Mua hàng cận date để tiết kiệm: Trào lưu ngu ngốc của giới trẻ?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Mua đồ gần hết hạn sử dụng với giá giảm từ 70-80% đang trở thành xu hướng của người trẻ nhằm tiết kiệm và chống lãng phí thực phẩm.

Mua đồ sắp hết hạn là cách để tiết kiệm chi phí.

Mua đồ sắp hết hạn là cách để tiết kiệm chi phí.

Trào lưu dùng thực phẩm sắp hết hạn

Hai năm trước, Lily, một sinh viên ở Quảng Châu, Trung Quốc, mua một hộp sữa đậu nành gần hết hạn sử dụng với giá chỉ bằng 1/3 giá niêm yết.

Hào hứng với cái giá mình mua được, cô chia sẻ phương thức với một người bạn, nhưng người đó nói rằng ăn thực phẩm gần hết hạn không tốt cho sức khỏe. Về sau, Lily không nói với ai về những món hời như vậy, vì sợ mọi người nghĩ mình là người tiết kiệm thái quá.

Cô vẫn duy trì thói quen mua thực phẩm gần hết hạn với giá rẻ, đồng thời thành lập cộng đồng trực tuyến với hơn 57.000 người, cùng nhau chia sẻ các mẹo mua thực phẩm sắp hết hạn sử dụng mỗi ngày.

“Tôi thấy trên mạng có rất nhiều người mua các loại thực phẩm tương tự và tôi yên tâm rằng thói quen này không có gì sai”, cô nói với SCMP.

Mua hàng cận date là xu hướng ngày càng được nhiều người quan tâm trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ khi Trung Quốc thông qua Luật chống lãng phí thực phẩm vào tháng 4.

Luật quy định các nhà hàng có hành vi "lôi kéo hoặc lừa dối" khách hàng đặt đồ quá mức sẽ bị phạt. Luật cũng cấm "các chương trình ăn uống" hoặc "thi ăn" trên mạng xã hội.

Theo một báo cáo năm 2020 từ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, các thành phố của Trung Quốc lãng phí gần 18 tỷ kg thực phẩm mỗi năm.

Ngay cả trước khi luật có hiệu lực, một số siêu thị ở Trung Quốc đã bắt đầu có các kệ hàng giảm giá thực phẩm sắp hết hạn sử dụng.

Tại siêu thị Yongwang ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, cuối mỗi dãy hàng thực phẩm đều có một giỏ đựng đầy mì ống, trà, dầu và nước sốt lẩu, sắp hết hạn trong vòng hai tháng.

Một nhân viên bán hàng tên Liu cho biết thực phẩm tại quầy được bán với giá giảm 70% và nhân viên sẽ kiểm tra các sản phẩm mỗi ngày để đảm bảo không có sản phẩm nào quá hạn sử dụng.

“Điều đó chắc chắn giúp cắt giảm rất nhiều rác thải”, người này cho biết.

Thị trường ngách

Các quầy hàng sắp hết hạn mọc lên nhiều hơn ở Trung Quốc.

Các quầy hàng sắp hết hạn mọc lên nhiều hơn ở Trung Quốc.

Trước đây, người cao tuổi thường là nhóm chuyên săn lùng những món đồ gần hết hạn sử dụng để tiết kiệm chi phí mua sắm. Nhưng dần dần, giới trẻ bắt đầu đi theo xu hướng này.

Lily cho biết, lúc đầu, cô cũng thường tự hỏi liệu thực phẩm sắp hết hạn có gây hại cho sức khỏe hay không, nhưng cuối cùng giá cả hợp lý lại là điều hấp dẫn cô.

“Một cửa hàng bánh bán bánh mì cuộn có giá giảm 50% sau 4 giờ chiều mỗi ngày”, cô nói. “Các cửa hàng khác bán giảm giá 70 hoặc 80%. Nếu ăn luôn, tôi có thể chọn mua những loại như vậy”.

Trên kênh Douban của Lily có tên: “Tôi yêu thực phẩm sắp hết hạn sử dụng”, các thành viên trao đổi về những nhãn hiệu, cửa hàng trực tuyến cũng như loại thực phẩm nào có hương vị tốt hơn.

Trên kênh thường xuyên nhận được câu hỏi: "Bạn có ái ngại khi mua thực phẩm sắp hết hạn sử dụng không?" Hầu hết các câu trả lời đều nói rằng không có gì phải xấu hổ khi tiết kiệm tiền và không lãng phí thức ăn.

Các video khám phá khu vực bán thực phẩm sắp hết hạn cũng được nhiều người theo dõi. Một vlogger trên nền tảng Bilibili đã vào một cửa hàng ở Bắc Kinh với 100 nhân dân tệ (15,55 USD) và mua đầy xe đồ ăn nhẹ.

Tại các thành phố như Bắc Kinh và Thượng Hải, các cửa hàng và khu quầy hàng dành riêng cho thực phẩm sắp hết hạn cũng mọc lên nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu.

HotMaxx, cửa hàng chuyên bán thực phẩm sắp hết hạn với mức chiết khấu từ 50 đến 80%, đã mở rộng quy mô nhanh chóng kể từ năm 2020, với hơn 50 cửa hàng chỉ riêng ở Thượng Hải.

Công ty hợp tác với hơn 200 thương hiệu thực phẩm nổi tiếng, bao gồm công ty bánh kẹo Ý Ferrero và nhà sản xuất đồ ăn nhẹ Đài Loan Want Want.

Tuy nhiên, thực phẩm sắp hết hạn sử dụng ngày nay vẫn là một thị trường ngách, vì chính phủ Trung Quốc không có chính sách khuyến khích hành vi mua hàng như vậy hoặc điều tiết thị trường, nhưng ngành công nghiệp này đã phát huy tác dụng kể từ khi luật chống lãng phí thực phẩm được thông qua.

Trong tháng này, nhóm thanh tra ở Nam Kinh đã phát hiện một cửa hàng bánh mì vứt bỏ bánh không bán hết và bị cáo buộc vi phạm luật chống lãng phí thực phẩm. Đây là trường hợp phạm luật đầu tiên trong thành phố.

Tuyên truyền chống lãng phí trên các phương tiện truyền thông cũng được tăng cường. Vừa qua đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đã giới thiệu kênh của Lily như một ví dụ điển hình về chiến dịch chống lãng phí thực phẩm.

“Mặc dù những người như chúng tôi luôn tồn tại, nhưng phải nhờ vào điều luật mới mà chúng tôi mới được chú ý”, cô nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Thứ từng lỗi thời ở Việt Nam, nay trở lại thành trào lưu nhà nào cũng mê

Mạnh dạn thay đổi về kiểu dáng, đa dạng hóa cách kết hợp chất liệu, mặt hàng này đã một lần nữa chinh phục thành...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trương Mạnh Kiên ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN