Nghịch lý tại ĐBSCL: Thiếu trái cây xuất khẩu

Nhiều doanh nghiệp chuyên cung ứng trái cây ở đồng bằng sông Cửu Long đã và đang phải từ chối các đơn đặt hàng lớn từ nước ngoài bởi lý do đơn giản: Trái cây Việt tuy ngon, nhưng khó đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu.

Từ chối đơn đặt hàng

Ông Đàm Văn Hưng – chủ cơ sở chuyên thu mua và cung cấp bưởi da xanh Hương Miền Tây (Bến Tre) cho biết, từ đầu năm đến nay, mỗi ngày cơ sở của ông tiêu thụ trên dưới 20 tấn bưởi da xanh. Lúc cao điểm, có ngày sản lượng lên đến 30 – 40 tấn. Mấy năm nay, Hương Miền Tây đã xuất bưởi da xanh sang một số thị trường khó tính như Đức, Canada và một số nước khu vực Trung Đông.

“Tuy nhiên, chúng tôi không thể đáp ứng các đơn đặt hàng với số lượng lớn vì các đối tác nước ngoài yêu cầu sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, trong khi cả vùng chưa có trái bưởi nào đạt chuẩn này” – ông Hưng tiếc rẻ.

Nghịch lý tại ĐBSCL: Thiếu trái cây xuất khẩu - 1

Thu hoạch khóm (dứa) ở HTX Quyết Thắng, huyện Tân Phước, Tiền Giang.

Tại Vĩnh Long, bưởi Năm Roi Mỹ Hòa dù đạt chứng nhận GlobalGAP nhưng với sản lượng đạt chuẩn chiếm tỷ lệ quá thấp nên cũng không thể đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu lớn. Đã có nhiều thời điểm, nhà vườn trồng bưởi Năm Roi tính chuyện bỏ luôn GlobalGAP vì không tìm được nguồn tài chính để tái chứng nhận chuẩn này. Theo nhiều nhà vườn, trồng cây ăn trái theo chuẩn VietGAP hay GLobalGAP đều phải áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật rất khắt khe và tốn kém, thế nhưng thương lái lại ép giá như hàng chợ nên họ chán, không muốn làm nữa.

Từ đầu năm đến nay, nhà vườn chuyên canh đặc sản xoài cát Hòa Lộc ở ĐBSCL thắng lớn vì trúng mùa, trúng giá. Nhiều thời điểm, thương lái thu mua tại vườn với giá 55.000-60.000 đồng/kg loại ngon và tiếp tục giữ ổn định ở mức 20.000-22.000 đồng/kg lúc thu hoạch rộ. Mỗi ha xoài cát Hòa Lộc cho giá trị từ 300-400 triệu đồng, nông dân lãi ròng 40-50%.

Thế nhưng, nhà vườn cũng chỉ tiêu thụ trong nước vì nhiều hợp tác xã không có xoài đạt tiêu chuẩn để cung ứng cho các đơn hàng xuất khẩu. Ông Huỳnh Thanh Bá - Phó Chủ nhiệm HTX Xoài cát Hòa Lộc Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp), cho biết, Công ty Sanatra của Nhật đã đặt hàng mỗi tuần 5-10 tấn xoài cát Hòa Lộc sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, thời gian cung ứng phải liên tục 5-7 tháng/năm. Tuy nhiên, thực tế sản xuất ở HTX đã không đáp ứng được yêu cầu này.

Thiếu vùng nguyên liệu

Theo TS Nguyễn Minh Châu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam, nước ta có khoảng 776.000ha diện tích đất trồng cây ăn quả, sản lượng mỗi năm đạt 7-8 triệu tấn, với nhiều chủng loại rất ngon. Tuy nhiên, trái cây Việt chỉ quanh quẩn “ao nhà” bởi không có vùng nguyên liệu đủ lớn để phục vụ xuất khẩu.

“Muốn lợi nhuận cao phải xuất sang các nước châu Âu, nhưng họ lại đòi hỏi rất cao về tiêu chuẩn kỹ thuật, trong khi phần lớn trái cây của ta sản xuất không theo chuẩn. Nhiều loại trái ngon như bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, sầu riêng Chín Hóa, Ri-6, nhãn xuồng cơm vàng… chưa được đầu tư đúng mức. Dù được đánh giá ngon nhưng không thể đẩy mạnh xuất khẩu được do ta sản xuất manh mún, chất lượng không ổn định, màu sắc, kích cỡ không đều...” – TS Châu nói.

“Từ năm 1997 đến nay, chúng tôi nhiều lần đề xuất xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả với quy mô xuất khẩu. Thế nhưng đến nay việc này vẫn chưa thể thực hiện được”.

TS Nguyễn Minh Châu

Cũng theo TS Châu, yêu cầu phải có vùng chuyên canh đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu đã được ngành nông nghiệp đặt ra khoảng 15 năm nay, thế nhưng, đến nay chỉ có vùng chuyên canh cây thanh long ở tỉnh Bình Thuận và Gò Công (Tiền Giang) được đầu tư bài bản, có khả năng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, còn những nơi khác chưa làm được.

Theo nhiều doanh nghiệp, muốn xuất khẩu thì trái cây phải đạt chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP. Để phát động phong trào này, Nhà nước hoặc doanh nghiệp đang bỏ tiền ra làm miễn phí chứng chỉ cho nông dân. Thế nhưng, cách làm này không bền vững khi nhiều sản phẩm như vú sữa Lò Rèn (Tiền Giang), bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (Vĩnh Long), khóm Tân Phước (Tiền Giang) từng lấy chứng chỉ GlobalGAP, nhà vườn phấn khởi được năm đầu, qua năm sau đã lo chuyện “gãy gánh” vì không còn được hỗ trợ chi phí để tái chứng nhận.

“Rút kinh nghiệm từ đó, để có đủ hàng đạt tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu, cơ sở Hương Miền Tây chúng tôi đang phối hợp cùng nông dân xây dựng vùng bưởi da xanh đạt chuẩn ở xã Nhơn Thạnh, TP.Bến Tre. Doanh nghiệp sẽ tham gia ngay từ đầu, sau đó sẽ bỏ tiền ra để được tái chứng nhận đạt chuẩn với hy vọng có nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ xuất khẩu” – ông Đàm Văn Hưng nói.

Nông dân chưa mặn mà với GAP

GS-TS Nguyễn Thơ - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thực vật VN: Bộ NNPTNT thống kê, đến hết năm 2011, tổng diện tích cây trồng cả nước được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP đạt trên 75.000ha, trong đó có 15.000ha rau, trái cây, chè, lúa… Tuy nhiên, do thị trường tiêu thụ không ổn định, giá cả không cao hơn sản phẩm thường nên nông dân nhiều nơi chán nản đã bỏ GAP để quay về sản xuất theo cách truyền thống. Doanh nghiệp cần hàng số lượng lớn để xuất khẩu, nên nếu nông dân trồng không tập trung, làm rồi bỏ, sản xuất manh mún như vậy thì doanh nghiệp không những thiếu hàng để xuất khẩu, mà còn rất khó để xây dựng thương hiệu.

Ông Lê Minh ĐứcGiám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An: Tỉnh Long An đang có mô hình trồng thanh long ở huyện Châu Thành theo chuẩn GlobalGAP nhưng diện tích rất nhỏ. Nuôi trồng theo chuẩn này đòi hỏi nông dân phải đầu tư rất nhiều tiền bạc và công sức ở giai đoạn đầu. Trong khi đó, sản phẩm đạt chuẩn và không đạt chuẩn giá bán ra chênh lệch không nhiều nên nông dân không có động lực để làm. Các mô hình thực hiện được thực chất đều nhờ sự tài trợ nên về lâu về dài phải tính toán lại, chứ không thể làm GAP theo phong trào như hiện nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Minh - Hữu Danh (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN