Nhiều mặt hàng ''rủ nhau'' tăng giá

Giá nguyên liệu đầu vào từ xăng dầu đến gas tăng khiến nhiều hàng quán tăng giá bán hàng hóa hoặc cắt giảm các gói khuyến mãi.

Xăng, gas, nguyên vật liệu… đồng loạt tăng giá sốc khiến nhiều hàng quán, doanh nghiệp phải tính toán tới việc tăng giá bán sản phẩm.

Tình trạng này đang và sẽ gây áp lực lớn lên chi tiêu của người tiêu dùng, đồng thời tăng gánh nặng cho người kinh doanh, nhất là trong bối cảnh phục hồi sản xuất kinh doanh sau thời gian dài giãn cách xã hội.

Từ sợi bún, ly trà sữa đến chai dầu ăn… cũng tăng giá bán

Sau nhiều tháng bị đóng cửa, những tiểu thương khu chợ tạm Thạch Đà và chợ tự phát xung quanh con đường Phạm Văn Chiêu (Gò Vấp) cũng bắt đầu hoạt động trở lại. Tuy nhiên, họ khá dè dặt trong việc nhập hàng về nhiều.

“Sau dịch, ngỡ là hàng hóa sẽ về lại mức bình thường nhưng chi phí nguyên, nhiên liệu tăng khiến các đầu mối cũng tăng giá thực phẩm tươi sống, rau xanh lên 5-20%, buộc chúng tôi phải tăng mức giá bán lẻ nếu không thì lỗ vốn”- chị Hồng, tiểu thương tại chợ tự phát nói.

Cụ thể theo chị Hồng, giá các loại cải tăng thêm 5.000 đồng/kg, cải ngọt đang được bán với giá 40.000- 44.000 đồng/kg, hành lá hơn 80.000 đồng/kg….

Trong khi đó, các mặt khác cũng có sự điều chỉnh giá theo thị trường. Giá bún tươi tăng nhẹ 2.000-3.000 đồng/kg. Dầu ăn cũng liên tục điều chỉnh giá. Tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, dầu ăn Tường An 1 lít có giá 47.000 đồng, Neptune 1 lít 52.000 đồng, dầu ăn Simply 1 lít 56.000 đồng/chai. So với thời điểm đầu tháng 5, mỗi chai dầu ăn đều tăng giá 3.000-5.000 đồng/chai tùy loại và đang có xu hướng tăng thêm.

Dù chỉ bán trà sữa vỉa hè với phân khúc bình dân từ 15.000-20.000 đồng/ly, nhưng chị Thảo Quỳnh (phường 15, Gò Vấp) cũng buộc phải bỏ mức giá 15.000 đồng/ly chỉ bán một loại 20.000 đồng do giá gas cũng như nguyên liệu để nấu trà sữa tăng.

Nguyên-nhiên liệu đầu vào tăng cao gây sức ép tới giá bán và khả năng mua sắm của người tiêu dùng. Ảnh: Ngọc Lài

Nguyên-nhiên liệu đầu vào tăng cao gây sức ép tới giá bán và khả năng mua sắm của người tiêu dùng. Ảnh: Ngọc Lài

Doanh nghiệp tính toán cắt giảm khuyến mãi vì sức ép giá cả

Giá cả tăng nhanh ngay thời điểm đang phục hồi kinh tế khiến các nhà bán lẻ, chuỗi thương hiệu thực phẩm, nước uống (F&B) và doanh nghiệp thực phẩm lo lắng, tính toán đến chuyện cắt giảm khuyến mãi hoặc tăng giá bán sản phẩm trong thời gian tới.

Đại diện thương hiệu trà sữa Gong Cha cho biết công ty đang tính toán việc tăng giá bán sản phẩm vào năm sau trước sức ép “bộ ba tăng giá” gồm nguyên liệu nhập khẩu, cước phí vận chuyển tàu thuyền quốc tế và vận chuyển nội thành.

“Tất cả đang là áp lực đối với công ty trong bối cảnh tình hình kinh doanh chỉ mới ghi nhận có doanh thu sau nhiều tháng đóng cửa và đang phục hồi tầm 50-60%” - vị này chia sẻ.

Trong khi đó, đại diện một hãng đồ nướng tự chọn lại đưa ra kế hoạch cắt giảm khuyến mãi đối với người tiêu dùng, bỏ bớt một gói combo giá rẻ để cân bằng chi phí cho nhà hàng.

Ngay cả những doanh nghiệp lớn như Ba Huân cũng cân nhắc sẽ tăng giá bán đầu ra. Bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân cho hay, hiện nay sức mua đang giảm mạnh vì các đơn vị đối tác chưa mở cửa trở lại hoặc hạn chế hoạt động. Trong khi đó, chi phí đầu vào các sản phẩm đã tăng hơn 20%. Hiện tại doanh nghiệp này vẫn đang cố gắng giữ giá ban đầu.

“Nếu thời gian tới giá nguyên liệu vẫn tăng mạnh thì bắt buộc doanh nghiệp phải tăng giá. Chúng tôi chỉ mong sức mua của thị trường tăng lên để giữ giá ổn định chứ không mong tăng giá khi nhu cầu tiêu dùng quá thấp” - bà nói.

Theo tính toán của Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), tính đến cuối tháng 8-2021, giá xăng dầu tăng 28%, giá nguyên vật liệu nông nghiệp dạng thô tăng 6%, giá hàng hóa nhiên liệu đã tăng 33%, giá hàng hóa đầu vào cho sản xuất công nghiệp tăng 11% và giá hàng hóa phi nhiên liệu tăng 11% so với đầu năm 2021.

VEPR cũng dự báo áp lực lạm phát có xu hướng gia tăng trong những tháng cuối năm do sự gia tăng mạnh của giá sản xuất trong thời gian qua sẽ dần được chuyển vào giá tiêu dùng. Tình trạng này chỉ được hạn chế nếu dịch COVID-19 được khống chế. 

Nguồn: [Link nguồn]

Giá mía tăng kỷ lục, nông dân phấn khởi sau nhiều năm thua lỗ

Hiệp hội Mía đường Việt Nam đề nghị các đơn vị đưa ra mức giá thu mua mía đảm bảo nông dân có nguồn thu nhập đủ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thu Hà ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN