thể biết được. Vì vậy mà chuyên gia đi rồi, thì nấm cũng “đi” theo”.

Rõ ràng, những gian nan ở phía trước trong câu chuyện xây dựng thương hiệu quốc gia cho cây nấm có thể nhìn thấy rõ, bởi ngay cả đối với những nông sản chủ lực giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu trong xuất khẩu nông sản như gạo, cà phê, cao su, cá tra… thì cũng chưa sản phẩm nào có thương hiệu quốc gia, dẫn tới những cú thua đau trên thị trường thế giới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Huệ (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN