Làng Phúc Am hối hả vào vụ vàng mã

Năm hết Tết đến người dân làng Phúc Am (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) lại tất bật làm vàng mã xanh, đỏ, tím, vàng phục vụ "người âm". Từ người già đến trẻ nhỏ đều tất bật vót tre, làm khung, dán giấy, hối hả chuẩn bị cho vụ mùa lớn nhất trong năm.

Làng Phúc Am hối hả vào vụ vàng mã - 1

Người làng Phúc Am tất bật chuẩn bị cho những đơn hàng cuối năm. Ảnh: K.O

Tăng người làm lên gấp ba

Xuôi về phía Nam, cách trung tâm Hà Nội khoảng hơn 20km, Phúc Am là một trong những làng nghề sản xuất đồ vàng mã truyền thống ở Hà Nội. Những ngày này đến với làng nghề Phúc Am bạn sẽ cảm nhận được một không khí Tết đang về rất gần, cả ngôi làng giống như một công xưởng thực thụ đang hối hả chuẩn bị cho vụ mùa lớn nhất năm.

Không khó để tìm kiếm những gia đình làm nghề vàng mã. Bởi cơ sở sản xuất ở đây có quy mô lớn, số lượng người làm ngày càng gia tăng, nhất là những ngày cuối năm. Chính vì vậy, từ đầu làng đi vào sẽ thấy ngay trước mặt các xưởng sản xuất hai bên lề đường ngổn ngang các loại giấy, các loại hình nhân sẵn bằng tre đã đan lát khô ráo, các nhân công chăm chút dán và ghép sản phẩm của mình.

Trước kia làng nghề Phúc Am chủ yếu sản xuất đồ phục vụ cúng tế như voi, ngựa, rắn, người sơn trang, hình nhân hay các vị tướng. Vài năm nay, để bắt kịp thị hiếu tiêu dùng, những người làm nghề còn thiết kế cả nhà lầu, xe máy, xe hơi và những vật dụng khác theo yêu cầu của khách đúng theo quan niệm “trần sao âm vậy”.

Những ngày cận Tết, người làng từ trẻ nhỏ tới các cụ ông, cụ bà đều miệt mài với “vàng mã”. Bà Vũ Thị Phố, một người dân đã gắn bó với nghề vàng mã được hơn 40 năm cho biết: “Tôi sống đến nay đã được gần 60 tuổi rồi, mấy năm nay kinh tế của nhiều hộ gia đình cũng trở nên khá giả hơn từ việc sản xuất vàng mã”.

Bà Vũ chia sẻ thêm, những ngày này các thành viên trong gia đình bà đều giành hết thời gian của mình để làm vàng mã cho kịp tiến độ chuyển đến các đại lý ở khắp nơi. Trước kia cơ sở sản xuất của bà chỉ có 2-3 người làm, nhưng mỗi khi Tết đến bà phải thuê thêm 5-6 công nhân để kịp tiến độ. Mỗi ngày gia đình bà cũng nhận được đến cả trăm đơn hàng.

Những ngày này, người dân làng Phúc Am đang tất bật với các đơn hàng Tết ông Công ông Táo, vừa phải đẩy nhanh tiến độ hàng hóa Tết Nguyên đán và thậm chí là hàng hóa dành cho các gia đình giải hạn, trả lễ cuối năm. Đây là thời điểm bận rộn nhất trong năm và cũng là mùa của nghề sản xuất vàng mã truyền thống.

“Tâm lý của người dân cũng dần thay đổi, họ đốt vàng mã cũng ít dần đi. Ngay cả trong các ngôi chùa, ngôi đền trước kia chúng tôi nhận được rất nhiều đơn đặt hàng nhưng một vài năm trở lại đây thì số lượng cũng ít dần đi. Đây có thể là một tín hiệu vui cho xã hội nhưng lại là tin buồn với những người làm nghề như chúng tôi” anh Đỗ Xuân Hùng người dân ở đây chia sẻ

Sản phẩm @ lên ngôi

Làng Phúc Am hối hả vào vụ vàng mã - 2

Các sản phẩm vàng mã tại làng nghề Phúc Am.

Theo anh Hùng, làm nghề vàng mã không hẳn vất vả và khó khăn, chỉ bận rộn thời gian 1 gấp 10 là khi vào đúng mùa, đúng thời điểm. Công việc này cũng đòi hỏi một chút khéo léo, tỉ mỉ nên đòi hỏi những người nền tính, nhẫn nại.

Các sản phẩm vàng mã ở Phúc Am được gia công hết sức phong phú, đa dạng, sản xuất cung cấp phục vụ "người âm" như: tượng pháp, tháp bảo đài, ngựa, voi, mũ áo... Tất cả đều được thiết kế tỉ mỉ từ màu sắc, hình hài đều giống như đồ thật.

Phải tự mình đặt chân tới tận ngôi làng Phúc Am, tận mắt chứng kiến các gia đình làm vàng mã truyền thống mới thấy rất nhiều sản phẩm làm ra sáng tạo và hợp thời, hợp xu thế. Bên cạnh những mặt hàng thông thường, người làng Phúc Am còn sản xuất các vật dụng cao cấp (sản phẩm @) như: tivi, ô tô, điện thoại theo từng đơn đặt hàng. Nhiều loại vàng mã có mẫu mã, hình dáng giống hệt với các sản phẩm thật.

Tất nhiên, các sản phẩm làm ra không những cần đa dạng về chủng loại mà còn yêu cầu cả kích cỡ. Rất nhiều mô hình bằng vàng mã có chiều dài, rộng, cao lên tới cả mét. Do đó số tiền để bỏ ra để mua một sản phẩm như vậy thì có giá không hề nhỏ.

“Trước kia chúng tôi chỉ sản xuất các mặt hàng truyền thống như tiền vàng, quần áo, mũ mã, hình nhân,... nhưng những năm gần đây chúng tôi phải sản xuất thêm các sản phẩm “hiện đại” như siêu xe, ti vi, điện thoại, máy ảnh,... theo đơn đặt của khách hàng. Với tâm lý “trần sao âm vậy” nên người dương thường cố gắng sắm sửa đầy đủ các vật dụng giống như trên trần thế cho người âm dùng”, anh Hùng cho biết.

Đối với người dân làng Phúc Am, làm nghề làm vàng mã sẽ giúp họ kiếm được kha khá lợi nhuận. Hơn nữa, đối thủ cạnh tranh không nhiều bằng các ngành khác. Cũng như nghề làm đồ mã có thể làm quanh năm mà không lo hết việc. Họ nói rằng trong tháng có ít nhất 2 lần mọi người sẽ đến mua hàng là ngày mùng 1 và ngày Rằm chưa kể đến ngày lễ, Tết.

Kỹ thuật để làm vàng mã hiện nay cũng ngày càng trở nên dễ dàng hơn. So với việc trước đây mọi người đều phải tự tay vẽ và cắt ra các hình từ những tờ giấy xanh, đỏ, tím thì bây giờ chỉ cần lấy mẫu từ những nghệ nhân khéo tay, sau đó mang bản mẫu đi in là có thể tạo ra rất nhiều bản vẽ khác nhau mà không mất nhiều thời gian như trước.

Tuy nhiên, để tạo ra các sản phẩm hàng mã độc đáo như vậy đòi hỏi sự khéo léo, am hiểu của người nghệ nhân. Vì có những sản phẩm không thể in ra được, bắt buộc phải làm bằng tay.

Theo nhiều người dân làng Phúc Am thì mỗi đơn hàng các thương lái đặt thì mỗi gia đình lãi ít nhất 5.000 đến 50.000 đồng một sản phẩm tùy chất liệu và hình khối.

Việc đốt vàng mã đã có từ lâu và trở thành nghi thức không thể thiếu nhưng việc này có tác hại cả về kinh tế và môi trường. Những năm gần đây, nhiều địa phương đã tăng cường vận động, nhắc nhở người dân hạn chế đốt vàng mã để vừa tiết kiệm, vừa làm đẹp mỹ quan đô thị. Nhờ vậy, thói quen đốt vàng mã của người dân đã và đang thay đổi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Kim Oanh (Gia đình & Xã hội)
Tết Nguyên đán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN