Nghịch lý cà phê mua cao, bán thấp vẫn lãi

Nhà nước thất thu, nguy cơ đầu cơ găm hàng là hệ quả từ tình trạng nhiều doanh nghiệp dùng chiêu “mua cao, bán thấp” vẫn lãi.

Trong Hội nghị Tổng kết niên vụ cà phê 2011-2012 do Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) tổ chức tại TP.HCM ba ngày trước, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cà phê đã bày tỏ bức xúc, lo ngại trước tình trạng nhiều DN TNHH trong nước thu mua cà phê giá cao hơn giá thị trường 700-1.000 đồng/kg rồi bán lại với giá thấp hơn hoặc bằng giá thị trường nhưng vẫn thu được lợi nhuận.

Nghịch mà không nghịch

“Nghe có vẻ nghịch lý nhưng thật ra không nghịch lý chút nào. Các DN này mua cà phê từ nông dân, cơ sở, đại lý thu mua cà phê mà không có hóa đơn, chứng từ. Nếu tính giá thị trường hiện giờ là 40.000 đồng/kg cà phê, mức thuế giá trị gia tăng (VAT) DN thu mua phải chịu là 5%, tương ứng số tiền 2.000 đồng/kg, tính ra giá DN mua gồm giá thành cộng với tiền thuế phải chịu là 42.000 đồng/kg. Nhưng bằng hình thức mua trốn thuế nên dù những DN này có mua giá cao hơn giá thị trường 1.000 đồng là 41.000 đồng/kg rồi sau đó bán lại cho DN xuất khẩu giá 40.000 đồng/kg vẫn lãi 1.000 đồng/kg vì DN xuất khẩu phải trả thêm 5% thuế VAT/kg (2.000 đồng/kg) cho DN TNHH” - ông Lê Đức Thống, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Cà phê 2/9 (Đắk Lắk), cho hay.

Hơn nữa, cà phê nhân xuất khẩu được hoàn thuế VAT nên mặc dù phải trả 5% VAT cho bên DN “mua cao, bán thấp”, sau khi xuất hàng đi, DN xuất khẩu được Chính phủ hoàn trả số thuế này. Kết quả là Nhà nước thất thu.

Nghịch lý cà phê mua cao, bán thấp vẫn lãi - 1

Công nhân làm việc trong kho đại lý cà phê ở Đắk Lắk.

Ông Phạm Ngọc Bằng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Liên doanh Cà phê Đăk Man, tiết lộ có DN còn “đẻ” ra nhiều DN con đóng ở các thành phố lớn để mua lại cà phê từ các cơ sở, đại lý trong vùng nguyên liệu với cùng hình thức trên. “Những DN con đó vừa được hưởng gia hạn nộp thuế VAT của Bộ Tài chính, vừa mua được nhiều cà phê bán cho DN xuất khẩu lấy lợi nhuận. Đến thời hạn nộp thuế, DN mẹ lấy lý do khó khăn phải nợ thuế nên tuyên bố phá sản” - ông Bằng thông tin.

Nguy cơ lũng đoạn thị trường

“Giữa một bên mua theo giá thị trường 40.000 đồng/kg kèm hóa đơn, một bên mua giá 41.000 đồng/kg không hóa đơn thì nông dân, đại lý thu gom cà phê chọn bán cho ai? Đương nhiên là bán cho bên mua giá cao hơn, lại không cần hóa đơn phiền phức. Nếu không kiểm soát ngay tình trạng này, có thể hàng trăm tỉ đồng tiền thuế tiếp tục thất thoát mỗi năm. Hậu quả lớn hơn là làm rối loạn thị trường cà phê trong nước” - ông Lê Đức Thống, Công ty Cà phê 2/9, lo ngại.

Mặt khác, nhiều DN xuất khẩu cà phê khác băn khoăn liệu những DN “mua cao, bán thấp” đó có bán ra tất cả cà phê thu mua được cho DN xuất khẩu không? Hay mục đích mua giá cao là để gom hàng đem trữ chờ giá nội địa lên mới bán?

Đây có thể là hình thức đầu cơ găm hàng chờ giá, rất dễ dẫn đến việc DN xuất khẩu khó kiếm hàng, cuối cùng phải mua giá cao từ họ để kịp thực hiện hợp đồng. Lúc này, DN xuất khẩu không hề có lãi, thậm chí là lỗ.

Theo đại diện một DN xuất khẩu nông sản, có thể DN xuất khẩu trong nước chuyên làm ăn chụp giật thực hiện việc này. Nhưng để làm được phải có vốn lớn nên biết đâu lại là “chiêu” của DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chứ DN Việt Nam đang khó khăn.

Tuy nhiên, ông Phạm Ngọc Bằng, Công ty Cà phê Đăk Man, cho rằng không thể có chuyện DN xuất khẩu hay DN FDI làm việc này mà chỉ có DN TNHH trong nước thôi. “Nếu là DN xuất khẩu làm thì chúng tôi nói ra bức xúc, lo ngại và kiến nghị kiểm tra làm gì? Khác nào lạy ông tôi ở bụi này. Đạo đức kinh doanh buộc chúng tôi phải tố cáo” - ông Bằng khẳng định.

Trước tình hình mà các DN phản ánh, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch VICOFA, cho biết sẽ thông tin lên cơ quan quản lý thị trường ở các vùng nguyên liệu kiểm soát chặt việc DN thu mua cà phê, nhất là DN có dấu hiệu “mua cao, bán thấp” không hóa đơn, chứng từ. VICOFA cũng đồng thời liên kết với cơ quan thuế, nếu phát hiện DN vi phạm sẽ xử phạt thật nặng, có thể rút giấy phép kinh doanh.

Khó phát hiện, xử lý

Trao đổi với PV về tình trạng DN “mua cao, bán thấp” cà phê không hóa đơn, chứng từ, đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết nếu những DN này “ăn rơ” với các đại lý, cơ sở bán cà phê thì rất khó phát hiện. Cách gian lận trốn thuế của họ là kê khai giá mua bán đúng giá thị trường, phần giá cao hơn giá thị trường 700-1.000 đồng/kg sẽ được DN “mua cao” trả cho đại lý bán theo hình thức hoa hồng “đút túi” nên không thể phát hiện. Việc này chi cục thuế và quản lý thị trường các địa phương phải phối hợp kiểm soát chặt mới mong ngăn chặn được.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Huy (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN