"Lão khùng" trồng rau trái vụ, thu trăm triệu

Phá bỏ lối trồng rau truyền thống, dám nghĩ, dám làm, ông đã “chiến đấu” với thời tiết khắc nghiệt, quyết tâm đổi đời với mô hình trồng rau trái vụ trên xã nhà và đã thoát nghèo. Ông là Vũ Văn Sáu, hiện sống ở cụm 2, xã Vân Phúc, Huyện Phúc Thọ, Hà Nội.

Giàu lên nhờ cây rau

 

Trời hôm nay hanh, có chút nắng lên nhưng vẫn lạnh. Cái lạnh buốt giá của thời điểm giữa đông. Vợ chồng ông Sáu đi ủng dính đầy bùn với bộ quần áo lao động lấm lem đất cát vẫn đang tỷ mẩn vạch từng chiếc lá để kiểm tra “sức khỏe” vườn rau, thoáng thấy tôi lững thững khoác ba lô đi vào, đoán ngay là nhà báo, mắt ông ánh lên nụ cười rồi hỏi như quen biết đã lâu: “Sao xuống không báo trước”.

"Lão khùng" trồng rau trái vụ, thu trăm triệu - 1

 Hai vợ chồng ông Sáu chuẩn bị thu hoạch rau

Nhìn những luống xu hào sắp đến ngày thu hoạch, lứa cây giống đang “bật sức” vươn lên, những cây cà chua mới trồng khẽ đu đưa trong cái lạnh buốt giá, tôi thấu hiểu ông yêu nghề nông đến chừng nào.

Niềm nở đáp lại tôi, ông nhanh nhẹn giới thiệu tên là Vũ Văn Sáu. Ông dẫn tôi đi vòng quanh vườn rau để giới thiệu về mô hình nhà màng, nhà lưới vừa mới hoàn thiện hết hơn 300 triệu đồng. Tiếp sau đó là giới thiệu về các loại rau trái vụ được gia đình ông trồng.

Theo lời ông Sáu, trồng rau trái vụ khó nhưng thu nhập ổn định, trừ chi phí hàng năm hơn 2 sào rau của gia đình ông cho thu lãi khoảng 130 triệu đồng. Cuộc sống của gia đình dần ổn định, mua đất, xây nhà, mua xe, sắm sửa vật dụng gia đình, nuôi con ăn học đều là tiền từ làm rau.

Khi được hỏi ý tưởng nào khiến ông quyết định trồng rau trái vụ, ông Sáu cho biết: “Làm rau truyền thống, đúng mùa đúng vụ không phải mất công chăm sóc nhiều nhưng đem lại hiệu quả kinh tế không cao. Mong muốn thoát khỏi cái nghèo “bủa vây” nên tôi tự tìm tòi, nghiên cứu và đi tham quan, học hỏi các kỹ thuật trồng rau ở khắp nơi rồi về áp dụng trồng thôi”.

Bà Đặng Thị Oanh sống ở cụm 2, xã Vân Phúc cho biết: “Mấy xã mới được một người như bác Sáu đây, luôn áp dụng khoa học kỹ thuật vào cây trồng. Trồng cây gì đều cho thu hoạch cao, ngày mưa lại chạy ra để che đậy rau. Ngày nào cũng có người đến tham quan và học hỏi đấy”.

Ông Sáu chia sẻ, làm rau trái vụ tức là làm trái với quy luật, do vậy những khó khăn về thời tiết khó tránh khỏi. Năm 2006 gia đình ông trắng tay do cơn mưa đá ập xuống khiến 2 vạn su hào, 4 sào cà chua, 1 vạn cây rau giống bị mất sạch. Tổng thiệt hại năm đó lên đến 19 triệu đồng. Tuy nhiên gia đình ông vẫn tiếp tục làm lại.

"Lão khùng" trồng rau trái vụ, thu trăm triệu - 2

Ông Sáu chăm chút từng gốc rau, ông dùng bẫy sinh học thay vì dùng thuốc sâu khiến người tiêu dùng hết sức yên tâm

Bên Nhật cũng đặt hàng

Ông Sáu với 28 năm tuổi Đảng, nhiều năm liền được vinh danh “Sản xuất kinh doanh giỏi” của xã Vân Phúc và cả huyện Phúc Thọ. Một năm gia đình ông sản xuất từ 5 đến 7 vụ rau, lứa nào cũng được giá.

Tháng 11, ông trồng cà chua, hành, tỏi để đón thị trường tết. Tháng 3, ông dự kiến trồng các loại dưa siêu ngọt, dưa lê “kim cô nương” của Hàn Quốc. Tháng 6, ông trồng su hào và bắp cải…

Năm nay ông sẽ nghiên cứu để đưa cây trùm ngây vào vườn rau vì loại cây trồng này mang hiệu quả kinh tế cao lại được bầy bán nhiều trong siêu thị ngoài ra còn làm thuốc để chữa bệnh.

Điều đặc biệt là dù trồng rau trái vụ song gần như ông không dùng đến thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ áp dụng kinh nghiệm dân gian, dùng “bẫy bả sinh học” để trừ sâu. Ông Sáu cho biết, khi chưa có hệ thống nhà màng, hàng trăm bẫy bả sinh học được ông giăng khắp ruộng. Những bẫy bả này có thể dụ được nhiều con bướm, hạn chế được tối đa sâu bọ hại rau. Ông không dùng thuốc trừ sâu vì cái tâm không cho phép ông làm vậy.

Chia sẻ về thành công khi trồng rau trái vụ ông Sáu hồ hởi nói: “Làm rau trái vụ phải đặc biệt quan tâm đến thời tiết bởi trời nắng hay mưa đều tác động đến cây, do đó, phải che chắn cẩn thận. Tối nào gia đình cũng phải nghe dự báo thời tiết. Nếu nhà đài dự báo có mưa, giông thì dù hôm đó có bận việc gì đi nữa, cũng phải ra đồng để che chắn cây cẩn thận"

Làm nông dù vất vả nhưng cũng mang đến cho gia đình ông Sáu nguồn thu khá cao. Vụ đầu tiên do chưa có nhiều kinh nghiệm ông thu được gần 9 triệu đồng/sào. Vụ thứ 2 thu được 12 triệu đồng/sào và cứ vậy doanh thu tăng dần lên. So với rau chính vụ su hào có giá 500 đồng/1 củ thì rau trái vụ su hào có giá 5 nghìn đồng/củ tăng gấp 5 lần. Thấy gia đình ông Sáu làm rau trái vụ hiệu quả, một số hộ dân có ruộng gần đó cũng đã học tập, làm theo và được ông hướng dẫn nhiệt tình.

Ông Phùng Anh Tuấn, Trưởng phòng kinh tế huyện Phúc Thọ cho biết: “Ông Sáu là một hộ nông dân say sưa làm kinh tế giỏi, không sử dụng hóa chất độc hại cho cây trồng, có thể nói rau của gia đình ông Sáu là rau an toàn. Huyện cũng sẽ hỗ trợ tổng kinh phí vào hệ thống nhà màng cho gia đình ông Sáu 50% (bao gồm mô hình và giống cây trồng). Tiếp theo huyện sẽ nhân rộng các mô hình kinh tế nông nghiệp lên tiến tới mối quan hệ 4 nhà để đạt hiệu quả kinh tế cao”.

Trong câu chuyện với tôi, ông Sáu khoe, hiện nay, sản phẩm rau, củ, quả của gia đình không chỉ bán ngoài thị trường mà còn cung cấp cho bếp ăn của huyện, ngoài ra bên Nhật cũng đến tận vườn đặt hàng quả dưa kim cô nương cho vụ sau tết.

Tôi hỏi, động lực nào để ông luôn hăng say, gắn bó với nghề nông như vậy? Ông Sáu tâm sự: “Trong cuộc sống cũng như công việc, bản thân mình làm được thì nên tiếp tục phấn đấu để trở thành doanh nghiệp sản xuất rau. Để đưa ra thị trường những sản phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng cho cả cộng đồng và xuất khẩu. Đồng thời, tạo công ăn việc làm cho mọi người trong xã”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh An (Giao thông vận tải)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN