Nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn áp đảo

Trong khi xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc trong tháng 7/2014 chỉ tăng 16,9%, thì nhập khẩu từ thị trường này gần gấp đôi, chiếm tới 28,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra chiều 4/8 tại Hà Nội.

Số liệu thống kê của ngành công thương cho thấy, tháng 7 kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 12,4 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng 6 và tăng 7,7% so với tháng 7/2013. Trong đó xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 7,5 tỷ USD, tăng 0,5% so với tháng 6 và tăng 8% so với tháng 7/2013.

Nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn áp đảo - 1

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu nguyên liệu sản xuất chính của DN Việt Nam

Tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 83,5 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2013, tương đương 10,3 tỷ USD.

Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, tăng 21,9% và chiếm tỷ trọng 18,9%. Thị trường EU tăng 13,4%, chiếm tỷ trọng 18,6%. Trong số các thị trường châu Á, thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, tăng 16,9% trong tháng 7, chiếm 10,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 12,65 tỷ USD, tăng 1,8% so với tháng 6 và tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của các DN có vốn đầu tư nước ngoài ước 7,05 tỷ USD, tăng 3% so với tháng 6 và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2013.

Tính chung 7 tháng, kim ngạch nhập khẩu đạt 82,25 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ 2013. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 46,05 tỷ USD, tăng 10,3% còn các DN trong nước chỉ đạt 36,2 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ 2013.

Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của khối doanh nghiệp FDI là điện thoại các loại và linh kiện, chiếm 85% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của cả nước; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm 91,3%; vải các loại - 61%; nguyên phụ liệu dệt may, da giầy - 68,5%.

Xét về nhóm hàng, nhóm hàng cần nhập khẩu ước đạt 72,72 tỷ USD, tăng11,0% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 88,4% kim ngạch nhập khẩu, chủ yếu tập trung vào nhóm các mặt hàng là nguyên liệu cho sản xuất.

Nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu tăng 12,9% so với cùng kỳ và nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu chỉ tăng 2,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu một số nhóm hàng, như đá quý, kim loại quý và sản phẩm, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ cũng có mức tăng khá cao so với cùng kỳ.

Đáng nói, kim ngạch nhập khẩu từ Châu Á vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất trong số các thị trường nhập khẩu của cả nước chiếm 80,9%. Trong đó,riêng nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc chiếm 28,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Nhập siêu tháng 7 ước 250 triệu USD, bằng 2,0% kim ngạch xuất khẩu. Tính chung 7 tháng 2014, xuất siêu khoảng 1,26 tỷ USD, bằng 1,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, khối các doanh nghiệp trong nước nhập siêu 8,5 tỷ USD, khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 9,8 tỷ U.SD.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trường Giang (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN