Lạ mà hay: Nuôi 600 con “lợn mi ni”, ăn cỏ voi, lãi 400 triệu/năm
Ông Nguyễn Văn Huân, bản Kim Tân, xã Huy Bắc, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La nuôi 600 con dúi, chúng chủ yếu ăn cỏ voi, thân cây tre, mỗi năm lãi hơn 400 triệu đồng. Người dân địa phương gọi ông Huân nuôi 600 con "lợn mi mi", chủ yếu ăn thân cây tre, nứa mà có doanh thu lớn.
Đến thăm trang trại nuôi dúi của ông Huân, tận mắt thấy những đàn dúi béo tròn, đang lúc nhúc gặm những khúc tre, nứa. Cả khu chuồng trại nuôi dúi của gia đình ông Nguyễn Văn Huân rộng chưa đầy 100 m2, thế mà nuôi hàng đàn "lợn mi ni" tới hàng trăm con, mỗi năm cho thu hàng trăm triệu đồng. Ông Huân bảo, trước ông nuôi lợn nhiều, từ khi giá lợn cứ đuối dần, ông giảm đàn lợn, chuyển qua nuôi nhiều dúi.
Việc chăm sóc đàn dúi, ngắm đàn dúi gặm thân cây tre, cây nứa tươi làm ông Huân thêm vui vẻ và có động lực làm giàu từ loài vật nuôi này.
Ông Huân kể: Tôi vốn có sở thích nuôi dúi từ lâu. Trong một lần đi cơ sở thấy người dân bán dúi rừng, tôi đã mua về thuần hóa để nhân nuôi. Mới đầu tôi nghĩ nuôi chơi chứ không nghĩ nuôi làm kinh tế. Rồi biết tôi nuôi dúi người đến hỏi mua ngày một nhiều. Và thời điểm này, nghề nuôi lợn của gia đình tôi đang rơi vào cảnh khó khăn vì giá cả bấp bênh nên tôi đã quyết định giảm đàn lợn và chuyển một phần diện tích chuồng trại sang làm chuồng nuôi dúi.
Với kinh nghiệm vốn có, sau 2 năm chăm sóc, cho sinh sản, đến nay tổng đàn dúi của gia đình ông Nguyễn Văn Huân tăng lên hơn 600 con, trong đó, trên 150 con dúi nái sinh sản, còn lại là dúi giống và dúi thịt. Theo ông Huân, nuôi dúi không khó, nhàn hơn nuôi lợn và hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với nuôi lợn. Với giá bán trung bình 350.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm ông Huân đút túi hơn 400 triệu đồng từ bán dúi giống và dúi thịt.
Những đàn dúi to béo, trọng lượng trung bình 1,5kg/ con đang được ông Nguyễn Văn Huân chuẩn bị xuất bán.
Chia sẻ về kỹ thuật nuôi dúi, anh Huân cho hay: Nuôi dúi không phải dùng đến thuốc thú y vì loài này có sức đề kháng rất cao. Thức ăn của chúng chủ yếu là cỏ voi, thân cây mía và thân tre, nứa, trong đó cỏ voi chiếm 80% lượng thức ăn. Một năm, 1 dúi nái có thể sinh sản 3-4 lần, mỗi lần đẻ nhiều nhất là 5 con, bình quân là đẻ 3 con. Loài dúi không thích di chuyển nhiều, ưa yên tĩnh và râm mát. Nhất là khi dúi mẹ đẻ càng không được di chuyển hay gây tiếng động mạnh. Mỗi ngày chỉ cần cho dúi ăn 1 lần. Thậm chí trong ngày quên không cho dúi ăn cũng không sao. Thỉnh thoảng cho dúi ăn kèm theo ít hạt ngô khô. Về chuồng trại không cần phải làm phức tạp, chỉ cần dùng các tấm gạch men loại 50 cm x 50 cm ốp vào làm chuồng là được, không cần phải che chắn.
Hiện dúi thịt do gia đình ông Huân nuôi đang được nhiều tư thương ở tận các tỉnh Yên Bái và Hà Nội, Thanh Hóa... đến đặt mua liên tục nên dúi bị "cháy hàng". Trước nhu cầu thị trường tiêu thụ lớn như vậy, ông Huân đang dự tính mở rộng khu vực nuôi lên vài nghìn con con dúi...
Nuôi dúi không mấy vất vả, thức ăn của chúng chủ yếu là cỏ voi, thân tre, mía
Năm nay cam ở đây không chỉ được mùa mà cánh thương lái còn chen chúc nhau đến đặt mua liên tục.