Lạm phát 2013 sẽ ở mức nào?

Dự báo mức thấp nhất CPI năm 2013 sẽ là 5,5%, cùng với đó là tăng trưởng GDP ước đạt 5%, trong trường hợp kinh tế còn nhiều khó khăn.

Đó là ý kiến của nhiều nhà kinh tế khi đánh giá về chỉ số lạm phát của Việt Nam trong buổi Hội thảo khoa học: “Kinh tế Việt Nam năm 2012 và Triển vọng phát triển năm 2013” ngày 7/12.

Lạm phát còn thiếu tính bền vững

Bà Phó Thị Kim Chi, Phó trưởng ban phụ trách Ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm Thông tin Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (TTDBKTXHQG) cho biết: Ổn định vĩ mô đạt được nhiều thành tựu nhưng chưa bền vững. Nhiều chỉ tiêu vĩ mô thể hiện ổn định kinh tế vĩ mô được cải thiện quan trọng là: CPI và nhập siêu giảm, dự trữ ngoại hối tăng, cán cân tổng thể thặng dư.

Bà nhấn mạnh, một trong những thành tựu nhìn rõ nhất là chỉ số CPI giảm. Đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong năm 2011, điều này giúp thực hiện mục tiêu quan trọng hàng đầu: ổn định kinh tế vĩ mô của nền kinh tế. Nếu ở năm 2011 mức lạm phát là trên 18% thì năm 2012 dự báo CPI sẽ đạt ở mức 7,3%. Đây là con số đạt chỉ tiêu về ổn định kinh tế vĩ mô (CPI dưới 2 con số).

Lạm phát 2013 sẽ ở mức nào? - 1

Lạm phát năm 2012 đã đạt được mục tiêu đề ra nhưng nguy cơ lạm phát cao quay trở lại luôn thường trực. 

Theo báo cáo từ Ban Phân tích và Dự báo Trung tâm TTDBKTXHQG cho biết, mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức thấp năm 2012 của Việt Nam có thể được đánh giá là khá thành công. Với những chính sách tiền tệ thắt chặt có kiểm soát, cắt giảm chi tiêu đầu tư công… đã làm chỉ số giá tiêu dùng các tháng năm 2012 so với cùng kỳ liên tục giảm.

Trong suốt những tháng đầu năm, với việc thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, mức lạm phát theo tháng là khá ổn định ở mức thấp, thậm chí có giá trị âm trong tháng 6 và tháng 7, lần lượt là -0,26% và -0,29%. Tuy nhiên, ngay khi có những động thái nới lỏng hơn nhằm trợ giúp sản xuất cũng như khi một số mặt hàng thiết yếu và dịch vụ công tăng giá, CPI lập tức tăng vọt trở lại ở mức rất cao. Điều này cho thấy, tăng lạm phát vẫn còn nguy cơ thường trực của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện tại.

Xoay quanh vấn đề lạm phát, ông Lương Văn Khôi, Trưởng Ban Kinh tế thế giới, TTDBKTXHQG cho biết: Một trong những tác động của kinh tế thế giới tới Việt Nam chính là lĩnh vực tài chính và tiền tệ. Việc các nền kinh tế ưu tiên mục tiêu tăng trưởng kinh tế và đang đồng loạt thực thi chính sách nới lỏng tiền tệ có thể khiến giá cả thế giới trong thời gian tới tăng nhanh trở lại. Giá đầu vào trên thị trường quốc tế tăng có thể khiến sức ép lạm phát trong thời gian tới của Việt Nam tăng trở lại.

Ông Khôi phân tích thêm, khi Mỹ và các nền kinh tế lớn bơm một lượng tiền lớn ra thị trường sẽ góp phần kích thích tổng cầu thế giới, từ đó làm tăng tổng cầu nhập khẩu đồng thời, thông qua chuyển dịch luồng vốn đầu tư cũng sẽ làm tổng cầu của Việt Nam tăng lên. Điều này khiến giá cả hàng hóa dịch vị thế giới tăng, từ đó làm tăng giá cả các mặt hàng nhập khẩu, tiêu dùng cũng như sản xuất trong nước từ đó mà kích hoạt lạm phát trong nước tăng mạnh.

Nhận định về kết quả CPI năm 2012, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho biết: thực tế thì nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhiều vấn đề rủi ro khó giải quyết được. Vấn đề nợ xấu ngân hàng, tái cấu trúc doanh nghiệp không phải là điều dễ thực hiện trong năm tới. CPI tuy giảm nhưng còn nhiều biến động, không ổn định.

Lạm phát năm 2013 sẽ là bao nhiêu?

Tại hội thảo, PGS.TS Đỗ Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội quốc gia dự báo chỉ số CPI của Việt Nam trong năm 2013 sẽ có 3 con số trong 3 kịch bản.

Trong trường hợp kinh tế tăng trưởng thấp khi tình hình thế giới không tăng trưởng cao như mong muốn thì CPI của Việt Nam sẽ đạt 5,5%, cùng với đó là tăng trưởng GDP ước đạt 5%, tăng trưởng xuất khẩu là 12,8% và nhập siêu 2,4%.

Trường hợp tình hình kinh tế thế giới có dấu hiệu tốt lên, luồng vốn FDI vào Việt Nam khả quan hơn thì chỉ số CPI của nước ta sẽ là 7,1%, theo đó tăng trưởng GDP là 5,68% và tăng trưởng xuất khẩu là 14,6%.

Lạm phát 2013 sẽ ở mức nào? - 2

Chuyên gia kinh tế dự đoán nhiều khả năng năm 2013 lạm phát sẽ dừng ở con số 7,1% .

Còn trong trường hợp kinh tế tăng trưởng cao khi tình hình thế giới thuận lợi, khả quan hơn; các chính sách trong nước linh hoạt, kịp thời và hiệu quả… thì lạm phát của Việt Nam sẽ là 8,2% cùng với chỉ số này thì GDP của Việt Nam là 6,34 %, tăng trưởng xuất khẩu là 16,3% và nhập siêu là 6,6%.

Ông cũng cho biết thêm, theo nghiên cứu thì trong 3 kịch bản trên kịch bản thứ 2 được nhóm nghiên cứu cho là kịch bản chủ có nhiều khả năng xảy ra nhất, tức là lạm phát của Việt Nam trong năm 2013 sẽ vào khoảng 7,1%.
 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lan Nguyễn (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN