Khi doanh nghiệp kiện cơ quan nhà nước

Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM cho rằng doanh nghiệp không nên “dĩ hòa vi quý” mà khi cần, phải mạnh dạn khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình và giúp cơ quan nhà nước sửa sai.

Gần đây, nhiều vụ việc doanh nghiệp (DN) kiện cơ quan quản lý nhà nước nhũng nhiễu, làm khó hoặc yếu kém năng lực khi thực thi nhiệm vụ đã xảy ra.

Doanh nghiệp ngại “đụng chạm”

Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, cho biết gần đây, rất nhiều DN đã nhờ hiệp hội tư vấn có nên khởi kiện khi các cơ quan quản lý ban hành quyết định chưa hợp lý hay không.

“Xưa nay, khi “đụng chạm” với cơ quan nhà nước, DN rất ít khi nghĩ tới việc dùng tòa án để giải quyết” - luật sư Hưng nhận xét. Theo ông, ở nhiều nước, việc khiếu kiện giữa DN với cơ quan nhà nước là bình thường. Luật sư Hưng cho rằng DN không nên chọn giải pháp “dĩ hòa vi quý” mà khi cần, phải mạnh dạn khởi kiện để không chỉ bảo vệ quyền lợi của mình mà còn giúp cơ quan nhà nước sửa sai. Dù vậy, trước hết, DN cần phải làm tốt và không nên để vi phạm, tránh xảy ra xung đột với cơ quan quản lý.

Khi doanh nghiệp kiện cơ quan nhà nước - 1

Lực lượng QLTT kiểm tra một lô hàng (ảnh chỉ mang tính minh họa) Ảnh: TRỌNG ĐỨC

“Tôi thấy nhiều DN bức xúc lắm rồi. Nhà nước nên bổ sung những quy định để tạo điều kiện cho DN có quyền khởi kiện cơ quan quản lý hoặc công chức có hành vi thực thi sai nhiệm vụ, làm không đúng trách nhiệm gây nhũng nhiễu, phiền hà... Trong trường hợp DN đã bị thiệt hại thì cần hoàn thiện quy định của pháp luật, cần sự trợ giúp của đội ngũ luật sư để giúp họ làm rõ mức độ thiệt hại, phân định rõ đúng sai của các bên nhằm bảo đảm quyền lợi cho DN” - TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, nhìn nhận.

Ông Doanh dẫn chứng: “Có DN ở Hà Nội chuyên xuất khẩu thực phẩm ra nước ngoài đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, được các cơ quan về môi trường tại châu Âu chứng nhận. Thế nhưng, nhiều lực lượng tới kiểm tra rồi phạt họ, chưa kể còn có hành vi đe dọa khiến DN phải “đút lót” tiền. Nếu không nhanh chóng có kênh bảo vệ DN và chế tài chặt chẽ đối với lực lượng thực thi công quyền thì sẽ có nhiều DN chán nản, rời bỏ môi trường đầu tư ở Việt Nam”.

Từng phải kiện một cơ quan nhà nước, ông Đặng Quang Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH Mạnh Cầm (Hà Nội), trải lòng: “Chúng tôi kinh doanh, bên cạnh lợi nhuận thì điều mong muốn là có thể mang lại những sản phẩm chất lượng tốt nhất, giá cả cạnh tranh nhất cho người tiêu dùng. Tôi mong các cơ quan nhà nước có những chính sách hỗ trợ, hướng dẫn, khuyến khích, tạo điều kiện cho DN có cơ hội kinh doanh thuận lợi và phát triển”.

Kiện tụng là chuyện bình thường

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Đoàn Luật sư Hà Nội, phân tích: “Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra đã có. Luật này có thể áp dụng được với rất nhiều trường hợp DN bị thiệt hại trong quá trình thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, luật chưa được phổ biến đến đông đảo DN, nhất là DN vừa và nhỏ hay thương nhân buôn bán nhỏ lẻ. Do đó, khi gặp các vụ việc ảnh hưởng đến quyền lợi, nhiều trường hợp tỏ ra lúng túng hoặc phải chạy cửa sau”.

Theo luật sư Nguyễn Thành Công, Giám đốc Công ty Đông Phương Luật (TP HCM), lẽ ra, việc DN kiện cơ quan quản lý nhà nước đã xảy ra từ rất lâu rồi và nhiều hơn nữa. Phải xem va chạm này là bình thường, thậm chí cần xác định đây là biểu hiện cho sự phát triển xã hội và của một nền tư pháp tiến bộ. “Khi DN vi phạm thì phải bị chế tài. Vậy, khi cơ quan quản lý nhà nước vi phạm thì không cớ gì lại được loại trừ trách nhiệm” - ông so sánh.

Một số vụ tiêu biểu

- Ngày 21-2-2013, Chi cục QLTT Hà Nội thu giữ gần 6.000 hộp sữa Danlait của Công ty TNHH Mạnh Cầm để kiểm tra. Sau hơn 3 tháng không được bảo quản đúng, số hàng hóa này hư hỏng rất nhiều. Trong khi chưa có kết luận kiểm định từ cơ quan chức năng, các cá nhân thuộc Chi cục QLTT Hà Nội đã có nhiều phát biểu về chất lượng sản phẩm và hoạt động kinh doanh của Công ty Mạnh Cầm.

Lãnh đạo công ty cho biết đã khởi kiện ông Vương Trí Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội, vì cho rằng những chỉ đạo của ông đã gây thiệt hại cho họ tính đến thời điểm này là hơn 26 tỉ đồng.

- Ngày 18-9-2013, Cục Thuế TP HCM ấn định số thuế phải nộp của Công ty TNHH Timatex Việt Nam là hơn 56,75 tỉ đồng. Để thu hồi nợ thuế, tiền phạt và chậm nộp, cục thuế cưỡng chế thi hành bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của công ty tại ngân hàng và thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng.

Timatex Việt Nam cho biết đã quyết định khởi kiện Cục Thuế TP HCM bởi từng gửi khiếu nại nhưng không hiệu quả.

- Tháng 7-2014, TAND TP HCM tuyên y án sơ thẩm hủy bỏ quyết định của Chánh Thanh tra Bộ Tài chính đối với Công ty CP Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco). Maseco được hưởng ưu đãi đầu tư và kê khai nộp thuế thu nhập DN theo chính sách ưu đãi đầu tư nhưng Thanh tra Bộ Tài chính cho rằng DN này kê khai không đúng thuế thu nhập DN nên truy thu thuế.

Maseco đã khởi kiện, yêu cầu hủy bỏ quyết định của Thanh tra Bộ Tài chính...

Góc nhìn: Cảnh báo quan chức về văn hóa ứng xử

Vụ Công ty TNHH Mạnh Cầm đang kiện ông Vương Trí Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội, đòi bồi thường các thiệt hại vật chất, tinh thần được cho là hậu quả trực tiếp của các hành vi ứng xử của bị đơn trong quá trình thực thi công vụ, đặc biệt là thiệt hại từ những lời bình phẩm bất lợi làm giảm sút uy tín của doanh nghiệp (DN).

Để biết ai là người có lý trong vụ này, còn phải chờ phán quyết của tòa án. Tuy nhiên, vụ kiện này - cũng như nhiều vụ việc tương tự xảy ra trong thời gian gần đây - cho thấy sự cần thiết của việc cảnh báo đối với quan chức về văn hóa ứng xử trong quan hệ xã hội.

DN sống được và có điều kiện khuếch trương cơ nghiệp kinh doanh phần lớn là nhờ uy tín xã hội tạo ra, không thể có được trong ngày một ngày hai mà phải trải qua một quá trình “cày ải” gian khổ trên thương trường. Nếu việc xây dựng uy tín, tên tuổi mất nhiều thời gian, công sức, chi phí thì việc giảm sút, thậm chí đánh mất luôn tên tuổi, uy tín lại có thể diễn ra rất nhanh và dễ dàng. Bởi vậy, mới có chuyện các đối thủ cạnh tranh bằng cách bôi đen thương hiệu của nhau thông qua những hành vi tạo dựng chuyện bê bối: bỏ ruồi, nhặng vào đĩa thức ăn, chai nước;  làm hàng giả, hàng nhái thương hiệu với chất lượng kém...

Việc lên tiếng đánh giá công khai của quan chức cũng được cho là phương thức mà người ta có thể sử dụng khi cần hạ thấp hoặc nâng cao tên tuổi, uy tín của DN. Lý do là tiếng nói của quan chức thường được tin cậy nhờ được bảo đảm bằng cương vị nắm giữ và quyền lực gắn với cương vị đó. Có những tiếng nói đủ mạnh, chỉ cần được các phương tiện truyền thông ghi nhận và phát đi rộng rãi ra công chúng một lần cũng đủ làm tiêu tan một tên tuổi gầy dựng trong nhiều năm.

Vụ kiện nêu trên còn cho thấy nhận thức về quan hệ giữa người dân thường và người nắm quyền lực công đã có dấu hiệu thay đổi. Từ chỗ thụ động, chấp nhận sự đối xử của cơ quan có thẩm quyền theo kiểu trong nhờ đục chịu, người dân đã mạnh dạn nắm lấy và sử dụng các công cụ pháp lý được trao cho mình để đòi hỏi sự công bằng, một khi nhận thấy việc làm đó là chính đáng.

Trong xã hội có tổ chức, mọi chủ thể đều có quyền mưu cầu lợi ích cho bản thân theo những cách thức không trái luật và có quyền thụ hưởng lợi ích thu được với sự bảo hộ của nhà chức trách. Nếu bỗng dưng mất mát về vật chất, tinh thần mà không phải do nguyên nhân khách quan hay lỗi của bản thân, người thiệt hại có quyền tìm cho được người nào đó đã gây ra tổn thất cho mình để đòi bồi thường. Nguyên tắc này đặt cơ sở cho việc thiết lập trật tự, an toàn xã hội, công bằng xã hội. Nó cũng mang ý nghĩa một lời nhắc nhở đối với mỗi thành viên xã hội về sự cần thiết phải thận trọng, biết giữ chừng mực trong ứng xử để tránh thiệt hại cho thành viên khác.

Ý nghĩa cảnh báo được đặc biệt nhấn mạnh đối với quan chức - những người nhờ sự hỗ trợ của quyền lực mà tiếng nói có sức lan tỏa và được lắng nghe, cũng như hành vi có khả năng tác động to lớn đối với xã hội so với người dân bình thường.

Nguyễn Ngọc Điện

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Phương - Phương Nhung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN