“Liều thuốc mới” cho thị trường sách?

Việc Luật Xuất bản sửa đổi năm 2012 chính thức có hiệu lực từ ngày 1.7 vừa qua được kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực trong xuất bản - lĩnh vực được coi là có tác động mạnh tới nhận thức xã hội.

Băn khoăn chứng chỉ

Luật Xuất bản sửa đổi 2012 có hiệu lực từ ngày 1.7 đã đưa ra một số điểm mới so với luật cũ, những thay đổi này chắc chắn sẽ có những tác động tích cực đến thị trường xuất bản sách vốn đang có khá nhiều sai sót trong thời gian qua. Cụ thể, Luật đã quy định rất rõ về tiêu chuẩn, quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ của giám đốc, tổng biên tập cũng như biên tập viên nhà xuất bản (NXB); quy định việc cấp chứng chỉ và thu hồi chứng chỉ đối với biên tập viên, để nâng cao vai trò, trách nhiệm của biên tập viên trong thực thi hoạt động xuất bản.

Điểm thứ hai là chế tài rất rõ những nội dung liên kết, phương thức, hình thức liên kết và đặc biệt là trách nhiệm pháp lý của các bên liên kết khi để xảy ra những sai phạm trong hoạt động xuất bản. Điểm thứ ba là xây dựng một số chế tài mới như ngừng hoạt động hoặc thu hồi giấy phép, thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với tổ chức, cá nhân khi có sai phạm trong hoạt động xuất bản. Luật Xuất bản 2012 cũng đưa ra những quy định rất chặt chẽ với mức xử phạt cao hơn khi phát hiện ra hoạt động in lậu, in nối bản không đúng quy định của pháp luật. Những sai phạm này không chỉ bị xử phạt hành chính ở mức cao mà nếu nghiêm trọng còn có thể xử lý hình sự.

“Liều thuốc mới” cho thị trường sách? - 1
Luật Xuất bản sửa đổi 2012 sẽ là “liều thuốc mới” cho thị trường sách

Một điểm mới của Luật Xuất bản sửa đổi là các biên tập viên của NXB, không kể hoạt động tại NXB hay tại đơn vị liên kết, đều phải có chứng chỉ hành nghề. Như vậy, từ đây đội ngũ biên tập viên sẽ phải chuẩn bị đi học, chuẩn hóa bằng “chứng chỉ” thì mới “danh chính, ngôn thuận” tiếp tục hành nghề. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Kiểm- Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Việt Nam, mặc dù Luật đã có hiệu lực nhưng chưa thể ngay lập tức tạo một chuyển biến thực sự trong đời sống.

Trước hết là do “độ trễ” trong việc triển khai các văn bản hướng dẫn dưới luật khiến các đối tượng liên quan chưa chuyển đổi kịp. “Việc cấp chứng chỉ cho các biên tập viên tới thời điểm này vẫn chưa được triển khai và sẽ đẩy hàng loạt những người làm biên tập sách sau ngày 1.7 trở thành người vi phạm luật. Bởi vậy các cơ quan chức năng cần phải đẩy nhanh tiến độ để tổ chức việc cấp chứng chỉ hành nghề cho các biên tập viên” - ông Nguyễn Kiểm đề xuất.

Cũng băn khoăn về chứng chỉ hành nghề, bà Nguyễn Lệ Chi (Công ty Sách Chibooks) cho biết: “Việc yêu cầu đối tác liên kết phải có bộ phận biên tập gồm ít nhất 5 biên tập viên có chứng chỉ theo quy định cũng gây nhiều khó khăn cho các đơn vị liên kết xuất bản, ít nhất trong một thời gian khá dài trước mắt. Bởi sách cũng là một ngành đặc thù, với từng dòng sách riêng biệt như sách kinh tế, sách văn học, sách thiếu nhi…, đơn vị xuất bản sẽ mời những người có chuyên môn của từng dòng sách đó biên tập cho phù hợp”.

Trong năm 2012 và 3 tháng đầu năm 2013, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử lý sai phạm của 51 xuất bản phẩm của 27 NXB, trong đó có những cuốn sách có nguồn gốc từ nước ngoài in cờ nước ngoài thay vì cờ Việt Nam, sách sai phạm khi in hình ảnh chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc có sai sót.

Sai phạm sẽ bị xử lý hình sự

Những ì xèo trong lĩnh vực xuất bản thời gian qua, được công luận quy một phần lỗi cho... giới làm sách tư nhân. Cả nước hiện có 64 NXB, nhưng số đơn vị giàu năng lực, hoạt động hiệu quả không nhiều mà một phần khá lớn các NXB luôn lâm vào cảnh ngộ khó khăn, giật gấu vá vai để tồn tại. Chính vì thế, hoạt động phổ biến nhất của nhiều NXB là liên kết xuất bản. Số liệu của Cục Xuất bản cho thấy, có những NXB hoạt động liên kết chiếm tới 90%, con số thường thường cũng xấp xỉ từ 30- 35%.

Một quy định mới nữa của Luật Xuất bản sửa đổi năm 2012 là vi phạm trong hoạt động xuất bản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự chứ không chỉ là xử lý vi phạm hành chính như trước đây. Điều này mang tới hy vọng sẽ là một “liều thuốc” đặc hiệu để chấn chỉnh tình trạng lộn xộn trong xuất bản sách thời gian qua, cụ thể như tình trạng xâm phạm bản quyền, sách lậu, sách in ẩu, sai phạm về nội dung gây bức xúc trong dư luận.

Ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News cho biết: “Trong suốt 10 năm qua, các NXB, những người làm sách chân chính, các tác giả… luôn là những người chịu gian nan nhất trong công cuộc chống sách lậu. Rất mừng là trong Luật Xuất bản sửa đổi đã quy định có thêm phần “truy cứu trách nhiệm hình sự” tại Điều 11 “Xử lý vi phạm trong hoạt động xuất bản”.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn vì luật quy định vẫn chưa rõ ràng như: “… tùy theo tính chất mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự…”. Vậy ở mức độ nào là xử phạt hành chính, ở mức độ nào là truy cứu trách nhiệm hình sự? Đề nghị nên có những văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể về điều khoản này để luật thực sự có tác dụng răn đe”. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hà Thu (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN