Mùa vải thiều: “Thắng lớn” nhất trong hơn 60 năm qua

Đến ngày 10/7, cơ bản, lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang đã được tiêu thụ hết. Người dân ở “thủ phủ vải thiều” Lục Ngạn hân hoan vì được mùa, giá cao nhất trong hơn 60 năm qua. Kỳ vọng vụ tới, vải thiều sẽ có được chỗ đứng vững chắc cả thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.

50% tiêu thụ trong nước

Những ngày này, màu xanh của cây vải đã trở lại trên những vạt đồi vốn đỏ rực vải chín vào tháng trước của gia đình anh Giáp Văn Liên (thôn Kép 1, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang). Được tham gia chương trình sản xuất sạch (tiêu chuẩn GlobalGap), vải thiều của gia đình anh Liên đóng góp 3 tạ xuất khẩu sang thị trường Mỹ với giá 35 nghìn đồng/kg.

Cũng vì tiếng thơm có vải “sạch” đi Mỹ, nhiều cá nhân, tập thể đã đến tận nhà anh đặt hàng với giá cao hơn cả vải thiều đi Mỹ. “Thương lái Trung Quốc họ không quan tâm mình sản xuất theo tiêu chuẩn nào. Miễn là mẫu mã đẹp, quả to là họ mua với giá cao. Nhưng người tiêu dùng trong nước lại rất quan tâm đến vải thiều sạch và sẵn sàng trả giá cao để mua ăn, biếu, tặng. Sang năm nếu không được nằm trong chương trình sản xuất vải thiều sạch xuất khẩu, gia đình tôi vẫn tiếp tục làm”- anh Liên khẳng định. Với mặt bằng giá được nâng lên, anh Liên vui mừng khoe vườn vải rộng gần 1ha đã thu được 7 tấn quả vải tươi, giá trung bình  22 nghìn đồng/kg, tổng thu từ vụ vải được chừng 50 triệu đồng”.

Mùa vải thiều: “Thắng lớn” nhất trong hơn 60 năm qua - 1

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát (trái) thăm khu chiếu xạ vải thiều tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Anh.

Khảo sát của PV Tiền Phong, tại Lục Ngạn hiện chỉ còn rải rác các điểm thu mua của các thương lái trong nước, hầu như không còn bóng dáng của các điểm cân của thương nhân Trung Quốc. Hiện giá vải thiều đã giảm đáng kể so với thời điểm chính vụ, với khoảng 15-16 nghìn đồng/kg (loại 1). Nhiều nông dân mang vải đi bán với giá khoảng 6-7 nghìn đồng/kg. Bà Nguyễn Thị Nắng, một thương nhân thu mua ở phố Kim, Phượng Sơn, Lục Ngạn cho biết: “Bây giờ chủ yếu là vải thiều muộn nên mẫu mã, phẩm cấp đều kém, giá như vậy cũng là hợp lý”.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Quang Tấn, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, vụ vải năm nay, sản lượng toàn huyện lên đến 118 nghìn tấn, tổng giá trị thu được 1.770 tỷ đồng, cao nhất trong hơn 60 năm qua. “Năm nay, giá vải bán bình quân cao hơn năm ngoái 2.500 đồng/kg. Cứ cao hơn 1.000 đồng, bà con toàn huyện thu thêm 118 tỷ đồng”- ông Tấn nói. Theo ông, năm nay, vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu đi nước ngoài khoảng 60 nghìn tấn (trong đó Trung Quốc chiếm khoảng 40%) chiếm khoảng nửa sản lượng vải. Những năm trước, vải tiêu thụ trong nước khoảng 30-40%, năm nay tăng lên 50%.

Gắng giữ chữ tín

Được biết, trong vụ vải vừa qua, Bắc Giang đã quyết định cấp bổ sung gần 700 triệu đồng cho hai đơn vị xuất khẩu vải thiều tươi sang Mỹ là Công ty TNHH MTV Ánh Dương Sao (hơn 320 triệu đồng) và Công ty TNHH MTV Quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức (gần 360 triệu đồng) để hỗ trợ vận chuyển. Tuy nhiên, phía Công ty TNHH MTV Quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức không thực hiện được. Ngoài ra, tỉnh quyết định tạm cấp 500 triệu đồng cho UBND huyện Lục Ngạn để mua vải thiều tươi đưa vào khẩu phần ăn của hành khách trên các chuyến bay của Vietnam Airlines.

Với sản lượng vải thiều đi sang các nước “giá cao” chỉ đạt khoảng 150 tấn, trong đó, thị trường Mỹ đạt gần 2,4 tấn, Pháp: 2,1 tấn, Malaysia: 75 tấn, Úc và Anh khoảng 50 tấn, dù Bắc Giang khá thành công trong vụ vải năm nay, nhưng ông Phan Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang tự thấy chưa hài lòng hoàn toàn. Theo ông Hùng, vải thiều Lục Ngạn gặp khó khăn lớn khi phải cạnh tranh với vải thiều Trung Quốc đang vào mùa thu hoạch. Mặt khác, vải thiều Bắc Giang muốn đi Mỹ, Úc phải vận chuyển vào Nam chiếu xạ, tăng thêm chi phí. Chưa kể, vải ban đầu chủ yếu xuất ngoại bằng máy bay, nên phí vận chuyển khá “chát”.

Theo tính toán, vải thiều tươi của Lục Ngạn khi đến Mỹ phải chi phí khoảng 200 nghìn đồng/kg, đi Úc mất khoảng 250 nghìn đồng/kg. “Tuy chi phí lớn nhưng đây chính là tiền đề quan trọng để vải thiều Lục Ngạn vào được các thị trường khó tính và mở rộng ra thế giới”- ông Hùng nói.

Còn theo ông Trần Quang Tấn, để chuẩn bị cho vụ vải năm 2016, Lục Ngạn chỉ giữ đúng 16.293 nghìn ha vải, trong đó có 9.500 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP và tập trung nâng cao chất lượng vải trồng. “Điều quan trọng phải gắn kết các doanh nghiệp với bà con nông dân. Tiếp tục động viên bà con làm một cách tận tâm, để giữ chữ tín vải thiều sạch”- ông Tấn nói.

Ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng BVTV (Bộ NN&PTNT) cho biết năm tới, Cục sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ, đàm phán tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, khơi thông các thị trường mới như Nhật Bản, Hàn Quốc… Hiện Cục BVTV đã cấp 10 mã số vùng trồng vải chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, trong đó, Bắc Giang 8 mã, Hải Dương 2 mã số. Cục sẽ phối hợp, kiểm soát mã số vùng trồng, mở rộng diện tích mã vùng trồng cho thị trường khó tính.

Ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử (Bộ KH&CN) cho biết, đơn vị này sẽ sớm nâng cấp Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, để sang năm có thể chiếu xạ cho vải thiều xuất khẩu sang Mỹ. Theo ông Thành, dây chuyền chiếu xạ tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã hoạt động mấy chục năm nay nhưng theo công nghệ của Nga, trong khi vải thiều xuất sang Mỹ phải chiếu xạ theo công nghệ chiếu xạ của Mỹ, trong đó có phần kho lạnh, khu đóng gói…     

Nguyễn Hoài

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Trường - Nam Khánh (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN