Nhiều kẽ hở trong kiểm tra hàng hóa siêu thị

Một năm siêu thị chỉ kiểm tra đột xuất nhà cung cấp vài lần, thế nên chất lượng hàng hóa thực chất là do nhà cung cấp quyết định.

Với mô hình bán lẻ hiện đại, siêu thị trở thành kênh mua sắm mang đến sự thuận lợi, an tâm về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, việc đòi hỏi siêu thị phải đảm bảo 100% tuyệt đối về tính an toàn chất lượng hàng hóa là rất khó.

Siêu thị kiểm tra chặt đầu vào

Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc đối ngoại Metro Cash&Carry, cho biết tất cả hàng thực phẩm chế biến đều phải có hồ sơ chất lượng phù hợp theo quy định pháp luật. Gồm hồ sơ công bố chất lượng, hồ sơ công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm được cấp bởi cơ quan chức năng. Đối với sản phẩm thịt, công ty chỉ được thu mua từ các nhà cung cấp có sản phẩm được giết mổ tại các cơ sở được chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y, tất cả lô sản phẩm phân phối phải có giấy chứng nhận kiểm dịch cấp bởi cơ quan thú y địa phương.

Còn theo đại diện của Big C, điều kiện để đưa mặt hàng nông sản rau củ quả, phi thực thẩm, thực phẩm chế biến… vào siêu thị đó là nhà cung cấp uy tín, sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Nhà cung cấp phải thỏa mãn các kiểm tra của Big C và Nhà nước về mặt chất lượng kiểm tra ngẫu nhiên, định kỳ. Doanh nghiệp (DN) phải có hóa đơn đỏ hoặc chứng minh là hộ nông dân trực tiếp sản xuất, trồng trọt… Đối với thực phẩm chế biến sẵn hoặc sản phẩm sử dụng trong ngày, nếu không được tiêu thụ hết thì sẽ tiêu hủy.

Đại diện Co.opmart cũng cho biết khi hàng nhập vào siêu thị phải có đầy đủ giấy tờ theo quy định. Khi hàng về kho siêu thị lấy mẫu để kiểm tra, nếu đạt thì mới đưa lên kệ hàng trong siêu thị, trong quá trình bán có những đoàn thanh tra đột xuất đến kiểm tra… Vì vậy những sản phẩm nào có vấn đề sẽ bị ngưng ngay.

Nhiều kẽ hở trong kiểm tra hàng hóa siêu thị - 1

Người tiêu dùng cũng cần tự bảo vệ mình bằng việc lưu giữ hóa đơn mua sắm. Ảnh: TÚ UYÊN

Kiểm tra một năm vài lần

Mặc dù các siêu thị cho rằng hàng hóa luôn được kiểm tra kỹ lưỡng, thế nhưng thực chất không hoàn toàn như vậy.

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food, cho hay đối với các hàng đóng gói ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định thì họ (siêu thị) kiểm tra cảm quan là bao bì hoàn chỉnh có hút chân không hay không... DN tự công bố chất lượng sản phẩm và tự chịu trách nhiệm khi bán cho người tiêu dùng (NTD).

Một DN cung cấp thực phẩm chế biến chia sẻ thêm, siêu thị rất quan tâm đến nhãn hàng riêng nên họ kiểm tra kỹ, còn hàng của DN thì ngược lại. Một năm có khi đến kiểm tra vài lần đánh giá quy trình sản xuất của DN như thế nào.

Với việc kiểm soát hàng hóa từ các nhà cung cấp mỗi năm vài lần như vậy cũng không loại trừ khả năng ban đầu nhà cung cấp làm ra hàng tốt để cung ứng nhưng những đợt sau thì giảm lại. DN chế biến thực phẩm trên nói thêm: “Siêu thị có cả ngàn chủng loại sản phẩm, nhân lực cũng có hạn thì làm sao có thể kiểm tra hết 100%. Cũng như nguyên tắc kiểm tra theo tỉ lệ phần trăm, do đó việc lọt sản phẩm kém chất lượng cũng dễ hiểu”.

Cùng quan điểm trên, ông Lê Văn Hà, chuyên gia trong ngành bán lẻ, có nhận định hàng kém chất lượng có thể lọt vào siêu thị là do siêu thị cũng chỉ kiểm soát được một số chỉ tiêu chất lượng nhất định. Bên cạnh đó, quy mô các nhà cung cấp hoạt động còn nhỏ thì rất khó kiểm soát đồng nhất chất lượng.

Một số ý kiến khác cho rằng đối với thực phẩm không đóng gói thì việc nhà sản xuất cố tình trộn hàng không đúng như cam kết với siêu thị cũng có khả năng xảy ra. Ví du,̣ đối với rau, củ được siêu thị công bố là hàng đạt chuẩn VietGap, NTD nhìn thấy sản phẩm có trong bao bì, nguồn gốc xuất xứ… nhưng giữa sản phẩm đạt VietGap hay rau, củ không theo chuẩn VietGap bằng mắt thường thì không thể phân biệt được. Nếu không có công cụ kiểm tra nhanh thì loại nào cũng như nhau.

Trách nhiệm thuộc nhà bán lẻ

Một số nhà bán lẻ cho rằng khi khách hàng có khiếu nại về chất lượng hàng hóa, siêu thị sẽ phối hợp với đại diện nhà cung cấp cùng khách hàng kiểm tra lại tình trạng sản phẩm để xác định nguyên nhân gây hư hỏng. Đối với các sản phẩm không đạt yêu cầu, siêu thị sẽ đổi hàng hoặc hoàn tiền lại khách hàng với các mức giá tương ứng. Đối với thực phẩm, sẽ lấy mẫu xét nghiệm tại các phòng xét nghiệm độc lập trong trường hợp cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam (Vinastas), đúng là có nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan dẫn đến hàng kém chất lượng có mặt ở siêu thị. Tuy nhiên, NTD không mấy quan tâm đến cách quản lý của siêu thị. Trên nguyên tắc bảo vệ lợi ích chính đáng của NTD, những người kinh doanh phải chịu trách nhiệm về chất lượng, tính hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mà mình kinh doanh.

“Hàng hóa trong siêu thị kém chất lượng chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ, khoảng vài phần trăm. Không có nơi nào có thể đảm bảo tuyệt đối 100% vì sẽ có rủi ro không biết trước được. Tuy nhiên, siêu thị là nơi có thể chịu trách nhiệm về những hậu quả gây ra cho NTD. Họ có thể truy cứu được nguồn gốc và có những giải quyết để đảm bảo tốt nhất cho quyền lợi NTD” - ông Hồ Minh Chính, Giám đốc Trung tâm Đào tạo bán hàng chuyên nghiệp KAS, nhấn mạnh.

Theo ông Lê Văn Hà, bản thân các siêu thị cũng muốn bán sản phẩm tốt cho NTD vì đây là yếu tố tạo nên sự khác biệt uy tín của họ. Có những siêu thị hiểu được bản chất của những vấn đề nhạy cảm nên thường xuyên thực hiện lưu chuyển nhân viên ở các bộ phận để giảm thiểu mối quan hệ giữa nhà cung cấp với nhân viên để tránh bắt tay đưa hàng hóa kém chất lượng vào. Họ cũng thường xuyên kiểm soát chất lượng, gây sức ép với các nhà cung cấp để chất lượng ngày càng được nâng cao. Thế nhưng vì hệ thống kiểm soát cũng có hạn, ban đầu thực hiện tốt nhưng dần dần hệ thống kiểm soát cũng bị méo mó là do con người.

Theo các chuyên gia khác ở các nước châu Âu, an toàn vệ sinh thực phẩm được kiểm soát rất gắt gao nhưng cũng có khi xảy ra những rủi ro như thịt bò điên, thịt ngựa giả thịt bò... Vì vậy hệ thống bán lẻ ở Việt Nam có thể kiểm soát các tiêu chí tiêu chuẩn rộng hơn so với những quy định bắt buộc mà Nhà nước đang có. Hướng tới những nhà cung cấp có quy mô sản xuất lớn lúc đó sẽ kiểm soát tính đồng nhất ổn định về chất lượng.

Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD TP.HCM:

NTD cần đòi hóa đơn

Hội nhận được rất ít khiếu nại của NTD liên quan đến hàng hóa kém chất lượng trong siêu thị. Để đảm bảo quyền lợi của mình, NTD mua bất cứ hàng hóa nào cũng nên đòi hóa đơn. Vì có trường hợp NTD mua một võng xếp nhưng không lấy hóa đơn, khi về nhà móc thì bị gãy, khi đem đến cửa hàng không nhận là mua hàng tại đây. NTD đem đến thương hiệu này mới biết đó là hàng giả nên không thể giải quyết gì cho NTD.

Thái độ xử lý cần chuyên nghiệp

Vinastas cũng từng nhận được các khiếu nại của NTD đối với một số mặt hàng nào đó khi mua trong siêu thị. Chẳng hạn như trường hợp một NTD khiếu nại việc mua thịt bò ở một siêu thị tại TP Hải Phòng phát hiện có viên đạn bên trong. Sau khi tiếp nhận đơn khiếu nại, công ty đã có giải thích đầy đủ thông tin về lô hàng và có đền bù thỏa đáng. Qua đó cho thấy vấn đề ở chỗ thái độ ứng xử có trách nhiệm. NTD khó chấp nhận thái độ quanh co đổ lỗi mà siêu thị chưa dám nhận trách nhiệm về mình để từ đó tìm biện pháp khắc phục.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TÚ UYÊN (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN