Hàng chục doanh nghiệp “kêu oan” lên Thủ tướng
Đối mặt với gánh nặng tài chính khổng lồ bởi một quy định còn những bất cập, hàng chục doanh nghiệp bị oan bởi Nghị định 187/2013 đã làm đơn "kêu cứu" Thủ tướng Chính phủ.
Xe máy công trình đang giống… phương tiện giao thông?
Không chỉ đánh đồng "vơ đũa cả nắm" các trường hợp buộc phải đóng lại số khung, số động cơ do các nguyên nhân khách quan như trên (không ảnh hưởng đến lý lịch của xe), loại xe máy chuyên dùng này còn được đánh đồng chung trong một mục hàng với các loại xe mô tô, xe gắn máy là các phương tiện giao thông, mặt hàng phải chịu nhiều loại thuế suất với mức thuế cao (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt...) để cấm chung "các loại mô tô, xe máy chuyên dùng, xe gắn máy bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại số khung, số động cơ".
Xe máy công trình bị điều chỉnh bởi Nghị định 187/2013, đang chờ bị gỉ sét do phơi nắng, phơi mưa.
Trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp nhập khẩu xe máy chuyên dùng, tại công văn số 6085 ngày 2.7.2014, Bộ Công Thương cho rằng, việc cấm những hàng hóa nằm trong danh mục nói trên nhằm mục đích chống gian lận thương mại, tránh gây ô nhiễm môi trường và bảo đảm an toàn, quyền lợi của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, xét về mục tiêu chống gian lận thương mại, việc nhập các loại xe chuyên dụng nói trên với mức thuế nhập khẩu 0% thì việc một số xe máy chuyên dùng đã qua sử dụng trong điều kiện thi công khắc nghiệt có thể bị ngoại lực tác động nên số khung, số động cơ có thể bị mờ, lõm, không còn nguyên vẹn, hoặc có thể được nhà sản xuất đóng lại theo đúng quy chuẩn chứ không hề phục vụ được gì cho mục đích gian lận thương mại.
Với mục đích tránh gây ô nhiễm môi trường và đảm bảo an toàn, quyền lợi cho người tiêu dùng thì thấy rằng, yếu tố chính làm ảnh hưởng đến vấn đề này là các hệ thống thiết bị của máy, chứ không liên quan gì đến số khung, số động cơ của máy. Do vậy, không thể xảy ra việc cố tình tẩy xóa, đục sửa, đóng lại số khung, số động cơ vì mục đích này.
Hơn nữa, khác với các loại xe mô tô, xe gắn máy là các phương tiện giao thông, số đông người tiêu dùng sử dụng, các loại xe máy chuyên dùng chỉ được sử dụng trong các công trường xây dựng nên việc phải đóng lại số khung, số động cơ do các yếu tố khách quan như kể trên không ảnh hưởng đến an toàn và quyền lợi người tiêu dùng.
Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc đánh đồng các loại xe máy chuyên dùng với các loại xe gắn máy, xe mô tô là các phương tiện giao thông thực chất chỉ là gây khó cho các doanh nghiệp nhập khẩu, đẩy họ vào tình thế khó khăn, giảm sức cạnh tranh mà không đạt được mục tiêu như Bộ Công Thương khẳng định.
Doanh nghiệp sẵn sàng chịu bị… truy tố
Thông tin mới nhất từ nhóm các doanh nghiệp đang chịu ‘oan ức’ vì Nghị định 187/2013 này, họ đã sẵn sàng chịu trách nhiệm, thậm chí ở mức bị truy tố nếu có gian lận.
Các doanh nghiệp ký tên đóng dấu gửi văn bản kêu cứu.
Trong một văn bản với hơn 20 doanh nghiệp ký tên, đóng dấu gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp đã thống nhất kiến nghị:
- Một là, cần phân biệt, xác định những trường hợp đục sửa số khung, số máy là hàng hóa ăn cắp, gian lận thương mại thì chuyển cơ quan pháp luật điều tra, truy tố.
- Hai là, những trường hợp sửa số khung, số máy do nhà sản xuất thực hiện và các trường hợp sửa chữa do tác động tự nhiên mà các doanh nghiệp chưa cập nhật kịp thời Nghị định 187/2013 hoặc đã ký hợp đồng trước khi nghị định này có hiệu lực thì tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoàn thành thủ tục nhập khẩu, tránh quy chụp chung, gây tổn thất nặng nề cho doanh nghiệp.