Ngại tố cáo hàng giả vì sợ ảnh hưởng thương hiệu

Nhiều doanh nghiệp chưa tích cực hợp tác với lực lượng chức năng vì tâm lý cho rằng phát hiện hàng giả đối với sản phẩm của mình sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm, ảnh hưởng đến doanh thu.

Đó là đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại hội thảo Chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và vai trò của doanh nghiệp do Bộ Công Thương tổ chức ngày 25-5 ở Hà Nội.

Ông Hải cho rằng một bộ phận doanh nghiệp, chủ thể quyền bị xâm phạm chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình với cộng đồng, với sản phẩm của mình đang lưu thông trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp chưa tích cực hợp tác với lực lượng chức năng vì tâm lý cho rằng phát hiện hàng giả đối với sản phẩm của mình sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm, ảnh hưởng đến doanh thu.

Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cũng chia sẻ doanh nghiệp sợ bị nêu tên trên phương tiện thông tin truyền thông về sản phẩm của mình bị làm giả, sợ bị ảnh hưởng thương hiệu khó bán hàng nên ngại tố cáo. Điều này cho thấy nhận thức của một số doanh nghiệp trong đấu tranh chống hàng giả còn hạn chế.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng chế tài xử lý vi phạm về hàng giả chưa đủ sức răn đe, chủ yếu vẫn là xử lý vi phạm hành chính, ít vụ việc bị khởi tố hình sự; một số văn bản quy phạm phát luật còn quy định chưa thống nhất. Hơn nữa, hiện các chế tài xử lý hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được quy định ở rất nhiều văn bản khác nhau gây khó khăn cho công tác thực thi.

Vì vậy, ông Hải đề nghị các cơ quan chức năng cần rà soát, sửa đổi các chế tài xử lý vi phạm về sở hữu trí tuệ theo hướng tập trung vào một văn bản pháp luật, các chế tài cần được điều chỉnh nhằm tăng tính răn đe nhưng vẫn bảo đảm tính khả thi, tránh chồng chéo mâu thuẫn. Rà soát cơ chế thực thi để tạo thuận lợi cho việc xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng, đặc biệt là vấn đề thủ tục, tranh chấp, khiếu nại, giám định,...

Bộ Công Thương cũng đề xuất Chính phủ cần có cơ chế thuận lợi để các hiệp hội, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào công tác chống hàng giả. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý hệ thống phân phối hàng hóa của mình để chủ động phát hiện, ngăn chặn hàng giả; nâng cao trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc phòng tránh tiêu dùng phải hàng giả; cần tăng cường, chủ động điều tra, phát hiện vi phạm và cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà Phương (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN