Lại xuất hiện thương lái thu mua “kiểu lạ” ở miền Tây

Sự kiện: Kinh Doanh

Những ngày qua, nông dân tại các tỉnh, thành ĐBSCL lại bất ngờ, xôn xao bàn tán trước việc xuất hiện thương lái thu mua nông sản non, phế phẩm từ sản xuất với giá cao ngất ngưởng.

Điều đáng ngại là cả người bán, người thu gom tại địa phương, chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng đều không nắm rõ việc thương lái thu mua để làm gì, ở đâu (?!).

Mua vảy cá sặc, giá cao

Vài tháng trở lại đây, tại làng khô cá sặc bổi xã Khánh An, huyện An Phú (An Giang) rộ lên việc thương lái tìm đến thu mua vảy cá sặc với giá cao, đặc biệt rất hút hàng. Điều đáng lo ngại là hiện tại không ai biết thương lái thu mua vảy cá để làm gì và vận chuyển đi đâu?

Theo ghi nhận của PV Báo CAND tại cơ sở sản xuất khô S., (xã Khánh An), sau khi nhóm công nhân khoảng 10 người làm xong một đợt cá, thì chị Nguyễn Thị Mới (31 tuổi) lại thu gom vảy, cho vào sọt, tập trung cẩn thận ở một góc khô ráo. 

Được hỏi thì chị Mới cho biết: “Trước đây, vảy cá là phế phẩm, sau khi làm xong phải gom bỏ, dọn dẹp rất cực. Nhưng nay, có thương lái đến thu mua, tạo ra nguồn thu nhập thêm không hề nhỏ”.

Chị Mới kể thêm: “Khoảng hơn một năm trước, có người đến gặp tui và thỏa thuận sẽ thu mua vảy cá sặc với giá 1.200đ/kg. Tưởng nói đùa, ai dè vài ngày sau họ quay lại thu mua thật. Nhưng vài tháng trở lại đây, vảy cá rất hút hàng, mình thu mua được càng nhiều thì họ tăng thêm giá cao hơn”.

Lại xuất hiện thương lái thu mua “kiểu lạ” ở miền Tây - 1

Vảy cá sặc được thương lái thu mua với giá cao.

Theo tính toán của chị Mới, mỗi ngày chị thu gom và bán được gần triệu đồng tiền vảy cá, vì với 10 tấn cá mỗi ngày, cơ sở khô S. cho ra khoảng 600kg vảy cá.

Khi được hỏi có biết thương lái thu mua vảy cá chở đi đâu và làm gì thì hầu hết mọi người tại xã Khánh An đều lắc đầu, không biết. 

Chị Lê Thị Kiến (49 tuổi, xã Khánh An), tỏ vẻ rành rọt: “Nhiều người đồn thương lái mua vảy cá mang về lót ổ cho cá sấu đẻ, làm dược liệu, phân bón… nhưng không biết đâu mới là sự thật. Thấy vảy cá hút hàng nên người quen của tôi cũng đứng ra thu gom”.

Theo đó, những người dân nơi đây sẽ thu gom tại những điểm nhỏ, lẻ với giá từ 1.200-1.500đ/kg vảy cá, sau đó đến chiều tối sẽ có xe tải đến thu mua lại với giá 2.000đ/kg.

Ông Cao Xuân Điệu, Chủ tịch UBND xã Khánh An, cho biết: “Ở địa phương có xuất hiện tình trạng thương lái thu mua vảy cá sặc với giá 2.000đ/kg. Qua làm việc với các cơ sở sản xuất khô, thì họ cho biết thương lái mua vảy cá để làm phân bón. Việc thương lái thu mua rồi chở đi đâu địa phương không rõ. Thương lái thu mua vảy cá chỉ mới xuất hiện thời gian gần đây, còn trước giờ có mua đầu và ruột với giá cao hơn rất nhiều để chế biến thức ăn”.

Điều khiến chúng tôi băn khoăn là khi hỏi xin số điện của thương lái hoặc hỏi địa điểm giao hàng thì người dân nơi đây tuyệt đối không tiết lộ, thậm chí dừng việc mua bán vảy cá lại… 

“Nếu đúng, vảy cá được mua về phục vụ cho việc sản xuất phân bón, hay tận dụng vào chăn nuôi thì đây là một tín hiệu mừng, vì nếu không tận dụng thì vảy cá cũng sẽ bị bỏ đi như một phế phẩm, chưa kể gây ô nhiễm môi trường. Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng nên tìm hiểu kĩ sự việc, để có những hướng dẫn, khuyến cáo cho bà con. Tránh việc bà con thấy lợi trước mắt, đầu cơ thu mua, sau đó thương lái “biệt tăm” thì tiền mất tật mang”, một cán bộ địa phương đồng quan điểm với chúng tôi, bày tỏ.

Gom lúa non, gốc rạ để làm thuốc nam

Tại xã Đại Hòa Lộc, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, người dân địa phương đang xôn xao bàn tán trước việc một người đàn ông đứng ra thu mua “mão” lúa non bằng hoặc cao hơn với giá lúa đã được thu hoạch. Người đàn ông nói trên là Dương Văn Ba (quê quán tại TP Hồ Chí Minh) đến làm ăn sinh sống tại xã Đại Hòa Lộc.

Công an địa phương xác định với PV Báo CAND rằng ông Ba chưa đăng ký tạm trú. Hiện ông Ba đang tạm trú tại nhà bà Nguyễn Thị Chi (ấp Bình Huề, xã Đại Hòa Lộc).

Theo tìm hiểu, từ tháng 11-2018 đến nay, ông Ba đã liên hệ với một số người dân tại xã Đại Hòa Lộc để hợp đồng mua “mão” 7 công lúa non, mới ngậm đòng của 2 hộ dân Nguyễn Văn Tuấn và anh Lê Quốc Dũng (cùng ngụ tại ấp Bình Huề 1, xã Đại Hòa Lộc). 

Theo các  hộ dân đã bán lúa non cho ông Ba, thì mỗi công ông Ba và người bán tính “mão” 25 giạ lúa, với giá 200.000đ/giạ.

Như vậy, mỗi công lúa khi vừa ngậm đòng, người dân đã bán cho ông Ba và thu về số tiền 4,5 triệu đồng, mà không cần công chăm sóc cho đến cuối vụ. Các hộ dân cho biết, theo lời ông Ba thì việc mua lúa non là để mang về Sài Gòn bào chế... thuốc nam (?).

Một số hộ dân khác thì cho rằng ông Ba đã mua lúa bán cho thương lái Trung Quốc. Vài năm trước đây, ông Ba cũng đã từng thu mua gốc rạ, rơm cũng để làm thuốc nam. 

Được biết, hiện tại ông Ba và bà Chi không có mặt ở địa phương. Đa phần các hộ dân ở đây, sau khi được cơ quan chức năng tuyên truyền và nhận thấy cách mua bán của ông Ba có biểu hiện bất thường nên kiên quyết không bán, dù giá có cao hơn so với việc chờ đến khi lúa chín.

Ông Lê Văn La, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bình Đại cho biết, hiện tượng thương lái mua “mão” lúa rồi thu hoạch khi ở giai đoạn lúa mới trổ đòng, chưa ngậm sữa xảy ra tại xã Đại Hòa Lộc lần đầu tiên xuất hiện trên địa bàn. Theo công văn của UBND huyện, ngành chức năng tiếp tục theo dõi, đẩy mạnh công tuyên truyền để nâng cao cảnh giác cho bà con nông dân. Tránh làm ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của người dân và tình hình ANTT tại địa phương.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Lĩnh ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN