Lạm phát giảm do may mắn?

Không phủ nhận công sức điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi đã kéo chỉ số lạm phát xuống thấp, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, phần nhiều do may mắn.

Trong báo cáo “ Hoạt động NH Việt Nam: Bức tranh toàn cảnh 2012 và khuyến nghị chính sách 2013”, do Học viện Ngân hàng tổ chức tổ chức lấy ý kiến chuyên gia ngày 25/12 đã đưa ra những điểm sáng như: lạm phát được kiềm chế thành công ở mức 6,81%; tỷ giá ổn định trên cả thị trường chính thức và tự do, dữ trữ ngoại hối tăng; mặt bằng lãi suất cho vay giảm đáng kể; thực hiện nghiêm túc chống đô la hóa, vàng hóa nền kinh tế….

Theo chuyên gia tài chính-ngân hàng, TS Lê Xuân Nghĩa, nếu năm 2011 vấn đề thanh khoản là mối nguy cho tất cả các NHTM thì đến nay, toàn hệ thống có thể yên tâm về vấn đề này.

“Dù lòng tin của nhà đầu tư suy giảm mạnh, nhưng trong thời gian ngắn NHNN vẫn hoàn thành được mục tiêu chủ chốt thì đây là một thành công đáng kể”, ông Nghĩa nói.

Dù vậy, với nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ông Nghĩa cho rằng, một phần “công sức” thuộc về điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, nhưng phần nhiều là nhờ may mắn vì giá lương thực đã giảm mạnh trong năm nay. Theo đó, giá lương thực giảm từ tháng 1 đến tháng 9, giá thực phẩm giảm từ tháng 3 đến tháng 9. Hai mặt hàng này chiếm 40% trong tỷ trọng rổ chỉ số giá tiêu dùng nên chắc chắn kéo lạm phát thấp.

Lạm phát giảm do may mắn? - 1

Lạm phát thấp do giá lương thực, thực phẩm giảm

“Nếu tính lạm phát cơ bản mà loại bỏ lương thực thực phẩm và xăng dầu - thì lạm phát năm 2012 vẫn xấp xỉ 11%. Đây cũng là cảnh báo nếu không cẩn thận năm 2013 giá lương thực thực phẩm sẽ tăng trở lại thì việc kiểm soát lạm phát còn khó khăn hơn”, ông Nghĩa cho hay.

Đồng tình quan điểm này, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cũng thẳng thắn, không nên “quy” thành công thuộc về NHNN khi lạm phát năm nay được kiềm ở mức một con số.

Ông Ánh cho rằng: “Tuy lạm phát năm nay hao hao giống năm 2009 nhưng tính bình quân cả năm là 9,21%. Con số này tốt là tốt với mục tiêu kế hoạch đề ra trước đó, chứ về bản chất, tôi cho rằng chưa ổn, vì mức đó vẫn là khá cao”.

Về tỷ giá hối đoái, ông Ánh nhận định, đây là “cái được” nhất của điều hành chính sách tiền tệ, nhưng không hẳn là thành công thuộc về NHNN. Bởi, theo ông Ánh, năm 2012 là năm cực kỳ đặc biệt- một năm có nhiều chỉ số biến động kỳ lạ, không giống bất cứ năm nào. Năm 2011, thâm hụt thương mại tới tận 10 tỷ USD, năm nay hồi tháng 10 tháng 11 còn công bố vẫn âm 1 tỷ USD.

“Tự dưng, mới đây lại công bố Việt Nam là nước xuất siêu trên 280 triệu USD (mà tôi không hiểu tại sao?), khiến dự trữ ngoại hối tăng vọt khoảng 20 tỷ USD. Chính những điều này giúp ổn định cán cân thanh toán. Rõ ràng tỷ giá ổn định là do nguyên nhân khách quan chứ không hẳn do chính sách điều hành tiền tệ”, ông Ánh khẳng định.

Theo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2012 tăng 0,27% so với tháng trước và tăng 6,81% so với tháng 12/2011. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2012 tăng 9,21% so với bình quân năm 2011. Kết quả này đồng nghĩa với chỉ số lạm phát cả năm 2012 đã được kiềm chế ở mức 6,81%, thấp hơn nhiều so với ngưỡng dưới 10% mà Chính phủ đặt mục tiêu. Lạm phát của năm 2012 đã dừng ở mức dưới 7%, đảm bảo được mục tiêu của Quốc hội đề ra, bằng 1/3 con số tương ứng của năm 2011.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Trà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN